Bị vợ đâm đơn ly hôn vì 4 năm chung sống đều gửi tiền cho mẹ, người chồng về quê thì 'chết lặng'

"Trong thời gian ở lại quê, tôi có cảm giác mọi người trong gia đình không còn coi tôi là người thân nữa. Mà họ chỉ nơm nớp lo sợ tôi đòi lại căn nhà", người đàn ông này kể.

Đã là vợ chồng có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu thì phải chia sẻ và dành cho đối phương mọi thứ bản thân có. Đã xác định cùng xây đắp một tổ ấm chung lâu dài thì mỗi người phải đầu tư vào đó không chỉ tình cảm, công sức mà còn cả tiền bạc vật chất mình làm ra.

Vợ chồng "sống chết có nhau" mà tiền lương lại mang hết gửi cho mẹ đẻ, rõ ràng đó là hành động không thể chấp nhận được ở người đàn ông. Người chồng trong câu chuyện dưới đây bị vợ đòi ly hôn cũng vì lý do như vậy.

Nguyên văn lời tâm sự đầy hối hận của anh chồng được đăng tải lên mạng xã hội:

“Tôi là anh cả trong gia đình có 2 anh em trai, tôi hơn em trai 1 tuổi. Vì gia cảnh nghèo khó, bố mẹ tôi chỉ có thể nuôi được một đứa con ăn học. Tôi học giỏi hơn em trai nên là người được chọn. Tôi lên thành phố học tập rồi ở lại làm việc, mang theo rất nhiều kỳ vọng từ gia đình.

Thực tế chứng minh tôi đã không làm bố mẹ và em trai thất vọng. Sau khi ra trường, tôi nhanh chóng kiếm được một công việc ổn định với mức lương khá. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu báo đáp công ơn của cha mẹ và bù đắp cho sự thiệt thòi của em trai. Làm được bao nhiêu tôi chỉ giữ lại một phần chi tiêu, còn lại gửi hết về quê cho gia đình.

Bị vợ đâm đơn ly hôn vì 4 năm chung sống đều gửi tiền cho mẹ, người chồng về quê thì chết lặng-1

Sau này cưới vợ tôi cũng vẫn giữ thói quen đó. Tôi thấy làm vậy không có gì sai cả. Hàng tháng tôi đưa cho vợ 60% chi phí chi tiêu trong nhà. Vợ tôi cũng đi làm có lương nên cô ấy góp thêm 40% nữa là đủ. Như vậy là hợp lý vì thời buổi ngày nay nam nữ bình đẳng, hơn nữa tôi vẫn phụ giúp vợ việc nhà, con cái.

Rõ ràng tôi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với gia đình. Thế nhưng vợ tôi vẫn không hài lòng. Cô ấy yêu cầu tôi không được gửi tiền cho mẹ đẻ nữa, mà phải cùng cô ấy lập quỹ tiết kiệm chung của gia đình. Tôi bảo nếu có công to việc lớn gì cần đến tiền thì tôi sẽ bảo mẹ tôi gửi lên. Gửi tiền cho bà giữ hộ bao năm qua, tự dưng không gửi nữa, bà sẽ rất buồn và chạnh lòng.

Nhưng vợ tôi luôn hằn học cho rằng gửi tiền cho mẹ chồng là mất. Vì chuyện tiền nong mà tôi với vợ cãi nhau không biết bao nhiêu lần. Sau 4 năm chung sống, cô ấy đòi ly hôn cũng vì chuyện đó. Tôi cũng chán nản với người vợ toan tính, suốt ngày lo được lo mất nên ký luôn vào đơn ly hôn vợ đưa.

Sau khi ly hôn vợ một thời gian thì công việc của tôi gặp trục trặc do tình hình kinh tế khó khăn chung. Tôi quyết định cho bản thân nghỉ ngơi một thời gian, về quê để tận hưởng những ngày yên bình, nhẹ nhõm bên gia đình. Lúc này em trai tôi đã cưới vợ và sinh được một đứa con nhỏ.

Khi tôi về đến nhà thì cảnh tượng trước mắt khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Căn nhà cũ của bố mẹ tôi đã bị phá dỡ và trên nền đất ấy đang khởi công xây dựng một căn nhà mới to đẹp. Bố mẹ tôi lúng túng giải thích, rằng sợ phiền tôi bận bịu nhiều việc nên không thông báo cho tôi biết chuyện xây nhà mới.

Sau khi biết ông bà lấy toàn bộ số tiền tôi gửi về từ trước đến nay ra xây nhà, tôi không khỏi có phần tức giận. Nhưng bố tôi bảo em trai đã phải chịu thiệt thòi nhường cho tôi đi học, căn nhà này coi như là tôi bù đắp cho nó và báo hiếu bố mẹ.

Bị vợ đâm đơn ly hôn vì 4 năm chung sống đều gửi tiền cho mẹ, người chồng về quê thì chết lặng-2
Ảnh minh họa

Trong thời gian ở lại quê, tôi có cảm giác mọi người trong gia đình không còn coi tôi là người thân nữa. Mà họ chỉ nơm nớp lo sợ tôi đòi lại căn nhà. Họ đề phòng, bất an và chỉ muốn tôi đi khỏi nhà thật nhanh. Tôi vô cùng đau đớn và xót xa, không bao giờ nghĩ mọi chuyện lại có thể trở thành thế này.

Tôi không chịu đựng nổi bầu không khí ấy nữa, liền xách hành lý quay trở lại thành phố ngay. Nghe được cái thở phào nhẹ nhõm của mọi người trong nhà, tôi chua xót và hối hận vô cùng. Tôi nhớ vợ cũ, nhớ tổ ấm nhỏ của chúng tôi. Giờ tôi tay trắng chẳng còn gì nữa rồi, mọi thứ phải làm lại từ đầu. Giá kể trước đây tôi dành hết mọi thứ cho vợ con thì mọi chuyện đã khác…”.

Thiết nghĩ chữ hiếu là điều mà đứa con nào cũng cần phải làm tròn, anh em trong nhà cũng rất nên giúp đỡ lẫn nhau. Thế nhưng gia đình riêng cũng vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Chẳng những thế, vợ con mới là những người ngày ngày kề cận thân thiết và đi bên cạnh người đàn ông đến hết cuộc đời.

Người đàn ông khôn ngoan là người đàn ông biết đặt thứ tự ưu tiên hợp tình hợp lý cho những mối bận tâm trong cuộc đời mình. Chắc chắn họ sẽ chẳng bao giờ phải rơi vào cảnh hối tiếc như người chồng trong câu chuyện phía trên.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/bi-vo-dam-don-ly-hon-vi-4-nam-chung-song-deu-gui-tien-cho-me-nguoi-chong-ve-que-thi-chet-lang-voi-canh-tuong-va-loi-tuyen-bo-than-nhien-162200311221412099.htm

ly hôn Tình yêu

Tin tức mới nhất