Tôi vẫn nhớ như in cái ngày mùng 6 Tết năm tôi 14 tuổi. Hôm ấy bố mẹ đều lên cơ quan khai xuân, còn tôi cũng đến trường đi học sau kỳ nghỉ đầu năm mới.
Tan học tôi đạp xe như bay về nhà để khoe bố chiếc lì xì từ cô giáo chủ nhiệm. Từ bé tôi đã thân thiết với bố nhất, tuy ông không cưng chiều tôi như công chúa song bố con tôi nói chuyện rất hợp nhau. So với bố thì mẹ tôi nghiêm khắc hơn rất nhiều.
Vừa về đến cổng nhà thì tôi thấy ngoài sân ngổn ngang ấm chén vỡ. Bố mẹ cãi nhau ầm ĩ bên trong, hàng xóm ngoài bờ tường nghển cổ sang hóng, con chó Mích thì sủa ầm ĩ dưới gốc cây hòe.
Sau đó bố tôi xách cái túi đi và không bao giờ quay lại nữa. Tôi khóc lóc chạy theo còn bị bố gạt ra. Khoảnh khắc ấy bố như biến thành người khác hẳn, ông tức giận quát vào mặt tôi: “Mày mà là con giai thì tao đã không khổ như thế này!”.
Đến khi vào đại học tôi mới biết “nỗi khổ” của bố tôi là gì. Bố cưới mẹ tôi vì ham gia sản nhà ngoại, ông giả vờ diễn vai con rể tốt suốt bao năm để có chỗ dựa kinh tế vững vàng.
Ông không thích tôi nhưng vẫn cố tỏ ra mình là người cha tử tế, dụ mẹ tôi sinh thêm quý tử nhưng bất thành. Rồi bố lén lút ra ngoài kiếm người đẻ con trai.
Mùng 6 Tết năm ấy bố có thêm đứa con riêng theo đúng ước nguyện. Thế là ông chạy về trở mặt với mẹ tôi ngay lập tức. Bao nhiêu tiền bạc gom được khi chung sống với mẹ đều bị bố mang đi hết.
Hóa ra ông cắn răng chịu khổ chỉ để đợi đến ngày thoát khỏi mẹ con tôi. Chẳng có tình thương gia đình nào ở đây hết. Tất cả đều bị bố lợi dụng để thực hiện những ý đồ ích kỷ của ông mà thôi…
Khi hiểu rõ quá khứ rồi thì tôi không còn nhớ nhung gì bố nữa. Tiết lộ hết mọi chuyện cho tôi xong thì mẹ cũng thở phào. Hai mẹ con tôi được cái giống nhau ở cá tính mạnh mẽ. Đau khổ mất mát đều đã ở lại phía sau, việc quan trọng là tôi với mẹ cùng sống thật hạnh phúc.
12 năm trôi qua vui vẻ hơn tôi nghĩ. Không còn ai đối xử giả tạo với tôi trong chính ngôi nhà của mình, không ai coi thường tôi chỉ vì tôi là con gái nữa.
Càng trưởng thành thì mẹ càng nhẹ nhàng với tôi hơn. Mẹ con tôi đồng hành với nhau như hai người bạn, không bao giờ nhắc đến bố nửa câu.
Giờ tôi chuẩn bị kết hôn và mẹ cũng đã có người đáng quý để dựa vào. Mọi chuyện cứ viên mãn như thể ông trời bù đắp cho mẹ con tôi vậy. Và rồi trong lúc mẹ con tôi hạnh phúc nhất, bố đột nhiên xuất hiện mang đến lời đề nghị động trời.
Không biết vì sao bố tìm được cách liên lạc với tôi. Ông hẹn gặp ở quán cà phê sau giờ làm. Chẳng hiểu sao khi nghe lại giọng bố tôi cứ bị vô cảm. 12 năm qua bố coi tôi như không tồn tại, khiến cho tình phụ tử trong tôi cũng biến mất rồi.
Trông bố già nua ốm yếu như ông cụ vậy. Trong trí nhớ của tôi ông từng là một người khá phong độ, có gu ăn mặc và toàn dùng đồ sang. Nhưng giờ ông mặc quần áo bệnh nhân, gầy còm, mặt đầy nếp nhăn và tóc thì bạc trắng, rối bù.
Bố chẳng hề hỏi thăm con gái bao năm qua sống thế nào. Ông vào thẳng vấn đề luôn, đó là muốn tặng tôi một chiếc xe máy. Tôi thắc mắc vì sao lại cho tôi thứ đó. Y rằng bố ra điều kiện với tôi luôn.
Ông tiết lộ bản thân đang bị suy gan nặng, muốn tôi hiến một phần gan để ông có cơ hội tiếp tục sống. Việc gấp rút nên ông không thể đợi lâu được.
Tôi liền hỏi sao không lấy gan của cậu quý tử mà phải tìm lại đứa con gái mà bố từng ghét. Bố cúi đầu xấu hổ. Ông thú nhận giờ đang sống một mình và chẳng còn ai để bám víu nữa.
Tôi chẳng biết nên khóc hay nên cười trong khoảnh khắc đó. Năm xưa bố phản bội mẹ, vứt bỏ tôi, bất nghĩa với ông bà ngoại.
Giờ thì quả báo đã đến. Hóa ra đứa con trai mà ông cưng như của báu lại là con kẻ khác, nhà cửa vàng tiền bị vợ hai lừa mất sạch, rồi đùng cái phát hiện mang bệnh nặng trong người.
Tôi cũng muốn gạt bỏ thù hận để cứu bố. Nhưng món quà mà ông đem đến để trao đổi với lá gan của tôi thật quá rẻ mạt. Tưởng ông đem đến hẳn một căn nhà để trả công, chứ keo kiệt đến mức đưa mỗi cái xe thì mẹ con tôi thừa khả năng mua được cả trăm chiếc!
Bố tỏ ra ngỡ ngàng khi bị tôi từ chối. Ông lập tức trở mặt giống năm xưa, chửi bới tôi không thiếu từ ngữ gì. Mọi người thử nói xem tôi làm vậy có bị coi là bất hiếu không? Nếu đặt vào địa vị của tôi thì ai sẽ cứu giúp ông ấy?...
Theo Phụ nữ Việt Nam