Vừa mới đây, cộng đồng mạng vô cùng xôn xao với đoạn video phản cảm khi chơi trò đoán món ăn đặc sản các tỉnh của một kênh TikTok.
Lý do gây bức xúc chính là món ăn đặc sản nức tiếng miền Tây lại bị một người chơi “lạnh lùng” nói ra cái tên vô cùng khó nghe cho món ăn này (tên gọi của món ăn dành cho heo).
Mặc dù người chơi khác không biết món này ra sao hoặc hoang mang không biết gọi tên nhưng vẫn đoán một món ăn khác hay bỏ qua, thì cô gái trong video lại bật lên cái tên khiến phần lớn cư dân mạng không hiểu nổi người này đang có ý gì.
Video gây nhiều bức xúc suốt một ngày qua (Nguồn: TikTok).
Người đoán sai 1 thì người đăng tải video gây tranh cãi này lại sai 10 khi đã biết cô gái phát ngôn không đúng đắn nhưng vẫn bất chấp bỏ qua.
Sau khi nhận phải vô vàn chỉ trích, cả nhóm xóa video nhưng nhưng sự phẫn nộ vẫn còn tồn tại trong những người yêu mến món ăn dân dã của đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt là những người sáng tạo nội dung miền Tây nói riêng và những người yêu ẩm thực nói chung thì cảm giác buồn bực, bức xúc vẫn còn tăng cao khi món ăn dân dã, ngon lành này bị nói bằng từ ngữ khó nghe như vậy.
Các TikToker khác không ngần ngại đăng tải lại video, gọi tên thẳng mặt chủ kênh kia và giải tỏa sự tức giận của mình. Nhiều người cũng để lại bình luận phê phán kênh TikTok đăng tải đoạn video kia khi không thể hiểu nổi phát ngôn “ngớ ngẩn” này.
Những bình luận không giấu nổi sự tức giận của cư dân mạng (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: TikTok).
Nhiều người buồn vì món ăn ngon bị gọi bằng từ ngữ thiếu tinh tế (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: TikTok).
Món ăn trên là đặc sản nức tiếng miền Tây, chỉ có vào mùa nước nổi trong năm với các nguyên liệu chính là bông điên điển và cá linh. Người dân miền Tây vô cùng biết cách kết hợp hai sản vật thiên nhiên này, tạo nên món canh chua cá linh bông điên điển mang đậm vị quê hương.
Bông điên điển được người dân miền Tây ví von là “mai vàng mùa nước nổi” vì loài hoa này chỉ nở rộ vào mùa nước nổi của miền Tây, có nhiều ở Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang và Long An. Món ăn trở thành hình ảnh ký ức của biết bao thế hệ người con miền sông nước.
Không những vậy, món canh chua bông điên điển dần trở thành đặc sản của các tỉnh miền Tây và là một trong những nét văn hóa ẩm thực của người dân vùng sông nước. Những vị khách du lịch nước ngoài cũng vô cùng yêu thích món ăn mang hương vị chua nhẹ, màu sắc bắt mắt của món canh chua.
Món canh chua cá linh bông điên điển nhìn thôi đã thòm thèm.
Qua câu chuyện gây phẫn nộ nói trên, việc tôn trọng văn hoá ẩm thực của mỗi địa phương được nhiều người nhận ra là vô cùng quan trọng.
Vì không những vụ việc món canh chua bị gọi bằng ngôn từ phản cảm, mà vô tình trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều món ăn cũng bị nhiều người tỏ ra sợ hãi, thậm chí “kỳ thị” khi chỉ mới nhìn vẻ ngoài hay cách làm.
Đối với người Việt, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần. Dù nhiều món đặc sản khiến nhiều người không thể ăn được như tiết canh, thắng cố, đuông dừa, mắt cá ngừ hay mực sống ngâm nước mắm, nhưng họ vẫn luôn dành một cái tên đầy sự tôn trọng cho những đặc sản kia.
Đối với chúng ta có lẽ sẽ là món khó ăn nhưng đối với người dân địa phương, các món ăn ấy là cả nét văn hoá bản địa, gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất họ sinh sống.
Món ăn có "ngoại hình" không bắt mắt lắm nhưng vẫn là món đặc sản của người dân địa phương (Nguồn: Internet).
Thế nên, món ăn đó có xa lạ với chúng ta hoặc là món mà bản thân mình không ăn được hay không biết thì điều cần thiết nhất vẫn là dành sự tôn trọng lẫn ứng xử một cách lịch sự với những đặc sản của mỗi địa phương.
Cũng nhờ các đặc điểm về địa lý, văn hóa, dân tộc, khí hậu đã tạo nên đặc điểm riêng của ẩm thực từng vùng. Mỗi miền lại có một nét, khẩu vị đặc trưng góp phần làm ẩm thực Việt Nam phong phú, đa dạng.
Theo Thể thao và Văn hóa