Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự để xác minh, làm rõ vụ án.

Trong đó, Bộ Công an đề nghị Tổng Chưởng lý quần đảo Brishtish Vigin thuộc Vương quốc Anh, Tổng Chưởng lý quần đảo Cayman thuộc Vương quốc Anh và Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, nước CHDCND Trung Hoa, phối hợp xác minh 8 công ty nước ngoài với các nội dung: thông tin về pháp nhân, người đại diện pháp luật, quan hệ với Trương Mỹ Lan và các cá nhân khác tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Việt Vĩnh Phú; xác định việc mua, sở hữu cổ phần tại SCB, Công ty Việt Vĩnh Phú và các nội dung có liên quan đến SCB.

Bộ Công an xác minh quan hệ giữa 8 công ty nước ngoài với bà Trương Mỹ Lan-1
Bà Trương Mỹ Lan lúc chưa bị bắt (Ảnh: H.N.).

Đồng thời, liên quan đến hai bị can là người nước ngoài đã giúp sức cho hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan trong vụ án, gồm ông Lee George Lam (cựu thành viên HĐQT SCB, quốc tịch Canada) và ông Henry Sun Ka Ziang (quốc tịch Trung Quốc, cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Bộ Công an cũng có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự số 374.

Trong đó, Bộ đề nghị Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, nước CHDCND Trung Hoa xác minh đối với Lee George Lam và Henry Sun Ka Ziang. Song, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chưa nhận được kết quả trả lời.

Tuy nhiên, theo cáo trạng, quá trình điều tra vụ án đã thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ, làm rõ bản chất vụ án và hành vi phạm tội của các bị can này.

Ngày 12/11, Bộ Công an ra quyết định tách vụ án hình sự Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; tạm đình chỉ điều tra đối với Lee Geogre Lam và Henry Sun Ka Ziang.

Bộ Công an xác minh quan hệ giữa 8 công ty nước ngoài với bà Trương Mỹ Lan-2
Ông Lee George Lam (Ảnh: digitaleconomysummit).

Hồ sơ vụ án xác định, dù không trực tiếp nắm quyền điều hành nhưng bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua các cá nhân khác. Sau khi thâu tóm thành công, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng phối hợp cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống.

Từ 2012 đến 2022, SCB giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức). Trong đó, nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền giải ngân hơn 1.066.000 tỷ đồng. Số tiền SCB cho nhóm bà Lan vay chiếm 93% số tiền cho vay, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.

Đến năm 2022, 875 khách hàng trong nhóm bà Lan với gần 1.300 khoản vay còn dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi). Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Nhằm hợp thức việc rút tiền và tránh bị cảnh sát truy vết phát hiện sai phạm, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty "ma", sau đó thực hiện rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.

Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi của bà Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng.

Các bị can nguyên cán bộ chủ chốt của SCB bị cáo buộc giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của nhà băng này gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Theo Dân Trí