Bộ phim Những nẻo đường gần xa đã chiếu đến tập 51 và càng ngày khán giả càng mất kiên nhẫn với bộ phim. Tác phẩm tập hợp dàn diễn viên trẻ, với nội dung về những va vấp đầu đời, mối tình thanh xuân nhiều trăn trở. Nhưng diễn xuất kém duyên của dàn diễn viên khiến người xem khó chịu.
Các nhân vật trong phim đều khiến người xem ức chế khó chịu.
Trong tập 51 mới đây, diễn biến tình cảm giữa Hùng (Minh Hoàng) và Yên (Bích Thủy) nhận phản ứng thiếu tích cực từ khán giả. Hùng và Yên đã có những cái hôn, sự động chạm về thể xác. Bộ phim đã mất tới 30 tập để xây dựng mối liên hệ giữa hai nhân vật.
Trong những tập gần nhất, họ đã hiểu lòng nhau và chỉ thiếu một lời tỏ tình chính thức. Những tưởng sau này sẽ là ngày tháng ngọt ngào thì Yên lại nghe lời bố đi xem mắt một người đàn ông giàu có kinh tế vững vàng và là tiến sĩ. Mọi điều kiện của người mới đều hơn Hùng.
Sự lựa chọn của Yên khiến Hùng tổn thương và đau lòng. Tuy nhiên, thay vì tự vấn lại bản thân, anh ngay lập tức chỉ trích Yên là cô gái đam mê vật chất, sống giả dối. Những lời trách móc của Hùng khiến người xem khó chịu.
"Mới chỉ đi xem mắt đã bị anh chàng mắng xơi xơi vào mặt", "Đã là gì của nhau đâu mà Hùng gia trưởng vậy", "Là tôi thì cũng lựa chọn như Yên chứ điều kiện như thế ai lại đi yêu anh sửa điều hòa", "Tình cảm cũng phải dựa trên sự cân bằng về hoàn cảnh, phải môn đăng hộ đối, cả hai có quá nhiều điểm khác biệt", "Hùng lúc nào cũng nhăn mặt, chưa là người yêu mà đã mắng chửi Yên như vậy", là những bình luận bức xúc của khán giả.
Hùng lao vào hạ thấp, mỉa mai Yên khi không được đáp lại tình cảm.
Yên được xây dựng là phụ nữ tài giỏi độc lập nên khi cô đứng im nghe Hùng chê bai khán giả cảm thấy khó hiểu. Bên cạnh đó, nhân vật này còn bị đánh giá là có khuôn mặt thiếu tự nhiên.
Người xem cho rằng bộ phim có nhiều tình tiết rời xa thực tế, các nhân vật diễn xuất theo kịch bản chỉ định, nhưng không có tính logic vì vậy không mang lại sự đồng cảm cho người xem.
Bên cạnh đó, hình tượng nhân vật được xây dựng đều có vấn đề và diễn xuất chưa nhiều kinh nghiệm của dàn diễn viên càng khiến phim thiếu cuốn hút.
Ví dụ với vai diễn Đông (Cù Thị Trà) là nữ chính nhưng cô thường nhăn mày, biểu cảm có phần dữ tợn. Khán giả cho rằng Cù Thị Trà diễn xuất chưa tốt, nên người xem chưa thể thoát khỏi các vai tiểu tam bồ nhí mà cô đã thể hiện trước đây.
Nhân vật Đông trong phim được xây dựng là cô gái năng động, nhiều hoài bão, kiên trì theo đuổi mục tiêu trong cả sự nghiệp lẫn tình yêu. Vì thế, biên kịch để Đông dễ dàng phải lòng, quyết tâm tỏ tình với Vinh cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không ít khán giả cho rằng tình huống "cọc đi tìm trâu" trong phim không hợp lý, làm xấu hình ảnh nữ chính.
"Quen nhau ba bữa mà đã vồ vập thế này. Nữ chính mất giá quá", "Cảm giác như Đông bị Vinh thu hút chỉ bởi vẻ ngoài đẹp trai và điều kiện kinh tế tốt. Hai nhân vật không biểu lộ được tình cảm thực sự", khán giả bình luận về cách xây dựng hình ảnh nữ chính Đông do Cù Thị Trà đóng.
Nữ chính luôn nhăn nhó như thiếu nợ, lại quá vồ vập với vị giám đốc điển trai nhiều tiền.
Với vai diễn Hùng hay Dũng, các diễn viên Minh Hoàng và Việt Hoàng cũng dùng lực quá nhiều trong diễn xuất, mặt luôn nhăn nhó, khó tạo được thiện cảm cho người xem. Khả năng đọc thoại của dàn diễn viên cũng kém, nhiều câu thoại nghe ngang, thiếu cảm xúc.
Diễn viên trong phim diễn xuất chưa thuyết phục người xem.
Với nhân vật sếp Vinh (do Việt Anh thể hiện), nam diễn viên chuyên vào các vai công tử đào hoa, phản diện, không đem lại sự đáng tin cậy. Vinh giống với các vai diễn trước của Việt Anh nên nam nghệ sĩ thể hiện thoải mái tự nhiên hơn dàn sao trẻ.
Tuy nhiên, chi tiết khán giả khó chấp nhận là Vinh ép Yên phải đi tiếp khách để ký được hợp đồng dù cô đã từ chối và khẳng định sẽ có cách làm khác.
Khán giả cho rằng một người sếp dùng thân xác, sắc đẹp của nhân viên nữ để lôi kéo khách hàng, ép nhân viên phải phục tùng như vậy không phải là một người sếp tốt và cũng không nên được xây dựng trên màn ảnh.
Trong khi đó, kịch bản của phim không lên án hành vi này mà coi đó như một lẽ đương nhiên. Đó là sự bắt nạt chèn ép nơi công sở và coi thường phụ nữ.
Sếp Vinh là kẻ gian xảo. Hành vi ép nhân viên nữ đi tiếp khách khiến khán giả khinh thường anh ta.
Những nẻo đường gần xa có nội dung bắt kịp với thị hiếu của khán giả, muốn nói đến những vấn đề mà người trẻ đang gặp phải trong cuộc sống hiện đại. Nhưng các tình tiết trong phim và lời thoại đều chưa đủ độ sâu sắc. Cộng thêm dàn diễn viên diễn xuất kém duyên dáng khiến người xem mệt mỏi.
Theo Tiền Phong