Đang ngồi làm việc, Hoàng M.T (31 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) bỗng dưng nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Sau khi bắt máy thì đầu dây bên kia lập tức yêu cầu anh T trả khoản nợ vay hơn 30 triệu, tính cả gốc lẫn lãi.
“Lúc đó tôi rất sốc vì bản thân không hề vay nợ ai. Tôi hỏi lại thì người kia nói do tôi có một người bạn chung trên Facebook vay tiền, bạn đó cung cấp thông tin tôi với bên cho vay. Bây giờ bên cho vay không liên lạc được người vay nên yêu cầu tôi trả thay hoặc liên lạc bạn đó trả tiền. Họ còn hăm doạ nếu không trả sẽ dùng hình ảnh, thông tin tôi để đăng vào các diễn đàn, hội nhóm trên mạng để đòi nợ”, anh M.T bức xúc kể lại.
Dù anh T đã giải thích rất rõ ràng bản thân không vay nợ hay đứng ra bảo lãnh cho ai vay nợ nhưng đầu dây bên kia vẫn không buông tha và khủng bố liên tục. Anh yêu cầu bên cho vay không được làm phiền hay dùng hình ảnh của mình để đăng lên Internet. Tuy nhiên, hình ảnh cá nhân, bạn bè và gia đình anh M.T vẫn bị đối tượng lạ đăng công khai trên mạng xã hội.
Điều đáng nói, không riêng gì trường hợp anh M.T, mà nhiều người khác có cùng bạn chung của người vay đó cũng bị khủng bố tương tự.
Sau hơn một tuần liên tục bị khủng bố trả khoản vay nào đó, anh Nguyễn M.H (35 tuổi, ngụ quận 4) quyết định trình báo cơ quan chức năng.
“Tôi không thể chịu đựng nổi sự quấy rối liên tục cả ngày lẫn đêm nên đã trình báo công an. Mặc dù tôi đã giải thích bản thân không đứng ra bảo lãnh cho ai vay nhưng hình ảnh tôi và gia đình vẫn bị đăng tràn lan trên mạng xã hội, yêu cầu tôi tìm người vay nhanh trả nợ. Thậm chí, giữa khuya hay gần sáng vẫn bị nhiều cuộc gọi lạ nhắn tin, gọi điện yêu cầu trả tiền”, anh M.H bức xúc nói.
Được biết, khi vay tiền bằng hình thức tín chấp, người vay phải đồng ý cho phép người cho vay được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua ứng dụng vay (app). Khi người vay không trả tiền đúng hạn hay mất liên lạc thì người cho vay nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ này để nhắn tin, gọi điện thoại để đòi nợ, cho dù không liên quan đến các khoản vay nợ đó, gây phiền hà, quấy rối làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người không có nghĩa vụ trả nợ.
Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn bị các đối tượng cho vay nợ sử dụng công nghệ, cắt ghép hình ảnh với những nội dung thô tục, nhạy cảm… để đăng lên các trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của người bị đòi nợ.
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM vừa phát đi cảnh báo cho người dân về trường hợp này. Theo đó, để được cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp, bảo vệ và xử lý đối với những trường hợp như trên, các cá nhân bị quấy rối nên lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ và gửi kèm theo văn bản đến tổ chức, cá nhân cho vay nợ để khiếu nại về biện pháp nhắc nợ, đòi nợ đối với người không có nghĩa vụ trả nợ.
Đồng thời, các cá nhân, tổ chức có thể gửi đơn kèm chứng cứ tới Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm về lĩnh vực ngân hàng hoặc gửi đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan công an; Sở Thông tin và Truyền thông để được hỗ trợ xử lý về hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông để đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Theo Công an TP.HCM