Bốn sự thật thú vị ít người biết về Albert Einstein

Albert Einstein từng là một cậu bé đầu to, chậm nói, mắc chứng tự kỷ và bị thầy cô đánh giá thấp. Trước khi hứng thú với khoa học, Einstein đã chơi đàn vĩ cầm.



Chúng ta biết đến Albert Einstein là một trong những thiên tài vật lý, toán học nổi tiếng nhất thế giới; người đặt nền móng vững chắc cho ngành vật lý hiện đại. Tuy nhiên, nhiều sự thật thú vị về con người tài năng này có thể chưa biết.

1. Albert Einstein là một đứa trẻ đầu to, chậm nói và mắc chứng tự kỷ

Ngay từ khi chào đời, Einstein là một cậu bé có cái đầu to hơn bình thường; khiến mẹ của ông khó khăn trong quá trình sinh nở. Các bác sĩ đã rất vất vả mới có thể đưa ông ra khỏi cơ thể mẹ một cách an toàn.
 


Albert Einstein 3 tuổi (Ảnh Wikipedia)


Không chỉ có cái đầu to bất thường, ngoại hình của Einstein lúc mới sinh ra đã không được "thuận mắt". Bác sĩ và y tá đều cho rằng lớn lên, ông sẽ mắc chứng bệnh chậm phát triển.

Quả đúng như vậy, cậu bé Einstein chậm nói hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa, lại mắc thêm chứng tự kỷ. Gần 4 tuổi, Einstein mới bập bẹ nói những tiếng đầu tiên. Điều này đã khiến cha mẹ ông lo lắng.

Tuổi thơ của thiên tài gắn liền với nhiều chuyến viếng thăm tới bác sĩ. Chia sẻ về thời thơ ấu, ông từng nói: "Bố mẹ tôi đã lo sợ đến mức họ phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tôi không thể khẳng định lúc đó mình bao tuổi, nhưng chắc chắn là không dưới ba tuổi".
 


Về sau, chứng bệnh chậm nói ở những đứa trẻ thông minh còn được gọi là "hội chứng Einstein".

>>> 13 câu nói để đời của thiên tài Albert Einstein sẽ thay đổi cuộc đời bạn

2. Thiên tài "học lệch", bị thầy cô đánh giá thấp và xui xẻo trong thi cử

Chậm phát triển lại mắc chứng tự kỷ, Albert Einstein từng là một học sinh yếu kém, bị thầy cô đánh giá thấp. Thậm chí có người khinh thường, nói Einstein sẽ không làm nên trò trống gì sau này. 

Tuy vậy, Einstein là một cậu học trò khá bướng bỉnh và thích đặt câu hỏi cho giáo viên; trong đó có nhiều câu hỏi kỳ quái khiến giáo viên cảm thấy phiền phức. Einstein từng nhận mình là người tò mò, thường suy nghĩ bằng hình ảnh. Ông hay tự đặt câu hỏi, tưởng tượng ra mọi thứ trong đầu và tìm kiếm câu trả lời cho những gì ông băn khoăn.

Sự khinh bỉ của giáo viên và sự chế nhạo của mọi người xung quanh từng khiến cậu bé Einstein tủi thân vô cùng. Cậu bé dần xa lánh với mọi người, thích ở một mình. Nhiều khi Einstein nghĩ mình thật sự ngốc nghếch và khác người. Thế nhưng, nhờ sự động viên của mẹ mà Einstein đã cảm thấy tự tin hơn về bản thân.

Càng cảm thấy thoải mái về sự khác biệt của mình, cậu bé thiên tài càng thấy ngột ngạt với môi trường giáo dục quy củ, các phương pháp dạy học cứng nhắc. Một lần, Einstein đã quăng ghế vào gia sư chỉ vì không thích phong cách dạy học của họ.
 


Einstein tự nhận mình là người rất tò mò.
 

Dù chậm nói, tự kỷ và thường đặt những câu hỏi kỳ lạ cho giáo viên nhưng Einstein không phải một học sinh có học lực kém. Tuy các môn ngoại ngữ, xã hội điểm không cao nhưng bù lại ông giỏi các môn khoa học, đặc biệt là toán.

Lên 10 tuổi, ông đã được tiếp xúc với toán học nâng cao. Cha chính là người dìu dắt Einstein đến với những lý thuyết về toán học, hình học và phương pháp suy diễn logic. Cũng tại thời điểm này, cậu bé Einstein bắt đầu bộc lộ trí thông minh của mình. Năm 11 tuổi, Einstein đọc hết cuốn sách vật lý bậc đại học. Năm 13 tuổi, ông hoàn thành cuốn Critique of Pure Reason (tạm dịch là Phê phán lý tính thuần túy) của Immanuel Kant và sau đó Kant là một trong những tác giả yêu thích nhất của ông.

Năm 1895 khi tròn 16 tuổi, ông đăng kí dự thi vào Trường công nghệ liên bang Thụy Sĩ nhưng trượt kỳ thi đầu vào dù điểm toán và lý khá cao. Năm 1896, ông thi lần thứ 2 vào trường này và đạt điểm đầu vào. Năm 1900, Einstein tốt nghiệp với tấm bằng sư phạm toán và vật lý.

Một năm sau đó, bài nghiên cứu của ông có tựa đề Các kết luận về hiện tượng mao dẫn (theo Wikipedia) được đăng trên tạp chí nổi tiếng bấy giờ. Năm 1905, ông hoàn thành luận án tiến sĩ vật lý và nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Zurich.

Bài nghiên cứu về nền tảng cơ bản lý thuyết tương đối đầu tiên của ông được đăng tải trên Biên niên vật lý đã mang lại tên tuổi cho ông. Cái tên Albert Einstein nổi lên như một hiện tượng trong giới khoa học.

3. Einstein hứng thú với khoa học nhờ chiếc la bàn

Không ai có thể ngờ một chiếc la bàn bình thường lại trở thành nguồn cảm hứng đưa Einstein đến với vật lý.

Năm lên 5 tuổi, Einstein bị ốm nặng phải nằm dưỡng bệnh trên giường. Cha ông đã tặng ông một chiếc la bàn để nằm chơi khi Einstein không thể đi lại. Ngày qua ngày, cậu bé Einstein thường ngắm chiếc la bàn và tỏ ra thích thú. Kim la bàn di chuyển trên mặt đồng hồ chỉ phương hướng đã thôi thúc trí tò mò có sẵn trong đầu cậu bé vốn thông minh và ham học hỏi này.
 


Với Einstein, sự tò mò là cội nguồn của mọi khám phá. Trí tò mò chính là thứ quan trọng thôi thúc con người ta tìm hiểu về vạn vật, từ đó mới cho ra đời những phát minh.

4. Bộ não của Einstein được đi "du lịch" nhiều nơi sau khi ông qua đời

Ngày 18/4/1955, nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 76 tại bệnh viện Princeton, tiểu bang New Jersey, Mỹ. Theo nguyện vọng của ông, gia đình Einstein đã tổ chức một lễ tang hoàn toàn riêng tư và chỉ có duy nhất một nhiếp ảnh gia là Ralph Morse của tạp chí Life đến tham dự.

Những bức ảnh cuối cùng về Einstein được giấu kín. 60 năm sau tạp chí Life mới cho đăng tải một số bức hình mà Morse chụp ngày chôn cất thiên tài khoa học này.

Ngay sau khi Einstein qua đời, bác sĩ Thomas Harvey đã mở hộp sọ của ông, tiêm chất chống phân hủy vào động mạch não, đặt vào trong dung dịch bảo quản bộ não được xem là thông minh nhất lịch sử để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học. Hành động này đã khiến Harvey bị sa thải tại bệnh viện. Kể từ đó, bộ não của cố thiên tài Einstein luôn đi theo Harvey cho tới năm 2005, Harvey giao nộp lại mẫu vật quý báu cho bệnh viện Princeton. Hai năm sau đó, ông qua đời.

Trí thông minh của Einstein đến từ đâu? Bộ não của bậc thiên tài này có gì đặc biệt hơn với người thường? Đến nay bí ẩn về trí tuệ của nhà khoa học vĩ đại này vẫn chưa có lời giải.
 


LEO
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/bon-su-that-thu-vi-it-nguoi-biet-ve-albert-einstein-n-117549.html

vĩ nhân Albert Einstein

Tin tức mới nhất