Theo SCMP, tính tới hiện tại, chưa có thần tượng Kpop nào được đặc cách để miễn nhập ngũ. Điều này có nghĩa tất cả nam nghệ sĩ trong độ tuổi từ 18 đến 28, có điều kiện thể chất ổn định phải phục vụ tại quân đội trong vòng 18 tháng, không có trường hợp ngoại lệ.
Tuy nhiên, vào tháng 4, khi trả lời phỏng vấn của đài MBC, Hạ nghị sĩ Sung Il Jong của Đảng Quyền lực Nhân dân cho biết Quốc hội đang thảo luận về dự luật miễn nghĩa vụ quân sự cho nhóm nhạc nam BTS. Nếu dự luật được thông qua, BTS trở thành ngôi sao Kpop đầu tiên được miễn nhập ngũ.
Ý kiến trái chiều xoay quanh dự luật
Dự luật cho phép BTS miễn nhập ngũ hiện là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất tại Hàn Quốc. Tuy nhiều khán giả, nhà lập pháp bày tỏ sự ủng hộ với dự luật, một bộ phận công chúng - trong đó có cả lính tại ngũ, cựu binh và nam giới dự định nhập ngũ trong tương lai - thể hiện sự không đồng tình.
Trước đó, vào tháng 12/2020, 7 thành viên của nhóm nhạc nam được hoãn nhập ngũ khi Quốc hội quyết định thông qua "điều luật BTS".
Điều luật này cho phép nghệ sĩ Kpop từng nhận huy chương chính phủ nhờ thành tích và cống hiến nổi bật được phép hoãn nhập ngũ tới năm 30 tuổi, dài hơn 2 năm so với độ tuổi giới hạn thông thường.
Quốc hội đang thảo luận về việc miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho BTS.
BTS hiện là ngôi sao Kpop có nhiều thành tích ấn tượng nhất. Với ca khúc Dynamite, nhóm trở thành nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Theo Gaon, chỉ trong quý I năm 2022, BTS bán được hơn 800.000 bản album.
Viện nghiên cứu Hyundai ước tính rằng mỗi năm, BTS đem lại 4.100 tỷ won (khoảng 3,54 tỷ USD) cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Hạ nghị sĩ Sung Il Jong cho biết huy chương vàng Olympic gián tiếp mang về cho đất nước khoảng 210,7 triệu USD, tuy nhiên, bài hát đứng đầu bảng xếp hạng Billboard có thể đóng góp tận 1,38 tỷ USD.
Dù vậy, tính tới hiện tại, chỉ có nhạc sĩ cổ điển đoạt giải thưởng quốc tế, vận động viên giành huy chương vàng tại Thế vận hội, Á vận hội mới được miễn nhập ngũ. Họ cũng có thể tham gia hoạt động công ích thay thế.
Một số nghệ sĩ từng phục vụ cộng đồng thay thế gồm người chiến thắng cuộc thi guitar cổ điển quốc tế Michele Pittaguala năm 2017, quán quân cuộc thi khiêu vũ quốc tế Seoul, cuộc thi hát quốc tế Toulouse và thí sinh Mr. Trot từng giành chiến thắng cuộc thi pansori Hàn Quốc.
Theo cuộc khảo sát gần đây của Gallup Korea, 59% người được hỏi cho rằng ca sĩ nhạc pop có thể được miễn nhập ngũ, trong khi 33% phản đối ý kiến này.
Jin, thành viên lớn tuổi nhất BTS, tròn 30 tuổi vào tháng 12. Điều này có nghĩa nếu luật nghĩa vụ quân sự hiện hành không thay đổi, nam ca sĩ bắt buộc nhập ngũ vào cuối năm 2023.
Jin nhiều lần khẳng định anh sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Năm 2020, khi trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, nam ca sĩ cho biết anh "sẽ đáp ứng mỗi khi đất nước cần". Anh khẳng định nghĩa vụ quân sự là "điều đương nhiên phải thực hiện".
Vào tháng 4, trong cuộc họp báo tổ chức trước khi nhóm biểu diễn tại Las Vegas, Jin tiết lộ: "Tôi đã nói chuyện rất nhiều với công ty quản lý. Tôi quyết định giao tất cả công việc liên quan đến nghĩa vụ quân sự cho công ty".
Cũng tại sự kiện này, Lee Jin Hyung - Giám đốc truyền thông của HYBE, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý BTS - chia sẻ: "Hy vọng dự luật sửa đổi nghĩa vụ quân sự, điều đang được Quốc hội xem xét, có kết quả trong thời gian sớm nhất có thể".
Lee bày tỏ hy vọng BTS "có thể tiếp tục hoạt động mà không bị ngắt quãng trong một thời gian dài".
Chủ đề gây tranh cãi
Tuy vậy, miễn nghĩa vụ quân sự vẫn còn là chủ đề thu về nhiều ý kiến trái chiều tại Hàn Quốc. Điều này xuất phát từ các vụ bê bối liên quan đến trốn tránh nghĩa vụ trong những năm gần đây.
Một số người nắm giữ quyền lực, điển hình chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp, sử dụng chiêu trò để hỗ trợ người thân cận trốn nghĩa vụ quân sự.
Vài đội thể thao bị cáo buộc lợi dụng cuộc thi lớn nhằm giúp cầu thủ không phải đi nhập ngũ. Họ cố tình đưa cầu thủ sắp nhập ngũ vào đội tuyển quốc gia, thay vì lựa chọn ứng cử viên xứng đáng.
Chia sẻ với SCMP, Kwang Do Kyeom - công dân 20 tuổi ở thành phố Yeosu, người chuẩn bị phục vụ tại quân đội trong năm nay - khẳng định dự luật miễn nghĩa vụ quân sự là "điều lố bịch".
Anh cho rằng các binh sĩ vốn rất khó chịu vì mức lương và lợi ích ít ỏi, do vậy, sự thay đổi này có thể khiến họ cảm thấy bất mãn hơn.
Theo Bae Kyung Hoon, nhân viên cửa hàng 31 tuổi trên đảo Jeju, dự luật này "sinh ra chỉ để dành riêng cho BTS". Anh nhận xét: "Đừng hành động như thể nền kinh tế quốc gia sẽ đóng băng nếu BTS đi nhập ngũ".
Tuy nhiên, với một số người dân khác, điển hình là Lee Won Cheol, doanh nhân 31 tuổi sống ở thành phố Hanam, nên có nhiều người được miễn trừ nghĩa vụ hơn, trong đó bao gồm cả tuyển thủ Esport (thể thao điện tử) nổi tiếng.
Theo Lee, người có quan điểm mạnh mẽ về việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự chủ yếu là nam giới, và vì người hâm mộ của BTS đa phần là phụ nữ, sẽ có nhiều quan điểm chống lại BTS.
Một số ý kiến cho rằng những ngôi sao từng nhận Huân chương Văn hóa Hàn Quốc - huân chương dành cho cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật - nên được xem xét miễn nghĩa vụ quân sự.
BTS, nam ca sĩ PSY, người đã phục vụ trong quân đội hai lần, và nữ diễn viên đoạt giải Oscar Youn Yuh Jung là các ngôi sao được trao huân chương này.
Choi Kyu Sung, nhà phê bình văn hóa âm nhạc đại chúng kiêm Giám đốc điều hành của Viện Cơ sở dữ liệu Kpop, tiết lộ rằng chính phủ Hàn Quốc có xu hướng tập trung nhiều hơn vào âm nhạc truyền thống, âm nhạc cổ điển.
Tuy nhiên, ngày nay, có nhiều người đánh giá nhạc pop cũng là một thể loại nghệ thuật.
"Hiện tại, thật khó khăn vì chưa có ngôi sao Kpop nào không phải phục vụ trong quân đội. Có lẽ BTS có thể trở thành người đầu tiên", Choi nhận xét.
Theo Zing