Ernst và Tanning gặp nhau lần đầu tại một bữa tiệc năm 1942. Tanning được nhà kinh doanh nghệ thuật Julien Levy giới thiệu với giới hội họa Siêu thực, trong đó có Ernst. 

Nên duyên từ bàn cờ vua 

Khi đó, Ernst đã có vợ là Peggy Guggenheim, nhà sưu tập nghệ thuật người Mỹ, sinh ra trong một gia đình giàu có ở New York.

Điều trớ trêu là Guggenheim, người kết hôn với Ernst năm 1941, có liên quan tới việc chồng mình đến với Tanning. 

Bỏ vợ giàu sang, danh họa đi theo tình yêu nảy nở từ bàn cờ vua-1
Ernst và Tanning chơi bộ cờ vua có thiết kế khác lạ. Ảnh: Lostontime

Năm 1942, Guggenheim mở phòng trưng bày The Art of This Century (Nghệ thuật của Thế kỷ). Bà quyết định tổ chức Triển lãm của 31 phụ nữ với sự góp mặt của các nữ nghệ sĩ, tập trung nhiều vào nghệ thuật Dada và Siêu thực.

Sau này, Guggenheim kể bà luôn hối hận đã tổ chức chương trình này vì phần nào xúc tác cho tình yêu của Tanning và Ernst.

Theo Art Curious, khi giúp vợ tìm nghệ sĩ cho cuộc triển lãm, Ernst (khi đó 51 tuổi) đến thăm Tanning (32 tuổi) để xem các tác phẩm. Ernst thấy trên giá vẽ có bức chân dung tự họa chưa hoàn thành của Tanning.

Đó là một tác phẩm hấp dẫn - Tanning đi chân trần, khoác chiếc áo xanh tím để lộ bộ ngực. Khuôn mặt của Tanning hờ hững, không để lộ cảm xúc dù dưới chân có một sinh vật kỳ lạ. 

Ernst gợi ý đặt tên tác phẩm là Sinh nhật mang ý nghĩa tượng trưng chuyển từ thế giới thực sang thế giới siêu thực. 

Ngoài hội họa, chính cờ vua là niềm đam mê kết nối hai người. Trong những lần gặp gỡ, họ cùng nhau chơi cờ. Ernst chuyển đến sống cùng Tanning không lâu sau đó. 

Cặp đôi sống với nhau ở New York gần 5 năm, sáng tác và triển lãm các tác phẩm, bao gồm cả tranh và điêu khắc lấy cảm hứng từ cờ vua. Năm 1946, họ kết hôn ở Beverly Hills rồi chuyển tới bang Arizona. Tanning là người vợ thứ tư của Ernst. 

Bỏ vợ giàu sang, danh họa đi theo tình yêu nảy nở từ bàn cờ vua-2
Bức "Cô gái" và "Tàn cuộc" của Dorothea Tanning

Sự nghiệp cùng thăng hoa

Dù chung sống nhưng cả hai không can thiệp vào phong cách sáng tác của nhau. Họ quan niệm: “Bạn có con mắt, trái tim, tâm hồn của chính mình. Cần gì một người hướng dẫn đặt chân vào khu vườn trù phú như vậy?”. 

Theo tạp chí Daily Art, hai vợ chồng di cư sang Pháp vì Ernst bị từ chối nhập quốc tịch Mỹ. 

Một năm sau khi họ định cư ở Paris, Tanning có buổi triển lãm cá nhân đầu tiên tại Galerie Furstenburg khẳng định vị trí nhà sáng tạo nổi tiếng và thành công, tách biệt khỏi chồng.

“Đối với tôi, một nghệ sĩ sống dưới cái bóng của người đàn ông vĩ đại, điều đó phần nào quan trọng: cái bóng được dỡ bỏ và ánh sáng dịu dàng nhưng ổn định chiếu vào tôi”, Tanning tâm sự. 

Từ những năm 1950 đến 1970, công việc của Tanning thay đổi đáng kể khi bà phiêu lưu trong thế giới điêu khắc mềm mại, tạo ra những nhân vật kỳ ảo này từ vải. 

Bỏ vợ giàu sang, danh họa đi theo tình yêu nảy nở từ bàn cờ vua-3
Bức tranh "Hai đứa trẻ bị chim sơn ca dọa" và tác phẩm điêu khắc bằng đồng "Vua chơi đùa với Hoàng hậu" của Max Ernst.

Cùng năm Tanning tổ chức trưng bày, Ernst giành được Giải thưởng lớn tại Venice Biennale, một trong những triển lãm quốc tế nổi tiếng nhất về nghệ thuật đương đại. 

Ernst và Tanning ở bên nhau 34 năm. Ernst qua đời vào ngày 1/4/1975, ngay trước sinh nhật lần thứ 85 của ông.

Tanning chia sẻ về nỗi mất mát lớn: “Anh ấy là hồ nước có tiếng vọng: Tôi nói Max, mọi người nói Max, hồ nước nói Max, tiếng vang vọng lại Max. Max ở khắp mọi nơi, là hạt bụi trong không khí...”. 

Tanning quay về Mỹ vào năm 1980. Bà tiếp tục sáng tác nghệ thuật nhưng trong vài thập kỷ cuối đời, bà tập trung nhiều hơn vào viết lách.

Bà xuất bản một số tập thơ, một tiểu thuyết, hai cuốn hồi ký về mình và chồng để mọi người hiểu thêm con người có vẻ bí ẩn của Ernst “khiến anh ấy gần gũi và sống động như tôi biết về anh ấy".

Dorothea Tanning qua đời ở tuổi 101 vào ngày 31/1/2012.

Theo Vietnamnet