Vụ việc liên quan đến trường Gateway, học sinh đã thiệt mạng, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng lại không tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động của trường này. Còn vụ việc xảy ra tại Bắc Ninh với trường mầm non Đồ Rê Mí, học sinh chưa thiệt mạng nhưng trường đã bị đình chỉ hoạt động khiến dư luận không khỏi thắc mắc...

Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích cụ thể ở góc độ pháp lý với hai trường hợp này.

Bỏ quên học sinh trên xe: Đồ Rê Mí bị đình chỉ, Gateway lại không?-1
Vụ việc học sinh lớp 1 tử vong do nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón của Trường Gateway khiến dư luận rúng động thời gian qua.

Vụ việc Gateway

Luật sư Đặng Văn Cường nêu rõ, dưới góc độ pháp lý thì việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, tước giấy phép... là các biện pháp hành chính mà cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng đối với các cơ sở giáo dục khi các cơ sở này có hành vi vi phạm pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp hành chính phải có căn cứ và theo trình tự, thủ tục luật định. Kết quả áp dụng biện pháp hành chính là phải bằng các quyết định hành chính. Trong trường hợp không đồng ý với các quyết định hành chính này thì cơ sở giáo dục (Người bị áp dụng quyết định hành chính) có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, trong trường hợp cơ quan chức năng không áp dụng biện pháp xử lý khi có vi phạm hoặc áp dụng sai biện pháp xử lý thì cũng có thể bị khiếu kiện hoặc bị cơ quan cấp trên hoặc cơ quan giám sát có ý kiến can thiệp theo quy định pháp luật.

Vụ việc xảy ra tại trường Gateway, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, hậu quả được xác định là nghiêm trọng. Tuy nhiên hiện nay cơ quan điều tra mới chỉ cho rằng trách nhiệm thuộc về cá nhân bà Quy (người phụ trách đưa đón trẻ) và ông Phiến (lái xe), chưa xác định rõ trách nhiệm của trường này nên chưa đề cập hình thức xử lý.

“Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra cho thấy trường Gateway có vi phạm về lĩnh vực giáo dục hoặc có liên quan, liên đới đến cái chết của nạn nhân thì cũng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động cơ sở giáo dục tiểu học này thì cơ quan chức năng phải có đủ căn cứ và thực hiện theo trình tự, thủ tục, theo thẩm quyền quy định tại Điều 20 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thì các trường hợp đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường tiểu học được quy định cụ thể như dưới đây”, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Như vậy, nếu trường tiểu học Gateway không có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì cơ quan chức năng không có quyền đình chỉ hoạt động của trường này.

Vụ việc Đồ Rê Mí

Còn đối với Cơ sở mầm non Đồ Rê Mí tại Bắc Ninh, rất may mắn là vụ việc để quên trẻ em trong xe không gây ra hậu quả đáng tiếc nhất là khiến học sinh thiệt mạng. Trong trường hợp người đưa đón bỏ quên học sinh mầm non khiến em này tử vong thì cơ quan điều tra huyện Tiên Du, Bắc Ninh cũng sẽ lại khởi tố vụ án hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 BLHS hoặc Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp theo Điều 129 BLHS giống như vụ việc xảy ra tại trường Gateway. Theo đó, những cá nhân có trách nhiệm đưa đón học sinh này sẽ bị khởi tố bị can về tội danh nêu trên đồng thời cũng sẽ xem xét trách nhiệm của cơ sở giáo dục này.

Bỏ quên học sinh trên xe: Đồ Rê Mí bị đình chỉ, Gateway lại không?-2
Thông báo tạm đình chỉ hoạt động đối với trường mầm non Đồ Rê Mí.

Luật sư Đặng Văn Cường nói: “Tuy nhiên, rất may mắn là em học sinh 3 tuổi này đã sống sót một cách kỳ diệu. Mặc dù vậy, nếu học sinh này bị thương tích, tổn thương sức khỏe từ 31% trở lên thì người đưa đón trong trường hợp này cũng vẫn sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015 và hình phạt sẽ là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm”.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, trong trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61 % trở lên thì hình phạt sẽ là cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định tại khoản 2 của điều 138 BLHS.

Ngoài ra, người vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân bao gồm: chi phí cứu chữa, chi phí bồi dưỡng, phục hồi chức năng, chi phí tiền công cho người chăm sóc và tiền tổn thất về tinh thần theo quy định pháp luật...

Còn đối với cơ sở giáo dục, nếu cơ sở giáo dục này có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây thì cơ quan chức năng cũng có thể đình chỉ hoạt động theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường mầm non tư thục.

“Hiện nay, trường mầm non Đồ Rê Mí đã bị đình chỉ hoạt động. Trong trường hợp nếu việc đình chỉ hoạt động không đúng, không có căn cứ theo quy định pháp luật thì trường này cũng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hành chính nêu trên theo quy định pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Cả hai trường hợp bỏ quên trẻ nêu trên thì cơ quan chức năng đều đang xem xét giải quyết và sẽ áp dụng các biện pháp xử lý khác nhau, theo các quy định của pháp luật (ở các cấp học, bậc học khác nhau). Tuy nhiên, dù áp dụng hình thức xử lý như thế nào thì cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật, phải xác minh, thu thập đầy đủ các chứng cứ theo quy định, việc áp dụng hình thức xử lý phải theo đúng thẩm quyền, có căn cứ và theo trình tự, thủ tục luật định. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong những trường hợp này đều có thể bị thanh tra, kiểm tra và bị khiếu nại, khởi kiện theo quy định pháp luật.

Trường tiểu học bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:

- Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục;

- Không bảo đảm một trong các điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập quy định tại Điều 15 của Nghị định 46/2017/NĐ-CP và không bảo đảm điều kiện hoạt động của giáo dục tiểu học quy định tại Điều 17 của Nghị định 46/2017/NĐ-CP;

- Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền;

- Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục;

- Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ;

- Các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có đủ căn cứ chứng minh nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không bảo đảm an toàn và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; hoặc không có quyết định cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục mà vẫn hoạt động thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức sau:

- Nhắc nhở bằng văn bản;

- Xử phạt hành chính theo quy định hiện hành;

- Tạm ngừng công tác của cá nhân, cán bộ, giáo viên, nhân viên hoặc tạm ngừng hoạt động giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục;

- Đình chỉ hoạt động hoặc giải thể;

- Kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo VOV