Sau những thất bại ê chề của đội tuyển Việt Nam thời gian qua, HLV Philippe Troussier đã bị sa thải. Vị chiến lược gia người Pháp phải chịu trách nhiệm chính cho màn trình diễn bạc nhược của đội bóng, song sẽ là thiếu công bằng nếu đổ hoàn toàn trách nhiệm cho ông.

Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia bóng đá Richard Harcus nhìn nhận ngay từ thời điểm HLV Park Hang-seo còn tại vị, viễn cảnh "lao dốc" của bóng đá Việt Nam đã hiển hiện và là một lẽ dĩ nhiên của quy luật phát triển bóng đá.

Sau đỉnh vinh quang là vực thẳm, và phong độ thảm họa của đội tuyển Việt Nam thời gian qua là tổng hòa của nhiều yếu tố, không chỉ xuất phát từ HLV Troussier.

Bóng đá Việt Nam thất bại: Nguyên nhân không chỉ từ HLV Troussier! - 1
Độc giả Dân trí cho rằng, vài năm qua, thành công của đội tuyển bóng đá Việt Nam thực chất chỉ gắn liền với một thế hệ cầu thủ nổi trội (Ảnh: Mạnh Quân).

Thể hiện quan điểm về nhận định trên, chủ tài khoản Jack Black bày tỏ sự đồng tình: "Ông Troussier không hẳn là hợp, nhưng ông định hướng đúng, tiếc rằng ông đã thất bại.

Vấn đề chính là tầm nhìn và sự phát triển. Suy nghĩ ảo tưởng cho rằng chúng ta là 'anh cả Đông Nam Á' hay 'vươn tầm châu lục' đã khiến người hâm mộ vô tình gây áp lực cho HLV mới, cầu thủ mới và đặc biệt nguy hiểm nhất là tư duy sợ đổi mới của những người làm thể thao nói chung.

Vài năm qua, thành công thực chất chỉ gắn liền với một thế hệ cầu thủ nổi trội. Khi họ chấn thương và mất phong độ, bản chất của nền bóng đá lại hiện ra. HLV vừa rồi có thể dở, nhưng ta phải chấp nhận rằng bởi học trò của ông cũng dở. Phải có tư tưởng như vậy mới giúp chúng ta phát triển được".

Nối tiếp quan điểm, độc giả có nickname Mr Tran bình luận: "Từ khi theo dõi giai đoạn cuối của HLV Park và chuyển tiếp tới HLV Troussier, tôi đã có cùng câu hỏi rằng: Tại sao HLV Park ra đi? Thực trạng thật sự của bóng đá Việt Nam đang ở đâu?

Theo tôi, sự thay đổi triết lý của HLV Troussier là đúng, đây là bản chất của sự phát triển. Trong bất cứ công việc nào, tư duy lối mòn sẽ khiến cả tổ chức và bản thân cá nhân xuống cấp. Có điều ông thay đổi quá nhanh và sự thay đổi này chưa phù hợp với văn hóa bóng đá Việt Nam.

Tôi tâm đắc nhất câu "Đối với bóng đá Việt Nam, mọi vấn đề đều ẩn sâu dưới bề mặt". Đây mới là vấn đề nghiêm trọng, không chỉ với bóng đá và toàn bộ nền thể thao Việt Nam".

Cần thay đổi về đào tạo cầu thủ trẻ, phát triển bóng đá học đường

"Tôi thấy mọi người hết sức tung hô ông Park, nhưng sao mọi người không suy nghĩ một điểm: Vì sao ông ta phải rời đi để giữ lấy tiếng? Vì sao Thái Lan, chưa nói tới các đội Đông Á và Trung Á, vẫn luôn luôn trên tầm chúng ta, mong những người có trách nhiệm lưu ý", chủ tài khoản Dzung Vu Do nêu ý kiến.

Cũng cho rằng thất bại trên bao gồm nguyên nhân từ chất lượng cầu thủ, anh Hoang Thien viết: "Thực trạng V.League quá tệ, làm gì có cầu thủ mà dùng? Không có bột thì sao khuấy được nên hồ? Khâu đào tạo cần mang tính tiếp nối, kế thừa các lứa cầu thủ, không nên chỉ nói trên bàn giấy".

Bóng đá Việt Nam thất bại: Nguyên nhân không chỉ từ HLV Troussier! - 2
Thất bại của HLV Troussier đã phơi bày một vấn đề khác, đó là chúng ta đang có quá ít sự lựa chọn nhân sự thực sự chất lượng cho đội tuyển quốc gia.

Chung quan điểm, anh Nguyễn Hồng Tân thẳng thắn nhìn nhận trình độ cầu thủ Việt Nam còn rất kém so với yêu cầu thi đấu quốc tế, mới chỉ đáp ứng cường độ thi đấu đối với giải quốc nội cũng như khu vực Đông Nam Á.

"Chúng ta thỏa mãn với thành tích khu vực, rồi tự tâng bốc nhau lên, nhưng hãy nhìn những cầu thủ được cho giỏi nhất Việt Nam như Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Hậu… khi ra nước ngoài, tất cả đều chỉ gia nhập đội bóng hạng xoàng.

Vậy mà còn không thi đấu nổi, luôn phải ngồi dự bị. Bởi vậy, muốn vươn ra thế giới, trước hết phải tìm mọi cách nâng cao trình độ cầu thủ. HLV chưa phải khâu quan trọng nhất", độc giả này phân tích.

"Một thực tế cần chỉ ra rằng, ngay trong giai đoạn hoàng kim, trình độ cầu thủ Việt Nam vẫn chưa thực sự được đánh giá cao.

Dưới góc độ tập thể, đội tuyển Việt Nam có thể chơi sòng phẳng với đội tuyển Thái Lan song nếu xé lẻ từng cá nhân và đặt dưới hệ quy chiếu của các nền bóng đá phát triển, rõ ràng vẫn còn khoảng cách giữa cầu thủ Việt Nam và những nền bóng đá đó.

Quang Hải thảm bại ở Pau FC, Văn Hậu thất sủng tại Heerenveen, Văn Lâm bị bỏ rơi tại Cerezo Osaka, Công Phượng lang thang qua 3 đội bóng đều thất bại, Xuân Trường bật bãi dù chỉ chơi bóng ở Thái Lan hay mới nhất là Văn Toàn mờ nhạt tại giải hạng 2 Hàn Quốc, nếu so sánh với những cầu thủ Thái Lan đã làm mưa làm gió tại Nhật Bản như Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Teerasil Dangda hay vươn tầm châu Âu như Kawin Thamsatchanan, Suphanat Mueanta, rõ ràng cầu thủ Việt Nam còn thua kém nhiều điều dù rằng đó đều là những cái tên top đầu thuộc lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam.

Cái hay của HLV Park Hang-seo là biết cách động viên tinh thần cầu thủ, gắn kết họ thành một khối để chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Điều này có lợi cho đội tuyển, song có cái hại là che giấu đi vô số khuyết điểm của cầu thủ Việt Nam.

Để rồi khi một HLV khác thay thế, điểm yếu này ngày càng lộ rõ. HLV Troussier tệ, đó là điều không phải bàn cãi, nhưng cũng nên thẳng thắn nhìn nhận rằng trình độ cầu thủ của chúng ta đang ở đâu, để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp giúp cải thiện vấn đề trên", chủ tài khoản Jacky Tran phân tích.

Còn theo độc giả Hoàng Linh, anh cho rằng thất bại của HLV Troussier đã phơi bày một vấn đề khác, đó là chúng ta đang có quá ít sự lựa chọn nhân sự thực sự chất lượng cho đội tuyển quốc gia.

"Cách HLV Troussier đối xử với các 'công thần' thời HLV Park là không thể chấp nhận. Song cần nhìn nhận thực tế rằng, trong số họ chưa cầu thủ nào thực sự có thể đạt tới đẳng cấp châu Á.

Quang Hải, Hoàng Đức, Văn Toàn, Văn Thanh, Tấn Tài hay Tiến Linh… đều là những cầu thủ giỏi, nhưng kể cả ở thời điểm đỉnh cao phong độ, họ thậm chí chưa bao giờ đạt tới đẳng cấp châu lục chứ đừng nói chạm tới đẳng cấp châu Âu của các cầu thủ 'Indo kiều' hiện nay như Thom Haye, Jay Idzes, Elkan Baggott, Jordi Amat, Nathan Tjoe-A-On hay Ragnar Oratmangoen.

Trong khi đó, lứa cầu thủ kế cận lại vừa thiếu, vừa yếu, dẫn tới việc ngay từ cuối 'triều đại' HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam đã có dấu hiệu hụt hơi và bị bắt bài.

Điều này chỉ ra rằng việc đào tạo trẻ và xây dựng nguồn lực dự phòng cho đội tuyển của chúng ta đang gặp vấn đề.

Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào một lứa cầu thủ thế hệ vàng để giúp đội tuyển vụt sáng rồi lụi tàn mà cần có một chiến lược dài hơi, bên cạnh việc đào tạo trẻ thì có thể tập trung vào bóng đá học đường, phát triển bóng đá từ các nguồn lực xã hội để tìm kiếm thêm các tài năng cho bóng đá Việt Nam như cách mà người Nhật Bản đã làm suốt nhiều năm qua", độc giả này bình luận.

Theo Dân trí