Văn bản gửi Cục phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin truyền thông liên quan đến một số tổ chức, cá nhân xuyên tạc sai lệch về ngữ liệu trong sách giáo khoa phổ thông. 

Theo Bộ GD&ĐT, những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện hành như: "giã gạo thổi cơm", "bạn An dũng cảm", "bắn tung tóe", "bé xách đỡ mẹ", "vẽ gì khó"…, dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực về SGK, người viết SGK và ngành giáo dục.

Các nội dung trên không có trong bất kỳ cuốn SGK hiện hành nào được sử dụng trong các nhà trường.

Bộ Giáo dục đề nghị xử lý các đối tượng xuyên tạc ngữ liệu sách giáo khoa - 1
Các nội dung trên đây không có trong bất kỳ cuốn SGK nào đang sử dụng trong nhà trường (Ảnh: MOET).

"Văn phòng Bộ GD&ĐT kính đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ xác minh kiểm tra nguồn gốc các thông tin trên; có giải pháp ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai sự thật; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải, bình luận xuyên tạc sai sự thật khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng tới ngành giáo dục.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền hình ảnh chụp một số trang sách có các bài đọc gây tranh cãi.

Chẳng hạn hình ảnh bài đồng dao 'Giã gạo thổi cơm', cho rằng đây là một bài trong sách giáo khoa.

Bài đồng dao có nội dung như sau: 'giã gạo thổi cơm trưa/ Còn thừa để đến tối/ Ai vay thì nói dối/ Nhà tôi hết gạo rồi/ Chống cối lên'.

Nhiều ý kiến bình luận cho rằng nội dung của bài mang ý nghĩa xấu khi dạy trẻ con nói dối, không phù hợp để đưa vào sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục đề nghị xử lý các đối tượng xuyên tạc ngữ liệu sách giáo khoa - 2
Bài đồng dao này không phải ngữ liệu trong SGK hiện hành (Ảnh: MOET).

Tuy nhiên, thực tế bài đồng dao này nằm trong cuốn "Nựng nựng nà nà" thuộc bộ sách "Đồng dao cho bé" của Nhà xuất bản Kim Đồng, in năm 2022. 

Bộ "Đồng dao cho bé" trên đây gồm ba quyển: "Nựng nựng nà nà" (23 bài đồng dao), "Chi chi chành chành" (23 bài) và "Ông giẳng ông giăng" (19 bài). Cả ba quyển này có tổng cộng 65 bài đồng dao.

Ngoài bài đồng dao này, nhiều ngữ liệu văn học khác cũng bị các trang mạng chia sẻ rầm rộ để phê phán sách giáo khoa hiện hành nhưng thực chất không còn được lưu hành.

Những ngữ liệu này từng có mặt trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục (bộ sách giáo khoa được biên soạn riêng theo công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại), bộ sách "Thực hành kỹ năng sống" của Nhà xuất bản Giáo dục hoặc truyện Ehon...

Theo Dân Trí