Bố không nuôi con trai từ nhỏ nhưng khi bị tai biến thì bắt con cái đón về chăm sóc-1
Ảnh minh họa

Tôi vẫn nghĩ rằng chuyện con yêu con ghét trong nhà là chuyện thường thì khó mà tránh khỏi. Thế nhưng dù có yêu quý đứa con này hơn đứa con kia thì chí ít chúng đều là con của mình, cho đứa này nhiều hơn một chút thì có thể chứ chẳng thể nào đối xử quá tàn nhẫn với đứa con do chính mình dứt ruột đẻ ra được.

Vậy mà ở nhà chồng tôi thật sự tồn tại chuyện đứa thì như bà hoàng công chúa, đứa thì như con rơi con vãi ngoài đường.

Chồng tôi mới 12 tuổi đã được ông cậu nhận nuôi. Nhà cậu không có con cái, nhìn thấy chồng tôi sống lay lắt trong chính gia đình mình, trong chính cái nơi có những người sinh ra mình, cậu không đành lòng.

Thật sự cậu đã nuôi dạy chồng tôi rất tốt, anh tuy thiếu thốn tình cảm của bố mẹ đẻ nhưng lại được cậu và mợ yêu thương chăm sóc và nuôi dạy thành người tử tế cho xã hội. Suốt nhiều năm này, bố mẹ anh chưa từng hỏi đến đứa con ấy, thậm chí còn nói thẳng với anh rằng đã cho cậu mợ nuôi rồi thì bố mẹ hết trách nhiệm.

Anh trưởng thành, lấy vợ, đi làm, sinh con đẻ cái chưa bao giờ nhận được bất kỳ sự quan tâm nào của bố mẹ đẻ, dù rằng nhà bố mẹ anh và nhà cậu mợ chỉ cách nhau có vài cây số. Cậu mợ thương anh nên mọi chuyện của đấng sinh thành hai người đều làm trọn vẹn cho anh cả.

Bố không nuôi con trai từ nhỏ nhưng khi bị tai biến thì bắt con cái đón về chăm sóc-2

Đến nỗi tôi về làm dâu gần 20 năm nay, chỉ gặp được bố mẹ thân sinh ra chồng mình được đôi ba lần. Vốn dĩ trong tiềm thức của vợ chồng chúng tôi lẫn 2 đứa con đều coi cậu mợ là người thân thiết duy nhất mà thôi.

Cậu mợ không có con nên tài sản để lại cho vợ chồng tôi hết. Mặc dù có 2 căn nhà nhưng sau nhiều bàn tính thì chúng tôi quyết định ở với cậu mợ để tiện chăm sóc, ấy vậy mà chăm được hai ông bà thì ít mà thấy ông bà tất bật với 2 đứa cháu nội còn nhiều hơn.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như đầu năm nay bỗng nhiên bố đẻ của chồng tôi bị đột quỵ và tai biến, hậu quả là liệt nửa người, hoạt động rất khó khăn.

Suốt nhiều năm không gặp nhau nhưng khi xảy ra sự việc thì cậu mợ cũng khuyên chúng tôi nên về thăm bố một chút. Chồng tôi tuy không thật sự muốn nhưng vì ông bà nói nên cũng cố gắng qua nhà thăm khỏi và biếu ít tiền.

Vậy nhưng mọi thứ oái oăm bắt đầu từ đấy. Căn nhà bố mẹ đẻ của chồng tôi đang ở đã sang tên cho cô em út. Bây giờ ông ốm đau thì cô út muốn bán đi để lo chi phí chăm sóc ông bà, như vậy là ông bà sẽ không còn nơi nào để ở.

Không hiểu vì suy nghĩ nào hay ai xúi mà ông bà quyết định gọi cho chồng tôi, yêu cầu anh đón ông bà về căn nhà mà cậu mợ cho anh. Ông bà cũng nói thẳng luôn bây giờ ông bà muốn anh chăm sóc cho ông vì cô út đi lấy chồng rồi phải lo cho nhà chồng.

Khi nghe được câu chuyện này tôi uất ức vô cùng. Tôi uất ức cho chồng tôi, cho cho cậu mợ - những người sống quá tốt để rồi người ta coi không ra gì. Lý do gì mà chồng tôi phải nuôi dưỡng những người đã bỏ rơi anh từ khi anh mới 12 tuổi. Đấy là chưa nói suốt 12 năm ở với những người đó, cuộc sống của anh không khác gì địa ngục, nếu là thời đại bây giờ có lẽ họ khó mà tránh khỏi tội bạo hành trẻ em! Hà cớ gì cậu mợ chúng tôi phải cho những con người mang tiếng là họ hàng nhưng chẳng bằng người lạ sống trong căn nhà mồ hôi nước mắt ông bà làm ra?

Tôi kiên quyết phản đối, nếu là cậu mợ tôi sẵn sàng chăm sóc họ khi về già vì trong tâm tôi họ chính là bố mẹ chồng, thế nhưng bố mẹ đẻ của anh thì không! Họ không xứng đáng!

Thế nhưng trong lòng dù có phản đối đến đâu nhưng hơn ai hết tôi hiểu chồng tôi mới là người khó xử nhất, vậy nên tôi im lặng, chỉ phân tích cho anh phải trái đúng sai và để cho anh tự quyết định. 

Cuối cùng, anh lựa chọn từ chối, anh nói với tôi rằng người anh cần báo hiếu là cậu mợ chứ không phải bất kỳ ai hết.

Tôi ủng hộ quyết định của anh và nghĩ rằng đây cũng là chuyện đương nhiên mà thôi. Cuộc đời mà, gieo nhân nào rồi sẽ gặt được quả ấy mà thôi!

Theo Phụ Nữ Việt Nam