Bùa ngải Thái rao bán tràn lan trên Facebook

Chưa rõ công dụng nhưng người bán đánh vào sự mê tín của nhiều người để rao bán các sản phẩm được cho là có công dụng phi thường từ Thái Lan.

Những ngày qua, Facebook tràn ngập các mẫu quảng cáo vật dụng tâm linh trong đó có cả bùa, ngải, hình nhân. Những lá bùa được người bán quảng cáo sẽ giúp các shop bán hàng online "hút khách" nhiều hơn. Thậm chí nhiều hình nhân còn được giới thiệu như một loại phép thuật có công dụng hoang đường như thu hồi nợ, sinh quý tử, báo mộng...

Những sản phẩm này được bán bằng nhiều hình thức từ chạy quảng cáo đến livestream.


"Bùa mẹ Ngoắc" rao bán 70.000 đồng một tờ.

Điều ngạc nhiên là nhiều người dùng Facebook rất hào hứng chia sẻ bài đăng lên trang cá nhân để đáp ứng yêu cầu của người bán với hy vọng được mua với "giá rẻ nhất thị trường".

Giá trung bình của một lá "bùa mẹ Ngoắc" được bán tràn lan trên Facebook là 70.000-150.000 đồng. Theo lời người bán, "mẹ Ngoắc" có công dụng thu hút tài lộc cho các shop kinh doanh được thỉnh từ Thái Lan. Một số người bán còn cắt nghĩa "Ngoắc" có nghĩa là treo trước tiệm, vị thần này sẽ "ngoắc" khách vào mua và dẫn chứng bằng nhiều hình ảnh chụp tại Thái Lan.

Bên cạnh những lá bùa vài chục nghìn đồng, một số người bán còn rao ra rả các hình nhân Kumanthong với cách dùng và công năng tương tự, thậm chí có thể giúp chủ cửa hàng đòi nợ.

Kumanthong trong tiếng Thái có nghĩa là "cậu bé vàng", trước đây được các pháp sư điều chế từ xác thai nhi. Tuy nhiên từ lâu, chính phủ Thái đã cấm hình thức "chế tạo này".


Kumanthong được ra bán với hướng dẫn "cho ăn" và "dạy dỗ" mỗi ngày.

Nhưng với niềm tin vào những truyền thuyết không căn cứ, nhiều người vẫn săn lùng những vật phẩm này. Đến nỗi nhiều đền chùa cũng bày bán những bức tượng nhỏ mang hình dáng của một hài nhi ngồi chắp tay cầu nguyện.

Bám sát truyền thuyết đó, những trang bán bùa ngải trên Facebook tại Việt Nam cũng truyền lại những kỹ thuật nuôi dạy Kumanthong hết sức kỳ dị như phải đặt nó trên một kệ riêng ở nơi kín đáo, "nuôi dưỡng" nó hàng ngày bằng một ly sữa hay nước ngọt.

Theo lời người bán, Kumanthong cũng có thể nghịch ngợm, phá phách chủ nhà do bản tính vẫn còn trẻ con của nó. Những lúc đó, người chủ cũng phải trừng phạt bằng cách đánh nó nhẹ nhàng với một cây gậy gỗ, đồng thời trách mắng bằng một giọng điệu nghiêm khắc, giống như cách mà họ dạy dỗ trẻ con vậy.

Rao bán nhan nhản, chạy quảng cáo rầm rộ, thế nhưng không người bán nào cam kết 100% bùa có hiệu nghiệm. Cái họ cam kết duy nhất là "giá rẻ nhất thị trường" cùng các câu chuyện kỳ bí tặng kèm khách mua hàng đậm chất "buôn thần bán thánh".


Giấy chứng nhận bùa được "thỉnh" tại Thái Lan.

Theo ghi nhận của phóng viên, để tăng độ tin cậy cho từng bài đăng, chủ shop sẽ mua trước một lượng lượt thích và bình luận với nội dung tích cực. Với các video livestream, người bán sẽ mua thêm lượt xem trực tiếp (mắt livestream) cùng các bình luận "mồi".

Ngoài ra, người bán ngải còn không quên đăng tải những phản hồi "tích cực" của người dùng, hình ảnh các đơn hàng được đóng hộp chờ ngày chuyển đi hoặc hình ảnh đang ở tận Thái Lan "thỉnh bùa". Thậm chí một số người bán còn đăng tải giấy chứng nhận "trong như thật" của các loại bùa thỉnh được.

"Facebook hiện vẫn cho bán các vật phẩm tâm linh như đá, vòng đeo tay phong thủy. Bùa ngải, hình nhân cũng như vậy, chỉ cần không xúc phạm các tôn giáo khác thì Facebook vẫn duyệt quảng cáo bất kể công dụng nó có mê tín như thế nào", anh Phan Khải, chuyên gia quảng cáo Facebook cho biết Facebook hiện chưa phân biệt được ranh giới mong manh giữa vật phẩm tâm linh và mê tín dị đoan nên những mặt hàng này sẽ vẫn được xét duyệt quảng cáo.

Theo Zing


Bùa ngải mê tín dị đoan Mạng xã hội

Tin tức mới nhất