Theo Cục CSGT (C08, Bộ Công an), hiện nay cả nước đã có 463 cơ sở đào tạo lái xe trong đó 328 cơ sở đào tạo lái xe ôtô, môtô, 135 cơ sở đào tạo lái xe môtô và 121 trung tâm sát hạch lái xe do các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn quy định của Luật Đầu tư theo cơ chế xã hội hóa, hoạt động độc lập.
Đây là một loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện, tự chủ thu chi, tự quyết về nguồn nhân lực. Khi có quyết định việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe chuyển từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, hoạt động sát hạch, cấp giấy phép lái xe vẫn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện.
Một số cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe sử dụng nguồn kinh phí nhà nước sẽ được Bộ Công an tham mưu báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan thực hiện triệt để công tác xã hội hóa loại hình dịch vụ này.
Bộ Công an đề xuất tăng trách nhiệm của cơ sở đào tạo và giáo viên dạy lái xe
Nói về dự án Luật đảm bảo TTATGT, Cục CSGT cho rằng công tác quản lý đào tạo lái xe hiện đang bị buông lỏng, không thực hiện hoặc kiểm soát thường xuyên, dẫn tới nhiều học viên bị “hổng” kiến thức nhưng vẫn được cấp GPLX. Tuy nhiên, giáo viên lại không phải chịu trách nhiệm gì.
Trong dự thảo luật, trách nhiệm đào tạo, sát hạch và cấp GPLX sẽ được chuyển từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an. Cục CSGT cho hay khi tiếp nhận, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, bố trí lại chương trình đào tạo theo hướng ngắn gọn, hiệu quả, đảm bảo tối ưu tận dụng thời gian, tài chính cho người học lái xe.
“Học viên sẽ được lựa chọn hình thức đào tạo và trung tâm sát hạch. Căn cứ chất lượng đào tạo, giáo viên dạy lái và cơ sở vật chất để có hướng xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch không đủ điều kiện” – Cục CSGT thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM.
Nói thêm về vấn đề này, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, nhấn mạnh Luật đảm bảo TTATGT quy định tăng cường trách nhiệm của cơ sở đào tạo cũng như giáo viên dạy lái đối với chất lượng của học viên.
Theo đó, dữ liệu đầu vào của học viên được lưu trữ đầy đủ, từ việc họ chọn giáo viên là ai, trung tâm nào. Để xảy ra TNGT, trách nhiệm chính là của tài xế, nhưng trung tâm và thậm chí cả giáo viên đào tạo ra tài xế đó cũng phải có trách nhiệm.
"Vì vậy tới đây giáo viên phải cung cấp đủ cho học viên kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng tham gia giao thông an toàn và sát hạch viên cũng như thế. Đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông sẽ được đẩy lên rất mạnh mẽ và sẽ gắn với trách nhiệm của và giáo viên”, Đại tá Đỗ Thanh Bình chia sẻ trên VOV.
Cục phó C08 nói giáo viên dạy lái sẽ được phân theo rank (cấp - PV) từ cao xuống thấp, học viên của ai có bao nhiêu vi phạm, gây ra bao nhiêu vụ tai nạn đều được lưu trên hệ thống, công khai cho mọi người biết. Nếu rank thấp, giáo viên đó sẽ không có học viên chọn, từ đó nâng cao trách nhiệm của người đào tạo.
“Ví dụ tài xế ra đường xi-nhan mà không nhìn, chỉ biết cứ thế mà đánh lái, thì rõ ràng phải quy trách nhiệm của cả người đào tạo và sát hạch” – Đại tá Bình nhấn mạnh trên báo Pháp Luật TP.HCM
Tài xế sẽ được cấp giấy chứng nhận đào tạo Trong dự thảo Luật Đảm bảo TTATGT, Bộ Công an đề xuất người học lái xe được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; được đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, các kiến thức và kỹ năng phòng ngừa TNGT, sơ cứu ban đầu, văn hóa ứng xử... Kết thúc khoá học, người học lái xe được cơ sở đào tạo kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo. Đáng chú ý, người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng GPLX phải có đủ thời gian lái xe an toàn quy định cho từng hạng GPLX; người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng GPLX lên hạng D2, D tối thiểu phải có trình độ văn hóa trung học cơ sở. |
MT (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet