Những người đàn ông thuộc bộ lạc Korowai, Indonesia
Trên thế giới ngày nay vẫn còn nhiều bộ lạc sống hoang dã và biệt lập, tách khỏi xã hội hiện đại. Mặc dù chỉ là cộng đồng nhỏ, những bộ lạc này đều có các phong tục tập quán rất riêng và đặc biệt.
Được phát hiện vào năm 1974, bộ lạc Korowai sống trong những ngôi nhà trên cây cao chót vót, phụ thuộc vào thiên nhiên tại các khu rừng rậm của tỉnh Papua, Indonesia. Với phong cách sống độc đáo và truyền thống văn hóa cổ đại, Korowai là một trong những bộ lạc sống hoang dã và nguyên thủy nhất thế giới.
Nhà trên cây
Là một bộ lạc bán du mục với nền văn hóa cổ, Korowai gần như hoàn toàn tự cung tự cấp trong khu rừng rậm của Papua.
Korowai là những người hái lượm, săn bắn, sống trong một xã hội nhỏ, gần gũi thân thiết và có mối quan hệ gia đình bền chặt. Họ chia sẻ tất cả những mình họ có và làm việc cùng nhau để tồn tại. Ước tính hiện có khoảng 3.000 người Korowai ở Papua, theo The Sun.
Theo truyền thống, Korowai sống trong các nhóm nhỏ (gia tộc) và mỗi nhóm có một lãnh thổ riêng biệt. Họ sống trong các ngôi nhà trên cây cao hơn mặt đất khoảng 8 đến 12 mét. Tuy nhiên, ở một số khu vực nhất định, một số nhà trên cây cao tới 45 mét.
Những ngôi nhà cao của người Korowai là một hình thức phòng thủ. Chúng được thiết kế tránh côn trùng và các linh hồn ma quỷ, người dân nói với Maptia.
Nhà trên cây của bộ lạc Korowai
Hơn hết, nhà trên cây có mục đích ngăn chặn các gia tộc đối thủ bắt người của nhau (đặc biệt là phụ nữ và trẻ em) để làm nô lệ hoặc ăn thịt. Bộ lạc Korowai được tin là từng ăn thịt người nhưng các nhà nhân chủng học nghĩ rằng tập tục này giờ không còn nữa.
Theo các tin tức gần đây, một số gia tộc cố tình nói rằng ăn thịt người vẫn xảy ra như một cách thu hút du lịch.
Người đứng đầu một gia tộc Korowai, trưởng tộc Oni, nói rằng việc sống trong nhà trên cây giúp bảo vệ người trong bộ lạc khỏi những linh hồn ma quỷ bởi vì những linh hồn này luôn ở trên mặt đất.
Tất cả các vật liệu xây dựng đều được người Korowai lấy từ rừng. Nhà được xây dựng trong một hoặc hai ngày và có thể ở được trong 3-5 năm. Sau đó, người Korowai sẽ xây nhà mới.
Khi số lượng cây cao giảm hoặc nguồn cung gần đó cạn kiệt, gia tộc sẽ tìm kiếm một địa điểm mới trong lãnh thổ săn bắn hiện tại của họ và xây lại nhà.
Những ngôi nhà cao của người Korowai là một hình thức phòng thủ
Cấu trúc xã hội
Cấu trúc xã hội của Korowai rất nhỏ. Các gia tộc bao gồm 10 đến 20 người (thường là từ 3-5 gia đình) sống độc lập với nhau. Các thành viên gia tộc đều là hậu duệ của cùng một tổ tiên. Không có hệ thống phân cấp và tất cả các thành viên, nam hay nữ, đều có quyền tương đương. Tuy nhiên, người đàn ông khỏe mạnh hoặc lớn tuổi sẽ được tôn trọng nhất.
Cấu trúc lãnh đạo của Korowai dựa trên phẩm chất cá nhân. Tộc trưởng Oni trở thành tộc trưởng vì ông là người thông minh nhất và mạnh nhất trong mọi lĩnh vực, theo những người Korowai khác.
Khi còn bé, cả nam và nữ đều sống với mẹ, chị gái và bà. Sau đó, khi các chàng trai đạt độ tuổi 8-10, họ cùng cha đi săn.
Đàn ông là những người bảo vệ gia đình ở Korowai
Đàn ông là những người bảo vệ gia đình, thường xuyên tham gia vào cuộc chiến giữa các gia tộc đối địch. Nhưng những cuộc xung đột kiểu này hiện đang bị chính phủ Indonesia cấm một cách chính thức vì hoạt động ăn thịt đồng loại từng xảy ra sau xung đột. Các gia tộc tin rằng họ phải ăn thịt đối thủ để tiêu diệt linh hồn ma quỷ.
Korowai có thể sống với thực phẩm họ tự trồng và những gì tự nhiên cung cấp. Họ bắt cá từ sông và săn lợn hoang trong bụi cây.
Lợn rừng có giá trị văn hóa trong xã hội Korowai và chỉ được ăn trong các nghi lễ hoặc những dịp đặc biệt. Chó được sử dụng để săn bắt và răng của chúng cũng được coi là rất có giá trị.
Người Korowai sống nhờ các nguồn cung của rừng
Người Korowai săn lợn bằng cung tên, săn đà điểu bằng dây. Để câu cá, Korowai sử dụng mũi tên, chất độc, và bẫy đặt trong các đập nhân tạo. Cá sấu từng là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của người Korowai.
Theo Dân Việt