Tôi là cô gái xinh đẹp, từng có nhiều chàng trai theo đuổi. Tuy nhiên, tình duyên lận đận kéo dài, đến với ai cũng chẳng nên duyên.

Sau khi chia tay anh chàng làm trong lĩnh vực tài chính, tôi suy sụp và mất một thời gian dài mới lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. Thông qua một số bạn bè, tôi quen người chồng hiện tại. Anh là con nhà khá giả, kém tôi 3 tuổi. Quen chưa được bao lâu, tôi đã yêu anh và hai đứa thành một đôi.

Trong quá trình yêu đương, bạn trai có tính cách trẻ con nên tôi như một người chị gái cố gắng vun vén mọi chuyện, níu giữ tình cảm.

Do từ bé được nuông chiều nên anh sống hưởng thụ hơn là tiết kiệm, không chịu được vất vả như những người khác. So với những chàng trai từng tán tỉnh hay yêu tôi trước đây, chồng không bằng về ngoại hình, tính cách hay khả năng kiếm tiền...

Bố chồng tiết lộ sự thật trước nghỉ hưu, tôi vỡ mộng lấy công tử nhà giàu-1
Tôi hoàn toàn vỡ mộng sau khi bố chồng tuyên bố không còn tiền, yêu cầu các con phải góp tiền nuôi (Ảnh minh họa: KD).

Sau khi yêu được nửa năm, tôi về nhà bạn trai ra mắt. Bố làm ra tiền nên lo được cho cả nhà, còn mẹ đúng kiểu phụ nữ truyền thống, hết lòng vì gia đình.

Ngay từ buổi ra mắt, tôi đã được cả nhà bạn trai quý mến. Họ cũng nhận thấy sự dịu dàng ở tôi nên rất mong muốn hai đứa có thể kết hôn.

Mỗi lần gặp nhà bạn trai, tôi được đãi các món ăn theo phong cách sang chảnh, thưởng thức những bàn tiệc cầu kỳ mà gia đình chẳng bao giờ có. Tôi vốn là người ưa hình thức và "sống ảo" nên rất thích những bàn tiệc kiểu như vậy.

Trong căn hộ chung cư được bài trí đẹp mắt, dưới ánh đèn chùm pha lê, tôi cùng bạn trai và gia đình thưởng thức món ăn, hệt như mấy bộ phim thường xem.

Tôi có cảm tình và ấn tượng với gia đình bạn trai nên rất thích được đến ăn uống cùng mọi người. Nếu như mối quan hệ của tôi và gia đình bạn trai khá ổn thì anh ấy ngày càng lộ ra nhiều điểm khó có thể chấp nhận được.

Anh thờ ơ và thiếu sự quan tâm, có những tuần chẳng hỏi han nhau một câu. Lúc tôi dẫn về ra mắt, anh tỏ vẻ không thích vì không quen sống ở nông thôn. Thậm chí, vừa về nhà tôi được 30 phút, anh đã đòi lên Hà Nội.

Bố mẹ tôi không hài lòng với chàng rể tương lai song không cấm cản. Bởi tôi đã bước sang tuổi 30. Lúc đó, các cụ chỉ mong muốn con gái cưới chồng để đỡ áp lực với thiên hạ.

Càng yêu, tôi càng trở thành người vun vén cho mối quan hệ tình cảm với bạn trai. Đôi khi tôi tự hỏi: "Tại sao mình phải như vậy?", nhưng rồi vẫn tiếp tục cam chịu.

Trải qua 2 năm hẹn hò, chúng tôi tính chuyện kết hôn. Lúc ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn, tôi nhận thấy "cưới xin vì tình cảm với nhà chồng nhiều hơn với bạn trai". Sau những lần thất bại trong yêu đương, tôi chán nản cảnh chia tay để bắt đầu lại với ai đó. Vì vậy, tôi tặc lưỡi.

Chồng có thể trẻ con, chưa hoàn hảo nhưng nhà chồng sẽ bù đắp tất cả. Thêm nữa, ngoài cái mác con dâu nhà thành phố, tôi cũng nghĩ gia đình bạn trai có nhiều tiền nên cuộc sống sau này sẽ đỡ vất vả.

Đám cưới xong xuôi, chúng tôi bắt đầu cuộc sống hôn nhân với đủ thứ phải lo. Hai đứa thu nhập không mấy dư dả, còn nhà chồng tuyên bố sẽ không cho đồng nào hỗ trợ. Vì vậy, hai vợ chồng phải tự lực cánh sinh.

Tôi vốn dĩ là đứa con gái cam chịu nên không đòi hỏi từ bố mẹ chồng. Tiền lương của tôi dùng trang trải mọi chi phí sinh hoạt, còn chồng giữ toàn bộ lương vì anh cần đầu tư vào nhiều việc.

Tôi không muốn đôi co chuyện tiền bạc nên cứ nai lưng để làm sao tiêu đủ số tiền lương cho cả tháng.

Tôi đinh ninh có lẽ bố mẹ chồng nói vậy để hai đứa cố gắng hơn trong cuộc sống. Cả đời bố mẹ làm việc ở thành phố chẳng nhẽ không có nhiều mảnh đất, tiền tiết kiệm để phòng thân.

Tuy nhiên, càng sống lâu dài, tôi càng hiểu gia đình nhà chồng chẳng có nhiều của cải như kỳ vọng. Cách sống của nhà chồng là quen với sự phô trương ra bên ngoài và thích hưởng thụ. Thực tế, chi tiêu hàng tháng chỉ dựa vào đồng lương.

Cách đây mấy năm, tôi nghe được rằng, bố chồng mang tiền đi đầu tư. Quả thực, tôi chỉ nghĩ đây là một cách kiếm tiền thêm cho con cái và dưỡng già. Tuy vậy, vì không có đủ tiền đầu tư, ông hỏi mượn tôi. Bố chồng vay tiền chẳng nhẽ không cho, tôi rút ngày 50 triệu đồng trao tận tay.

3 năm sau, chẳng có động tĩnh gì về số tiền đó, ông cũng không nhắc gì đến. Khi tôi hỏi, ông chỉ trả lời "đầu tư thua lỗ" nên không còn tiền để trả.

Tôi ấm ức nhưng chẳng có cách gì giải quyết được. Dẫu sao cũng là bố chồng, không lẽ trình báo đưa ra pháp luật, giấy tờ vay mượn cũng chẳng có.

Sau lần đó, tôi dường như vỡ mộng về suy nghĩ bấy lâu nay với nhà chồng. Chẳng có sự hỗ trợ của hai bên, vợ chồng tôi làm được đồng nào đều tiêu hết, gần như không dư dả.

Vậy mà thời gian gần đây, bố chồng cho biết, tiền đầu tư đã thua lỗ hết nên khi nghỉ hưu gần như "trắng tay".

Ông yêu cầu vợ chồng tôi phải góp tiền nuôi bố mẹ, trả các chi phí của chung cư, xăng xe đi lại của ô tô cùng một số khoản khác. Nếu nhẩm tính, mỗi tháng chi phí lên đến 10 triệu đồng.

Với tôi, số tiền đó là khá lớn. Tiền dư dả chẳng có, lại thêm một khoản cho nhà chồng, tôi không biết xoay sở thế nào.

Thời hạn đóng tiền hàng tháng mà bố chồng đưa ra sắp đến, tôi thở dài chẳng biết kiếm ở đâu ra. Nhiều người sẽ phản ứng và không nộp nhưng tôi lại muốn đỡ đần. Dù gì đi chăng nữa, bố mẹ chồng không hề tệ bạc với tôi.

Tuy vậy, với khoản thu nhập hiện tại mà phải chi 10 triệu đồng nuôi bố mẹ chồng, hai đứa chỉ còn biết rau cháo qua ngày.

Nhiều người bảo tôi ngốc nghếch, đòi hỏi của nhà chồng là quá đáng. Tuy nhiên, tôi vẫn nuôi một hy vọng mong manh, bố chồng có thể đang giấu khối tài sản nào đó, sau này ông mới tiết lộ ra.

Theo Dân Trí