Một buổi tối, sau khi dọn dẹp xong xuôi mọi việc, tôi ghé phòng con xem con bé học hành thế nào. Vừa thấy mẹ xuất hiện, con bé giấu vội quyển sổ vừa viết xuống ngăn bàn.

Tôi giả vờ như không thấy, chỉ dặn con nhớ làm xong bài tập rồi đi ngủ sớm.

Sáng hôm sau, khi con đã tới trường, tôi vào phòng con tìm cuốn sổ bí ẩn hôm qua. Cuộc sống của bà mẹ đơn thân quá nhiều vất vả và lo nghĩ, tôi thật sự không có nhiều thời gian để ở gần con, biết con nghĩ gì.

Tôi biết con bé viết nhật ký và đó là cách nhanh nhất để tôi hiểu rõ tâm lý con mình.

Những thứ con viết thoạt đầu cũng chẳng có gì đặc biệt. Chủ yếu con kể về bạn bè, những chuyện lặt vặt linh tinh ở trường. Những trang nhật ký sau đó là những dòng con viết về cậu bạn trai cùng lớp.

Hai đứa thích nhau và nhiều hôm thay vì học bài, con gái tôi lại lôi nhật ký ra viết rằng nhớ cậu ấy.

Đọc đến đâu, nỗi bực bội trong tôi trào lên tới đó. Có lẽ, đó là lý do học kỳ vừa rồi điểm thi của con thấp và không đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tôi cứ nghĩ, năm học cuối cấp nên kiến thức khó hơn, hóa ra là vì những chuyện vớ vẩn này.

Biết mẹ đọc trộm nhật ký, phản ứng của con gái khiến tôi như chết lặng-1
Tôi quên mất rằng, con không chỉ cần ấm no, con cần có mẹ bên cạnh quan tâm nhiều hơn (Ảnh minh họa: Sina).

Tối đó, sau khi ăn cơm xong, tôi bảo với con rằng, tôi cần nói chuyện. Khi thấy tôi cầm quyển sổ trong tay, con bé lao đến giật lấy, mặt đỏ bừng:

- Sao mẹ lại đọc trộm nhật ký của con?

- Sao mẹ lại không thể?

Tôi đã không kìm nén được nỗi thất vọng, dồn hết mọi lời lẽ nặng nề lên con bé. Tôi kể lể việc tôi đã phải vất vả thế nào để có thể lo cho con cuộc sống không thiếu thốn, bằng bạn bằng bè.

Tôi đem mấy đứa trẻ hàng xóm ra để so sánh, nhắc con tôi hãy nhìn đó mà học theo. Con chỉ mới 14 tuổi, việc quan trọng nhất bây giờ là học chứ không phải yêu đương trai gái.

Thay vì biết sai, con bé lại tỏ ra hết sức gan lì, nhìn thẳng mặt tôi: "Mẹ suốt ngày so sánh, đòi hỏi con phải như con nhà người ta. Thế mẹ có được như mẹ người ta hay không?

Mẹ chẳng bao giờ quan tâm con nghĩ gì, muốn gì, lúc nào con buồn, con vui. Ngay cả việc con dậy thì lúc nào mẹ cũng không biết.

Con biết, mẹ vất vả nên những gì con có thể làm, con sẽ tự làm hết. Kể cả việc phải mang hai cái khẩu trang để đi mua băng vệ sinh lần đầu tiên vì xấu hổ. Việc con thích một người thì có gì sai?

Mẹ thất vọng về con, nhưng con cũng thất vọng về mẹ. Đáng lẽ mẹ không nên đọc trộm nhật ký, đó là quyền riêng tư của con".

Con bé nói một thôi một hồi rồi chạy nhanh về phòng, còn tôi như chết lặng khi nghe những lời con thốt ra. Đây là lời của đứa con gái tôi đã sinh ra bằng cả tính mạng, đạp lên mọi lời dè bỉu, dèm pha hay sao?

Tôi bị người ta lừa phỉnh mà mang thai từ năm 19 tuổi, làm mẹ ở tuổi đó chẳng dễ dàng gì. Học hành không đến nơi đến chốn, không có nghề gì trong tay, lại chịu sự đay nghiến vì hư hỏng từ bố mẹ mình.

Tôi bỏ nhà lên thành phố, làm đủ việc tay chân với cái bụng ngày một lớn lên, dành dụm từng đồng để chuẩn bị cho ngày sinh nở.

Sau khi sinh con, bố mẹ vì thương mà muốn đón hai mẹ con tôi về quê nhưng tôi không muốn phiền lụy ông bà. Ở quê, mọi định kiến vẫn còn nặng nề lắm.

Con bé đã vắt vẻo trên lưng tôi trong những quán ăn, những khu chợ. Có hôm mùa đông, khuya khoắt hai mẹ con mới về nhà, con bé lả đi, tím tái vì lạnh.

Nỗi thống khổ đã dạy tôi trở nên mạnh mẽ, gan lì, không ngại khó, không ngại khổ dấn thân làm ăn. Tôi tự hào vì đã có thể mua được một căn nhà nhỏ cho hai mẹ con trú ngụ, nuôi con đầy đủ như con người ta.

Nhiều năm qua, một giấc ngủ trưa tôi cũng không dám ngủ. Tôi dành mọi thời gian để kiếm tiền chỉ mong lo cho con đủ đầy, không thiếu thốn. Vậy mà bây giờ, con gái tôi mới tí tuổi đầu đã bốp chát vào mặt mẹ rằng, con thất vọng về tôi.

Kỳ lạ, tôi không giận con bé, ngược lại thấy thương con nhiều hơn. Con đang ở giai đoạn tâm sinh lý đầy biến động của tuổi dậy thì, cần được người lớn thấu hiểu và sẻ chia. Tôi đã nghĩ mình làm mọi thứ vì con nhưng những thứ con cần, tôi lại không hề để ý.

Nhớ lại có lần tôi đi làm về muộn, hỏi con nay mẹ đặt cơm gà cho con có ngon không? Con gái trả lời: "Thay vì ăn cơm gà một mình, con thích ăn cơm rau với mẹ hơn". Lúc đó, tôi không hiểu ý nghĩa sâu xa của câu trả lời này, giờ nhớ lại bỗng trào nước mắt.

Tôi vào phòng con, thấy con gái đang ngồi bên bàn học, sách mở trên bàn nhưng nước mắt nhòe hai má.

Tôi vòng tay ôm con từ sau lưng, thì thầm: "Mẹ sai rồi. Mẹ yêu con, muốn hiểu con nhưng có lẽ mẹ đã chọn nhầm cách". Con gái nắm tay tôi và cả hai mẹ con cùng khóc.

Theo Dân trí