Phát hiện nhầm con nhờ... số mí mắt
Đây là trường hợp của chị Lan Phương, nhà ở ngõ 104 Đội Cấn, Hà Nội. Chị Phương kể lại, vào năm 1989, chị sinh con trai đầu lòng. Sinh cùng chị có một người phụ nữ khoảng 21, 22 tuổi. Khi đi đẻ, chị có mang một cái mũ vải màu tím nhạt đi để đội cho bé. Chị đã dặn chị gái khi nào có lệnh của y tá trực vào nhận cháu, chị bế cháu ra, nhớ cháu đội mũ màu tím nhạt.
Khi y tá cho con ra với mẹ, cháu bé vẫn được đội mũ màu tím nhạt nhưng điều khác biệt là bé trai này lại đen hơn và to hơn so với cảm nhận của chị về con. Nhưng vì chiếc mũ nên chị coi như… đúng.
Con trai chị Lan Phương, cậu bé suýt bị trao nhầm gần 30 năm trước.
Song cảm thấy không yên tâm, chị Phương lại ngồi dậy và ngắm kỹ con. Sau khi nhìn ngắm đứa trẻ, chị cảm thấy con không giống bố trong khi lúc đẻ ra trông rất giống. Chị gọi y tá hỏi được trả lời đội mũ đúng cho bé. Đúng lúc ấy đứa bé khóc, chị càng cảm thấy đứa trẻ không hề giống chồng chị vì mắt 2 mí, trong khi lúc chị đẻ ra, chị nhìn rõ con mình mắt 1 mí.
“May mà phát hiện kịp và gia đình kia đến nhận con muộn, chứ ngay hôm đó họ mang đi rồi thì cũng không biết tìm ở đâu” – chị Phương chia sẻ.
Phát hiện nhầm con nhờ linh cảm của người bố
Anh Nguyễn Trang D. (SN 1976, trú tại Yên Ninh, Hà Nội). Nơi anh D. bị trao nhầm là nhà hộ sinh Ba Đình.
Anh D cho biết: “Bố mẹ tôi kể, tôi sinh ra vào tháng 10/1976, tại nhà hộ sinh Ba Đình. Sau khi ra đời, tôi được đánh dấu bằng những miếng nhôm, đeo ở cổ tay và chân nhưng lỏng lẻo, dễ bị đánh rơi bất cứ lúc nào.
Sau thời gian cách ly, nữ hộ lý bế một bé trai ra để mẹ tôi cho bú thì bố tôi linh tính rằng đã có sự nhầm lẫn. Ông nhất quyết nói nhầm và sau khi vạch chân đứa bé kiểm tra thì đúng là số thứ tự của hai người không trùng khớp.
Nhà hộ sinh quận Ba Đình hiện nay đã được chuyển tới 12 Lê Trực.
Ngay lập tức, ông bắt hộ lý đưa đi tìm khắp bệnh viện. May mắn là lúc đó tôi vẫn đang nằm trong phòng hộ sinh mà chưa bị gia đình nào bế nhầm đi.
Khi tôi đã lớn, bố mẹ tôi vẫn thường hay kể lại câu chuyện này như một kỉ niệm. Nhưng thời kỳ đó còn khó khăn, các đứa trẻ sau khi sinh được đặt san sát, liền kề với nhau. Việc lưu trữ thông tin về sản phụ, gia đình cũng thô sơ, lạc hậu nên nếu bố tôi không phát hiện ra sự nhầm lẫn sớm thì cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Tin tưởng bác sĩ nên bà... bế nhầm cháu
Cách đây 5 năm, vào năm 2012, câu chuyện trao nhầm con tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội cũng từng khiến dư luận xôn xao. Khi đó, chị Trần Thị Thủy. (35 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện và sinh mổ được một bé trai nặng 3,4kg. Cháu bé được gắn số 550 ở cổ chân để đánh dấu.
Tuy nhiên, đến chiều khi anh Hùng, chồng chị Thủy lên đón con thì lại không tìm thấy bé sơ sinh nào mang mã số 550. Y tá trực khẳng định với gia đình là cháu bé mang số 550 đã được đích thân bà nội đến đón, còn anh Hùng thì khẳng định gia đình không hề có bà nội hay bà ngoại đi vào viện cùng.
Sau một hồi tìm kiếm, các bác sĩ mới phát hiện cháu bé đã bị trao nhầm cho gia đình chị Lê Kim Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội). Khi có mặt tại phòng chị Oanh, cháu bé vẫn còn đeo trên cổ chân số hiệu 550, còn cháu bé con của chị Oanh được đánh số 585 vẫn trong buồng cách ly.
Phần vì tin tưởng các bác sỹ, phần vì trời rất lạnh nên mẹ chị Oanh đã không vạch quần áo để xem lại số hiệu của cháu, dẫn đến sự nhầm lẫn.
“Lúc gia đình tôi đến tìm, chị Oanh đang cho con trai tôi bú mà vẫn chưa phát hiện ra sự nhầm lẫn này.
Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc. May chồng tôi cẩn thận kiểm tra lại chân con nếu không tôi cũng đã bị lạc chính con đẻ của mình”, chị Thủy cho biết.
Theo Khám Phá