Kế hoạch trên nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, do Sở Văn hóa - Thể thao thành phố, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức.
Theo đó, sau nhiều năm gần như không được sử dụng, tháp nước Hàng Đậu sẽ được các kiến trúc sư, chuyên gia cải tạo, tổ chức trưng bày không gian sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu.
Theo nhóm kiến trúc sư và họa sĩ thực hiện, hệ sắp đặt âm thanh sẽ tái hiện những âm thanh của nước trong tự nhiên. Hệ sắp đặt ánh sáng mở rộng thị giác về những vỏ bọc đẹp đẽ, các nguyên liệu đều được tái chế bởi rác thải đô thị, nhấn mạnh tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên.
Phối cảnh thiết kế bên trong tháp nước Hàng Đậu sau khi được cải tạo và mở cửa cho người dân tham quan (Ảnh: BTC).
Qua đó, các tác giả muốn chuyển tải vai trò của nước trong cuộc sống cũng như sự gắn kết giữa con người với tự nhiên. Từ đó, mỗi người cần có ý thức giữ gìn môi trường tự nhiên.
Trưng bày này cũng nhằm giúp người dân có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ bên trong của một công trình kiến trúc đã bị "ngủ quên" nhiều thập kỷ.
Tháp nước Hàng Đậu (tên thường gọi là bốt Hàng Đậu) nằm tại ngã 6 giao giữa các phố: Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội).
Công trình được xây dựng vào năm 1894, là một trong những công trình kiến trúc cổ của Hà Nội do người Pháp xây dựng nhằm phục vụ việc cung cấp nước sạch cho binh lính và công dân của họ trong thời gian Pháp đô hộ tại Hà Nội, cùng với việc xây dựng Nhà máy nước Yên Phụ.
Tháp nước Hàng Đậu có hình trụ tròn, đường kính 19m, cao 3 tầng, mái có hình chóp nón, ở giữa là cột thu lôi. Tháp có đài nước khổng lồ bằng thép dung tích 1.250m3, nằm trên đỉnh 8 bức tường đá.
Hệ thống đường ống dẫn lên, xuống với những chiếc van bằng sắt vẫn nguyên vẹn, phủ đầy bụi. Đến nay, tháp cơ bản vẫn giữ được hiện trạng như ban đầu, nhưng 17 cửa sổ ở tầng một đã được bịt kín.
Theo Dân Trí