Người mẹ bật khóc khi kể về nỗi bất lực trong việc dạy cô con gái lớp 9 tại một tọa đàm làm cha mẹ ở TPHCM.
Vợ chồng chị ly hôn năm con 7 tuổi, cháu ở với mẹ, bố qua lại thăm hỏi thường xuyên. Hoàn cảnh là vậy nhưng chị không để con phải thua thiệt, nhiều năm qua chị dốc hết tiền bạc, đầu tư, chăm sóc cháu không thiếu thốn gì.
Từ bé, cô con gái luôn ngoan ngoãn, nghe lời, học tập luôn trong top đầu của lớp, hoạt động năng nổ, không bao giờ để bố mẹ phải phiền lòng.
Nhiều nữ sinh bỏ nhà đi theo "tiếng gọi tình yêu" trên... mạng xã hội (Ảnh minh họa: Pixabay).
Chị thừa nhận, lo lắng về nhiều cạm bẫy bủa vây nên lâu nay luôn giám sát và quản lý con rất chặt. Những bất ổn của cô bé, theo chị, bắt đầu từ đợt dịch bệnh Covid-19, khi con học online, sử dụng nhiều điện thoại, máy tính, lên mạng suốt.
Ở đó, cháu như tìm được thế giới khác, cuộc sống khép kín, chỉ còn chiếc điện thoại, hiếm khi trao đổi, trò chuyện với mẹ cũng như mọi người xung quanh.
Ngoài giờ học, nữ sinh không rời điện thoại nửa bước, ăn ngủ cùng điện thoại. Chị nhắc nhở thì con phản kháng. Sự khó chịu, căng thẳng, ngột ngạt trong mối quan hệ của hai mẹ con cứ âm ỉ, không thể nào giải tỏa.
Ngay cả khi phát hiện con hẹn hò qua mạng với đối tượng lạ, chị cũng rất khó khăn để tiếp cận con. Người mẹ từ trao đổi, nhắc nhở mong con "hồi tâm chuyển ý" cho đến quát tháo, cấm đoán đủ kiểu nhưng cháu bỏ ngoài tai.
Bất lực, có đợt chị điên cuồng cấm con dùng điện thoại, đổi lại là phản ứng dữ dội từ con. Cháu nói, điện thoại của bố mua cho con, mẹ không được quyền cấm con sử dụng, cấm con liên lạc với bố.
Có lần, cháu hét toáng vào mặt mẹ: "Ước gì con ở với bố, chứ không phải mẹ".
Một ngày, con chị bỏ nhà đi, để lại dòng tin nhắn: "Đừng tìm con". Sau nhiều ngày, chị và chồng cũ cùng thuyết phục, con mới trở về nhà, không giấu giếm việc bỏ nhà đi theo bạn trai lớn tuổi quen trên mạng.
Chị chỉ vừa lên tiếng cảnh báo đối tượng có thể là kẻ xấu liền bị con phản ứng bằng hàng loạt lý lẽ "mẹ không được xúc phạm người khác", "mẹ không hiểu về người khác, mẹ cũng chẳng hiểu gì về con"...
Trong cảm giác bất lực, chị thốt lên chua chát, cha mẹ đổ sức chăm sóc, canh chừng, gìn giữ cho con gái mười mấy năm, hóa ra không bằng vài lời dụ dỗ, chát chít của những người lạ mặt trên mạng xã hội.
"Yêu râu xanh" giả dạng... tuổi teen
Con gái bỏ nhà đi theo "bạn trai" quen trên mạng xã hội như trường hợp người mẹ nói trên gặp phải không còn là chuyện hiếm trong những năm gần đây.
Thực tế xã hội còn xảy ra hàng loạt vụ "yêu râu xanh" lên mạng dụ dỗ các bé gái. Có khi, chỉ cần vài dòng chát chít, hỏi han là các đối tượng xấu đã dễ dàng đưa các bé ra khỏi nhà.
Không ít vụ án hiếp dâm, giao cấu với trẻ em có "mẫu số chung" là đối tượng tiếp cận làm quen với các bé gái trên mạng, sau đó hẹn gặp... rồi đưa thẳng đến nhà nghỉ.
Mới đây, tại huyện Mang Thít, Vĩnh Long, cơ quan công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với bị can Đào Thành Trung, 32 tuổi, để điều tra về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Theo thông tin sự việc, đầu năm 2023, qua mạng xã hội Facebook, Trung quen biết em T., 12 tuổi, và nảy sinh tình cảm yêu đương. Sau đó, tên này hẹn gặp em T. và đưa em vào nhà trọ làm "chuyện người lớn".
Hay tại Hải Dương, cũng chỉ sau thời gian ngắn trò chuyện qua mạng, đối tượng Nguyễn Tiến Đạt, sinh năm 2001, thường xuyên đưa một nữ sinh chưa đủ 16 tuổi vào nhà nghỉ... "tâm sự".
Tương tự, tại An Giang, đối tượng Lê Phước Cảnh, 32 tuổi, thông qua mạng xã hội hẹn hò và quan hệ tình dục với một bé gái dưới 16 tuổi.
Những sự việc đúng như lo lắng của bao ông bố bà mẹ, những dòng chát chít trên mạng từ những kẻ xa lạ lại có sức lôi kéo với con trẻ đến vậy. Nhiều nữ sinh sẵn sàng bỏ nhà đi, sẵn sàng đi vào nhà nghỉ, sẵn sàng... tới bến với những đối tác chỉ biết qua mạng.
Bố mẹ dạy dỗ, nhắc nhở cả trăm cả ngàn lần, nói rạc cổ họng có khi cũng không bằng vài ba lời thủ thỉ, rủ rê của những kẻ ngồi phía sau màn hình mà nữ sinh thậm chí còn không biết tên tuổi thật.
Điều này có thể được lý giải phần nào qua vụ án mới đây xảy ra tại Đà Nẵng. Công an địa phương tiếp nhận tin bé gái N., 12 tuổi, ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng bị một nam thanh niên sử dụng Facebook tên "Nam Nguyen" để làm quen và dụ dỗ làm "chuyện người lớn".
Qua điều tra, công an xác định nghi phạm là Dương Văn Hiếu, sinh năm 1991. Gã đàn ông 32 tuổi này khai sử dụng nick (tên Facebook) ảo để kết bạn và đặc biệt là dùng cách nói chuyện của lứa tuổi teen để tiếp cận với bé gái mới lớn.
Công an huyện Hòa Vang, Đà Nẵng tình nghi đối tượng có thể đã dụ dỗ nhiều trẻ em khác với chiêu thức nói trên.
Rõ ràng tên này cũng như nhiều gã "yêu râu xanh" khác đã đánh trúng tâm lý khát khao được lắng nghe, được chia sẻ, được công nhận, được tôn trọng của những đứa trẻ.
Bố mẹ tại TPHCM tham gia một khóa học về cách giao tiếp với con trẻ (Ảnh: Hoài Nam).
Bà Nguyễn Lê Vy, chuyên gia tâm lý ở TPHCM cho rằng, hiện nay, việc làm bố làm mẹ cực kỳ khó khăn do khoảng cách thế hệ với con cái cùng các yếu tố xã hội, công nghệ thay đổi.
Cha mẹ và con trẻ dễ xung đột, căng thẳng trong giao tiếp, trò chuyện, khó tìm được tiếng nói chung. Khi con bước vào tuổi dậy thì, xung đột trong gia đình càng trở nên căng thẳng hơn.
Cách giao tiếp trong nhiều gia đình, theo bà Vy, vẫn là bố mẹ áp đặt, không thể lắng nghe con, còn trẻ không thể nào chia sẻ nổi với bố mẹ. Điều đó đẩy khoảng cách hai bên ngày càng xa.
Khoảng trống này chính là cơ hội cho những mối nguy hiểm khác chen vào. Để rồi, có khi bố mẹ phải đớn đau chứng kiến những đứa con ngoan "quay lưng" với mình để bước về bên phía cạm bẫy...
Theo Dân Trí