Liên quan đến vụ án bà Nguyễn Phương Hằng và các cá nhân liên quan, tại cuộc họp báo Bộ Công an chiều 28/3, Đại tá Trương Thọ Toàn, Phó Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), cho biết quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an và công an các địa phương là tiếp nhận tất cả nguồn tin tố giác tội phạm một cách thận trọng.

Việc xác minh xử lý phải qua nhiều công đoạn, áp dụng nhiều biện pháp, nhất là các vụ án phức tạp.

Bộ Công an nói về vụ án bà Phương Hằng, ca sĩ Vy Oanh-1
Đại tá Trương Thọ Toàn, Phó chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo ông Toàn, vụ án liên quan bà Phương Hằng có nhiều hành vi, diễn ra trong nhiều năm, liên quan nhiều người và trải dài ở nhiều địa bàn. Vì vậy công tác xác minh cần nhiều thời gian. Đó là lý do nhiều cơ quan cùng giải quyết vụ việc trên cơ sở đảm bảo yêu cầu của quy định pháp luật.

"Phòng Cảnh sát điều tra Công an TPHCM (PC01) hay Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM (PC02) thụ lý thì đều do một thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra chỉ đạo, trên cơ sở tổng hợp kết quả điều tra, xác minh", Đại tá Trương Thọ Toàn nói và cho biết trong một số hoàn cảnh, việc phân chia cơ quan thụ lý đơn tố giác tội phạm nhằm giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng.

Như đã đưa tin, sau khi con trai bà Nguyễn Phương Hằng gửi đơn đề nghị xử lý 35 cá nhân (trong đó có ca sĩ Vy Oanh) về việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bà Hằng, ca sĩ Vy Oanh đã gửi đơn kêu cứu bày tỏ lo ngại vụ án có thể không được giải quyết toàn diện khi PC01 Công an TPHCM thụ lý việc xử lý bà Hằng, còn PC02 Công an TPHCM thụ lý đơn tố giác một số cá nhân trước đó được xác định là bị hại của bà Hằng.

Tròn một năm sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TP.HCM bắt tạm giam, ngày 24/3/2022, Công an TPHCM khởi tố bị can, bắt tạm giam nhà báo Đặng Thị Hàn Ni và luật sư Trần Văn Sỹ về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Biện pháp tố tụng được thực hiện sau khi Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM tiếp nhận, thụ lý xác minh tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và vợ là bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo bà Ni và ông Sỹ đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của vợ chồng ông Dũng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty CP Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.

Sau đó, ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Hằng) cũng có đơn đề nghị xử lý 35 cá nhân về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân bà Hằng.

Ngày 21/3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM có giấy triệu tập ca sĩ Vy Oanh đến làm việc về đơn của ông Tuấn. Tuy nhiên, nữ ca sĩ không đến làm việc, gửi đơn khiếu nại, đơn kêu cứu khi cho rằng ông Tuấn không có quyền tố cáo thay bà Hằng và việc gửi giấy triệu tập (không phải giấy mời) cho người được xác định tư cách là bị hại trong vụ án của bà Phương Hằng khiến ca sĩ Vy Oanh lo lắng.

Ngoài ra, Vy Oanh cũng lo ngại vụ án không được giải quyết toàn diện khi PC01 Công an TPHCM thụ lý vụ án bà Phương Hằng, còn PC02 Công an TPHCM thụ lý đơn tố giác 35 cá nhân.

Theo Dân Trí