BTV Hoài Anh: Đúng, tôi là một biên tập viên giàu có-1

Cuộc trò chuyện với BTV Hoài Anh diễn ra vào một buổi chiều cuối tuần, ngay trước giờ lên sóng bản tin Thời sự.

Sau khi Diệp Anh, Vân Anh rời VTV, Quang Minh chuyển sang làm giám đốc VTV24, không khó để nhận ra Hoài Anh là "biểu tượng" còn lại của bản tin Thời sự 19h sau 10 năm gắn bó.

BTV Hoài Anh: Đúng, tôi là một biên tập viên giàu có-2

- Chị đã gắn bó với bản tin Thời sự 19h tròn 10 năm, và trở thành hình ảnh quen thuộc với hàng triệu khán giả truyền hình. Với chị, một thập kỷ là ngắn hay dài?

Nhiều khán giả trẻ cũng nói với tôi rằng “Em thấy chị từ khi còn rất nhỏ”, nghĩa là tôi đã làm công việc này lâu rồi đấy nhỉ? Nhiều lúc, tôi cũng tự hỏi “Lâu quá có tốt hay không?”.

Một ngã rẽ khác, đôi lúc xuất hiện trong suy nghĩ của tôi (cười).

Hoài Anh của Thời sự VTV: 'Thách thức của tôi là sợ khán giả chán' Sau 10 năm lên sóng Thời sự 19h của VTV, Hoài Anh cho biết một trong những thách thức hiện tại của chị là "sợ khán giả chán" vì "lâu quá không phải lúc nào cũng tốt".

BTV Hoài Anh: Đúng, tôi là một biên tập viên giàu có-3

- Tại sao chị nghĩ vậy khi vẫn còn được khán giả yêu quý?

Vì một thập kỷ gắn bó với một công việc thực sự là một điều gì đó “xa xỉ” (cười).

- Nhớ lại 10 năm trước, việc từ TP.HCM ra Hà Nội làm việc, lập gia đình mới và định cư có là quyết định khó khăn với chị?

Hồi đó, tôi mới bước vào công việc, muốn thử thách chính mình, muốn có trải nghiệm mới. Thế nên, quyết định ra đi lúc đó khá quyết đoán, tôi gần như không gặp khó khăn gì cả.

Thực ra, tôi lớn lên ở Sài Gòn, nhưng lại sinh ra ở Hà Nội, 5 tuổi tôi mới vô trong đó. Thế nên, Hà Nội cũng thân quen với tôi.

Ký ức tuổi thơ ở Hà Nội của tôi cũng đẹp lắm. Dù mới có mấy tuổi thôi, học mẫu giáo, nhưng tôi nhớ mãi hình ảnh tôi được ông đưa đi ăn kem Tràng Tiền, hay hình ảnh mẹ đạp xe rất nặng giữa trời mưa để đón tôi đi học về. Giờ nghĩ lại vẫn thấy thương ông, thương mẹ vô cùng.

BTV Hoài Anh: Đúng, tôi là một biên tập viên giàu có-4

- Thế còn nỗi nhớ về thành phố chị đã lên lớn và trưởng thành, nơi người ta bảo “Sài Gòn chưa xa đã nhớ”?

Sài Gòn thì là vừa nhớ vừa thèm. Tôi nhớ những quán nhỏ ven đường, những ngày đạp xe đi ăn vặt. Sài Gòn với tôi là những kỷ niệm thuở mới lớn, là những trải nghiệm đầu đời, có đủ mọi cung bậc cảm xúc, đủ mọi vui buồn.

- Từ tháng 11, nhân sự bản tin Thời sự 19h có sự thay đổi. Không khó để nhận ra, trong dàn BTV hiện tại chỉ còn chị là mang tính “biểu tượng”, nghĩa là được khán giả biết đến nhiều hơn cả. Chị nghĩ sao?

Tôi chưa bao giờ nghĩ và phấn đấu để trở thành “biểu tượng”. Tôi, và có thể cả các đồng nghiệp của tôi, chỉ đơn giản là luôn cố gắng làm tốt công việc của mình bằng tình yêu với công việc và sự tôn trọng với khán giả.

BTV Hoài Anh: Đúng, tôi là một biên tập viên giàu có-5

- Chị từng nhận giải thưởng "Người dẫn chương trình được yêu thích", sau đó lại được là “Biên tập viên lên hình ấn tượng nhất" của VTV Awards. Nếu tự lý giải, chị nghĩ điều gì ở mình khiến khán giả yêu thích?

Ai cũng có nét riêng nào đó để thu hút một nhóm đối tượng của riêng mình. Tôi nghĩ không có hoặc rất khó có đáp số chung cụ thể. Do vậy, câu trả lời có lẽ xin được dành lại cho những khán giả truyền hình của tôi.

- Chị từng chia sẻ bản thân là một người nhạy cảm. Theo chị, đó là thuận lợi hay khó khăn với một BTV Thời sự?

Tôi nghĩ đó là điều thuận lợi, giúp làm tốt hơn công việc dẫn bản tin. Bản tin Thời sự không phải lúc nào cũng nghiêm túc, đọc lạnh lùng. Tôi tin là kể cả khán giả hay lãnh đạo đài cũng đều muốn bản tin nghiêm túc, trang trọng nhưng vẫn không mất đi sự gần gũi, thân thiện, ấm áp.

Làm sao để trong khuôn khổ của sự nghiêm túc, với trang phục chỉn chu, góc máy bắt rất gần mà vẫn thấy được sự ấm áp. Nếu làm được điều đó, tôi cho là BTV nào cũng sẽ chạm đến được trái tim khán giả.

Tất nhiên, dẫn chương trình Thời sự 19h không thể vung tay vung chân khi dẫn, cũng không thể khóc cười thoải mái. Kinh nghiệm và sự nhạy cảm sẽ giúp 1 người dẫn biết như thế nào là sự vừa đủ.

BTV Hoài Anh: Đúng, tôi là một biên tập viên giàu có-6

- Có ý kiến cho rằng dẫn chương trình mà không có cảm xúc thì chẳng khác gì “máy nói”. Chị có đồng tình?

Không chỉ trong công việc của tôi, hay riêng 1 lĩnh vực nào, mà tôi nghĩ cảm xúc luôn là rất quan trọng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Cuộc sống chúng ta đang bị thiếu dần cảm xúc thật, đặc biệt trong thời đại công nghệ số.

Không chỉ là câu chuyện cảm xúc trong bản tin, mà còn là cảm xúc giữa con người với con người trong cuộc sống. Có những khi chúng ta viết một câu bình luận thể hiện cảm xúc rất dễ dàng trên Facebook, nhưng lại thật khó khăn để thể hiện nó thành lời nói khi gặp mặt.

- Mới đây, một hãng thông tin nước ngoài đã ra mắt người dẫn chương trình ảo. Theo chị, chúng ta có nên bắt đầu lo ngại về viễn cảnh các MC ảo phủ sóng truyền hình?

Thực ra, bản thân tôi cũng thoáng giật mình khi biết thông tin đó. Chúng tôi có nói vui với nhau rằng “Ồ, đối thủ đáng gờm đây”.

Kể ra, nếu các MC ảo xuất hiện, chúng tôi cũng sẽ bớt vất vả ở những khung giờ quá sớm hoặc quá muộn vì sẽ có người đồng nghiệp đặc biệt này làm thay.

Nhưng nếu điều ấy xảy ra thật thì sao nhỉ, chắc có lẽ phải hỏi cảm xúc của khán giả. Với người dẫn chương trình, cảm xúc, tình cảm qua giọng nói và ánh mắt là hai trong những cách để kéo khán giả đến với truyền hình. Tôi tin đó là điều mà công nghệ, robot không thể thay thế con người.

Chắc chắn khi công nghệ phát triển, như chúng ta đã biết, sẽ có rất nhiều ngành nghề bị thay thế bởi robot, nhưng cũng có những ngành nghề không thể thay thế được, đó là ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo, những lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Với những ngành nghề đỏi hỏi chuyển tải cảm xúc, giá trị của con người vẫn là mãi mãi.

- Tình huống khó khăn nhất mà chị từng phải trải qua khi dẫn Bản tin Thời sự 19h là gì?

Tuy tất cả các bản tin của VTV, cũng là những bản tin tôi đã làm, đều là phát sóng trực tiếp, nhưng may mắn vì tôi chưa gặp tình huống gì quá trớ trêu đến mức không thể ứng biến. Còn câu chuyện hậu trường đáng nhớ nhất có lẽ là lần đọc Tuyên bố chung của hai quốc gia.

Văn bản Tuyên bố chung là vô cùng quan trọng, và lần đó dài đến gần chục trang A4. Hồi đó còn là dẫn một mình thay vì dẫn đôi nên tôi gần như tự bơi giữa biển, bằng mọi giá phải sống sót. Tôi đọc tới 20 phút mới xong, nhiều lúc cũng thấy mệt và muốn hụt hơi, mắt hoa lên trước các con chữ, nhưng cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ mà không vấp váp một chữ nào.

Ngay khi tôi bước ra khỏi trường quay, lãnh đạo đài và lãnh đạo ban đã chờ trước cửa, bắt tay và ôm vai tôi chúc mừng. Với tôi, đó là sự khích lệ rất lớn!

BTV Hoài Anh: Đúng, tôi là một biên tập viên giàu có-7

- Đóng phim, hát, quay MV, tham gia trình diễn thời trang. Chị có nghĩ nếu không làm báo, chị sẽ là một gương mặt showbiz?

Hồi nhỏ tôi cũng khá nổi bật trong trường vì tham gia rất nhiều hoạt động. Tuy nhiên, nếu cho tôi làm lại, tôi vẫn sẽ lựa chọn nghề nghiệp của một biên tập viên - dẫn chương trình.

Tôi vốn học chuyên văn và yêu thích công việc viết lách. Tôi cũng yêu thích được ngồi trước máy quay để trò chuyện cùng khán giả. Và công việc của một biên tập viên dẫn chương trình giúp tôi có được cả hai điều đó.

BTV Hoài Anh: Đúng, tôi là một biên tập viên giàu có-8

- Khi là BTV Thời sự 19h, chị có phải từ chối nhiều lời mời mang sắc màu showbiz Việt như đóng phim, quảng cáo hay chụp ảnh thời trang, đi sự kiện?

Tôi quan niệm sự vừa đủ là quan trọng. Chỉ nên xuất hiện đủ, không nên xuất hiện quá nhiều, và nên xuất hiện ở thời điểm phù hợp

Hơn nữa, khán giả yêu mến và cổ vũ cho tôi có lẽ chính vì tôi là biên tập viên Hoài Anh chứ không phải một hình ảnh nào khác. Tất nhiên, điều đó cũng sẽ trở thành một thách thức để tôi vào một vai diễn trong một bộ phim nào đó, làm sao để thoát ra khỏi cái bóng của chính mình và làm khán giả tin tôi là nhân vật (cười).

- Hoài Anh có phải là một BTV giàu có?

Vâng, tôi là một BTV giàu có, theo định nghĩa của tôi (cười).

Thực tế thì mỗi người có một quan niệm khác nhau về sự giàu có. Với tôi, tiền bạc chỉ là một phần trong thước đo về sự giàu có. Phần quan trọng hơn là những trải nghiệm mà mỗi người có đươc trong đời. Ngoài ra, với tôi, sự giàu có không chỉ là bạn có bao nhiêu, mà là bạn đóng góp được gì cho xã hội.

- 10 năm gắn bó với chương trình quan trọng bậc nhất trên sóng VTV, chị thấy mình được - mất những gì?

Cái được đầu tiên là khán giả, tôi được mọi người biết đến, được yêu mến, và tin tưởng. Nhiều lúc đi mua hàng mà quên ví ở nhà, người bán sẵn sàng cho tôi mua thiếu luôn. Hoặc đôi khi gặp một anh taxi tốt bụng, sẵn sàng chở không cho tôi một cuốc xe. Những lúc đó, tôi biết ơn mọi người, biết ơn công việc của mình, vì đó là hạnh phúc, là những cái “tình” trong cuộc đời mà tôi may mắn đã có được từ chính công việc của mình!

Về phần mình, tôi có được sự trưởng thành, có những trải nghiệm.

Còn mất, là những khoảng thời gian cho gia đình. Công việc BTV rất đặc thù, nhiều hôm tôi ở đài từ sáng sớm đến 23h đêm. Thế nên tôi gần như có rất ít thời gian riêng cho người thân.

Gia đình tôi luôn phải người ăn trước người ăn sau vì nếu đợi tôi để ăn cùng thì rất trễ. Những ngày có lịch làm việc là tôi không có thời gian cho con nữa, không thể đón con, cùng con học bài.

- Con gái có biết về sự nổi tiếng chị?

Bé biết. Công việc của mẹ cũng đã trở nên quá quen thuộc với bé rồi. Ở trường, thi thoảng lại có những anh chị lớp trên chạy lại nhờ bé gửi thư cho mẹ Hoài Anh (cười).

Ngày nhỏ khi đi cùng mẹ ngoài phố, có người nhận ra mẹ và xin chụp hình cùng là bé sẽ khóc không chịu, nhưng bây giờ đã vui vẻ đứng đợi rồi, vì tôi giải thích với con “Đó là các cô chú yêu quý mẹ con mình! Là vì con ngoan, con đáng yêu đấy!”.

Tôi không muốn con bị ảnh hưởng bởi công việc của mình. Tôi muốn con coi đó là những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống. Và muốn con hiểu rằng khi mình được mọi người xung quanh quan tâm, yêu thương, thì càng phải ngoan hơn, phải sống tốt hơn nữa!

BTV Hoài Anh: Đúng, tôi là một biên tập viên giàu có-9

Theo Zing