Thói quen dùng giấy bạc nướng thực phẩm

Từ lâu, đồ nướng là món ăn khoái khẩu đối với nhiều người. Từ mâm cơm cổ truyền đến những hội hè, tiệc tùng…, món nướng luôn được chào đón nhiệt tình. Rồi cả đến những món ăn sáng như bún chả, bánh cuốn chả, những hàng quán nướng dọc vỉa hè… cũng nhận được lượng khách ăn đông đảo mỗi ngày.

Gia đình chị Hoa (Kim Liên, Đống Đa) cũng là một trong những gia đình rất trung thành với món nướng trên bữa cơm hàng ngày. Chị nói, đó chủ yếu là sở thích của chồng và hai con trai chị. Vì thế, một chiếc bếp nướng là vật dụng không thể thiếu trong gia đình. Mỗi tuần, dù đông hay hè, nhà chị cũng phải ăn khoảng 3 bữa cơm có món nướng.

Đặc biệt, chị có thói quen sử dụng giấy bạc trong quá trình nướng thịt. Đây vốn không phải cách của riêng chị Hoa mà dường như đa số bà nội trợ trên thế giới đều sử dụng giấy bạc trong nướng đồ ăn. Giấy bạc rất nhẹ, mỏng, có thể dễ dàng tạo hình, rất tiện lợi trong quá trình bọc, gói, phủ lên trên hoặc lót phía dưới khi nướng và bảo quản đồ nướng. Đặc biệt khi nướng trong lò vi sóng, giấy bạc càng tiện lợi hơn.

Việc sử dụng giấy bạc trong đồ nướng không chỉ được đông đảo các bà nội trợ sử dụng mà còn được nhiều hàng quán ưu ái bởi những lợi ích tuyệt vời mà nó đem lại. Chắc hẳn bạn không còn lạ lẫm khi một món nướng được bưng ra được gói trong một lớp giấy bạc mỏng, khi mở ra thì món ăn vẫn còn bốc hơi với mùi vị vô cùng hấp dẫn?

Tuy nhiên, bạn có bao giờ băn khoăn loại giấy này liệu có đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng thông qua việc tiếp xúc với các món nướng không?

Giấy bạc bọc nướng thực phẩm – những cảnh báo không thể bỏ qua


Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Quốc tế về điện hóa học khuyên, bạn nên suy nghĩ ít nhất 2 lần trước khi quyết định gói thực phẩm vào giấy bạc vì kim loại nhôm từ giấy bạc có khả năng thấm hút vào món ăn của bạn. Nghiên cứu khẳng định, cách tạo ra món ăn ngon kiểu này vô tình giúp nhôm ngấm vào thực phẩm nhanh và nhiều hơn bao giờ hết.

Thực tế, cơ thể con người có thể bài tiết được một lượng nhôm nhất định khá hiệu quả, do đó việc tiếp xúc với kim loại hoàn toàn không phải là vấn đề gì đó quá đáng sợ. Tổ chức Y tế Thế giới thậm chí còn đưa ra mức tiêu thụ trong ngưỡng cho phép của nhôm trong cơ thể không hề gây hại. “Tuy nhiên, hầu hết mọi người lại ăn nhiều lượng được khuyến cáo hơn hàng ngày”, bà Ghada Bassioni – một trong những người thuộc nhóm nghiên cứu cho biết.

Điều này là do một phần nhôm là kim loại có nhiều nhất trong vỏ trái Đất, được tìm thấy trong một loạt các loại thực phẩm và gia vị. Bạn có thể thấy nồi chảo trong gia đình được lót bằng nhôm. Mặc dù hầu hết chúng đều được oxy hóa để ngăn chặn kim loại ngấm vào thức ăn. Tuy nhiên, khả năng ngăn chặn sẽ bị suy giảm rất nhiều sau mỗi lần chà rửa xoong chảo.

Ông Bassioni (thuộc nhóm nghiên cứu) khẳng định: “Lượng nhôm cao chứa trong thực phẩm có thể gây thiệt hại đáng kể cho người bị suy thận hoặc bị bệnh xương”.

Những cảnh báo về giấy bạc sử dụng để nướng hay đồ nướng nói chung cũng được chuyên gia tại Việt Nam bày tỏ quan ngại.

donuongbanggiaybac3

Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm), đồ nướng là một loại thực phẩm truyền thống với cách chế biến được phát triển phong phú. Ưu điểm của món nướng là đem đến hương vị hấp dẫn, thơm ngon hơn cho thực phẩm. Từ Đông sang Tây, từ trai đến gái… đều thích ăn đồ nướng. Tuy nhiên, đây là loại thực phẩm chứa nhiều nguy hại cho sức khỏe.

“Khi nướng thịt, cá, chất đạm được đưa vào nhiệt độ cao sẽ tạo ra các amin thơm và những hóa chất độc hại gây ung thư. Những thực phẩm dạng tinh bột khi gặp nhiệt độ cao sẽ tạo ra hợp chất acrylamide cũng là tác nhân gây ung thư. Thực phẩm để nướng có chứa mỡ hoặc đường khi nướng lên sẽ tạo hợp chất AGE. Đây là hợp chất gây bệnh ung thư, đồng thời có thể gây nên các bệnh tim mạch, đái đường…”, ông Đáng nói.

Chưa hết, việc dùng giấy bạc để nướng thực phẩm càng khiến những nguy cơ bệnh tật gia tăng. Theo ông Đáng, đúng là chúng ta không thể phủ nhận ưu điểm mà loại giấy này mang lại trong việc nướng thực phẩm. Khi nướng xong, giấy bạc – được cấu tạo chủ yếu bằng nhôm, sẽ giúp tạo ra một hình thể đồ nướng rất đẹp, giữ được các chất chứ không bị rơi rớt, biến đổi trong quá trình nướng đồ. Tuy nhiên, việc sử dụng như thế nào cho đúng thì không mấy mẹ nội trợ để ý, dẫn đến một số nguy hại do nhiễm nhôm từ giấy bạc.

“Ion nhôm chui vào các tế bào khiến tế bào lão hóa nhanh, có thể khiến da dẻ bị nhăn nheo, đồi mồi, suy giảm tuổi thọ. Khi nướng, canxi trong thực phẩm gặp nhôm ở giấy bạc sẽ phản ứng với nhau, khiến xương bị yếu đi, dẫn đến giảm chức năng xương khớp. Chưa hết, nhôm ở giấy bạc còn có khả năng tích lũy ở tủy xương, não, các mô lành, gây ảnh hưởng đến các cơ quan chức năng, tổn thương não, suy giảm trí nhớ”, vị phó giáo sư này khẳng định.

Ông cũng đưa thêm dẫn chứng được khoa học công nhận vào năm 1906, được nghiên cứu và công bố bởi bác sĩ thần kinh người Đức, Alois Alzheimer. Theo đó, nhôm lắng động trong não khiến các tế bào não bị oxy hóa tấn công, thành các mảng chết. Các trung tâm dây thần kinh bị cuốn và thành các búi bị lão hóa. Ở mức nhẹ, bệnh nhân có thể bị đãng trí, dần dần sẽ quên những sự việc vừa xảy ra, nặng hơn thì có thể tử vong một sớm một chiều.

“Thực tế thì có nhiều nguyên nhân, nhiều giả thuyết được đặt ra cho căn bệnh này nhưng một trong những nguyên nhân đó là do các ion nhôm xâm nhập”, PGS.TS Trần Đáng nói.

Vậy làm thế nào để dùng giấy bạc để nướng đồ đúng cách? Theo ông Đáng, bạn cần chú ý:

- Không dùng giấy bạc để lót dưới lò nướng vì có thể làm hỏng lò.

- Không dùng để gói thực phẩm cho vào lò vi sóng. Nguyên nhân là lò vi sóng làm chín thực phẩm từ bên trong ra bằng sóng điện từ sẽ phá hoại giấy bạc cực nhanh, ion nhôm xâm nhập vào thực phẩm nhanh và dễ dàng hơn.

- Không dùng để gói thực phẩm có tính axit, có độ chua vì dễ phản ứng với giấy bạc nhôm (rõ nhất trong trường hợp nướng và hấp thực phẩm). Điều này vừa khiến món ăn có hương vị kém ngon, vừa tạo điều kiện cho ion nhôm xâm nhập vào cơ thể nhanh, nhiều hơn.

 - Ngoài ra, bạn không nên ăn đồ nướng nói chung một cách thường xuyên, mỗi tuần chỉ nên ăn 1-2 lần để cơ thể thải hết độc tố, đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh, tránh tích tụ những chất gây ung thư.

Theo Trí thức trẻ