Hồi tháng 3, chương trình I Want To Know của đài SBS đã phát sóng phóng sự điều tra về các "ghost-writer" - cụm từ chỉ những tác giả bài hát hoặc người chuyên viết lời ca khúc thay cho những nhạc sĩ nổi tiếng. Các "ghost-writer" thường không được ghi tên trong phần credit bài hát và theo chương trình, số tiền lợi nhuận của họ cũng rất thấp.
Thay vào đó, các tên tuổi có tiếng trong nghề, hoặc có quan hệ với công ty giải trí, lại đứng tên trong giấy phép bản quyền và hưởng lợi nhuận phát sinh.
Cựu quản lý SM cho vợ đứng tên tác giả lyrics nhiều bài hát
Theo phóng sự của chương trình I Want To Know, Kim - chủ sở hữu của một học viện tư nhân dành cho những người muốn trở thành tác giả bài hát - đã đứng tên bản quyền lyrics cho khoảng 400 sản phẩm âm nhạc, trong đó có tác phẩm của EXO, Red Velvet, Kang Daniel...
YTN dẫn lại nguồn tin của SBS và tiết lộ Kim thường lấy lyrics từ các học viên, sau đó biến thành của bản thân. Theo I Want To Know, nếu lyrics được giám đốc học viện chọn, học viên có thể được nhận 20% hoa hồng hoặc hơn, tùy vào bản thỏa thuận đã ký với viện trưởng.
Chương trình I Want To Know tiết lộ quản lý cao cấp của SM thường để tên vợ vào danh sách những người sáng tác lời cho ca khúc của EXO
Trong bài viết hôm 9/5, người cung cấp thông tin cho đài SBS cũng như YTN đã viết toàn bộ phần lời cho ca khúc Dancing King (EXO ft. Yoo Jae Suk).
Tuy nhiên, người đứng tên trên bản quyền lại là Kim (viện trưởng học viện âm nhạc được nhắc tới phía trên). Kim được hưởng 8% lợi nhuận phát sinh hàng năm từ ca khúc. Còn người viết lời thực sự tuyên bố chỉ nhận được 2,5% số tiền công ty đã trả cho Kim.
Nguồn tin trên cho biết còn một người nữa (được gọi là S) thường đứng tên đồng tác giả với Kim trong các ca khúc của nghệ sĩ SM Entertainment, đặc biệt là EXO.
Từ các mối liên hệ của nguồn tin giấu tên trên, ê-kíp chương trình I Want To Know đã tìm được nội dung trao đổi giữa Kim và Choi - người từng đảm nhận vị trí quản lý cao cấp tại SM Entertainment. Từ đó, phát hiện ra S chính là vợ của Choi.
Theo kết quả điều tra, vợ chồng Choi và S đã quen biết Kim nhiều năm. Kim đã điền tên S vào phần credit của khoảng 15 ca khúc. Tuy nhiên, Kim khẳng định với ê-kíp I Want To Know rằng S luôn tham gia viết lời tất cả ca khúc mà cô được ghi tên trong phần tác giả lyrics.
"Có điều, S và ông Choi vô tình lại là thành viên trong gia đình, việc này có thể khiến mọi người hiểu nhầm nên hai người họ phải giải quyết sự việc một cách riêng tư", YTN dẫn lại câu trả lời của Kim.
Ê-kíp đã liên hệ với SM và được trả lời rằng công ty đã sa thải Choi sau khi phát hiện quy trình không minh bạch trên.
Vấn nạn sáng tác thuê
Cũng trong chương trình I Want To Know, ê-kíp sản xuất đã công bố nội dung tin nhắn giữa Kim và Choi - cựu quản lý cao cấp của SM. Theo đó, Kim khẳng định việc thành lập hệ thống "ghost-writer" có thể mang lại lợi nhuận lớn.
"Ghost-writer" là vấn nạn tồn tại lâu nay trong ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc.
Thực tế, "ghost-writer", hay những người chuyên viết lời hoặc sáng tác thuê, không phải là chuyện quá xa lạ trong giới sáng tác ở Hàn. Một producer và một nghệ sĩ guitar chia sẻ với I Want To Know rằng họ đã tham gia sáng tác cả phần lời và nhạc của nhiều ca khúc, nhưng không được công ty quản lý (hoặc học viện) ghi tên vào phần credit.
Hay một sinh viên chuyên ngành âm nhạc mới là người sáng tác ca khúc nhạc phim, nhưng giáo sư bộ môn là người được ghi tên vào giấy đăng ký tác quyền.
Nguồn tin giấu tên của đài SBS tiết lộ người đứng đầu các hệ thống "ghost-writer" không trả tiền hoặc thanh toán khoản chi phí rất nhỏ cho những người thực sự tạo ra lời bài hát.
Ở các học viện đào tạo "ghost-writer" trên, rất nhiều học viên sẽ nhận được cùng một bản demo nhạc và tự đặt lời theo ý mình. Sau đó, người đứng đầu học viện sẽ tập hợp tất cả sản phẩm lại và lựa chọn những phân đoạn bản thân ưng ý nhất để ghép lại thành phần lyrics hoàn chỉnh cho ca khúc.
Vì những người đứng đầu học viện đích thân lựa chọn, cắt ghép phần lời, nên các học viên không có cách nào biết chính xác có bao nhiêu người cùng tạo nên lyrics, từ đó không thể tính toán được tỷ lệ ăn chia lợi nhuận của bản thân.
Các "ghost-writer" không được ghi tên trong giấy đăng ký bản quyền, nên không thể kiểm tra tỷ lệ ăn chia hoa hồng thông qua hệ thống của Hiệp hội Bản quyền Hàn Quốc. Thực tế, họ chỉ được coi là công cụ hỗ trợ cho những người mang danh chuyên gia viết lời trong Kpop.
Theo Zing