Sáng 23/4, cán bộ thuộc Tổ chức phi chính phủ IMC (đơn vị quản lý dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm) và Nhóm sức khỏe và bảo tồn loài (Tổ chức phi chính phủ WCS) phát hiện một cá thể rùa mai mềm lớn tại hồ Đồng Mô bị chết, nổi trên hồ.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng của Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã phối hợp với cán bộ thuộc 2 tổ chức phi chính phủ WCS và IMC lập biên bản hiện trạng. Theo ghi nhận, cá thể rùa mai mềm bị chết có chiều dài toàn thân 1,56m, chiều dài mai rùa 0,98m, chiều rộng mai rùa 0,76m và cân nặng 93 kg.
Nhân bản vô tính khó khả thi
Trao đổi với PV VietNamNet, PGS. Hà Đình Đức (nguyên giảng viên Khoa Sinh học – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) cho biết, cá thể rùa vừa bị chết ở Đồng Mô thuộc giống loài ‘cực kỳ quý hiếm’ hiện nay. Trên thế giới hiện chỉ còn ghi nhận 2 cá thể, một ở hồ Xuân Khanh (Thị xã Sơn Tây), 1 ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc.
“Cá thế rùa mai mềm thuộc giống loài rùa Hoàn Kiếm còn rất ít, rất khó để nhân giống thành công. Ngay cả phương pháp nhân bản vô tính cũng khó khả thi. Tôi chỉ vọng các nhà khoa học tìm được thêm cá thể rùa mai mềm này ở ngoài tự nhiên”, PGS. Hà Đình Đức nói.
Năm 2020, lực lượng chức năng bẫy được 1 cá thể rùa mai mềm ở hồ Đồng Mô. (Ảnh: IMC)
PGS. Hà Đình Đức cho biết, cá thể rùa ở hồ Đồng Mô được phát hiện vào năm 2008. “Năm đó, nước ở hồ Đồng Mô tràn vào sông Tích, người dân bắt được cá thể rùa nặng 68kg. Như vậy, gần 15 năm sau khi bị bắt, rùa ở hồ Đồng Mô tăng khoảng 30kg”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, ông cùng các chuyên gia đã đi nhiều vùng ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Ao Châu (Phú Thọ)... với hy vọng tìm được thêm cá thể cùng giống loài rùa Hồ Gươm.
“Đi nhiều nơi, chúng tôi chỉ thấy bộ xương, chứ không thấy rùa sống. Thực ra, nếu được cơ quan chức năng quan tâm thì trước năm 1995 có thể nhân giống loài rùa mai mềm này. Vì thời điểm đó, người dân vẫn bắt được cá thể rùa, nhưng họ đem đi bán”, PGS. Hà Đình Đức chia sẻ.
Thực tế, trong những năm qua, các thành viên của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) đã khảo sát 28 tỉnh thành miền Bắc với hy vọng tìm thêm nhiều cá thể rùa Hoàn Kiếm. ATP ghi nhận khoảng 30 khu vực sông, hồ ở 28 tỉnh, thành có khả năng tồn tại loài rùa Hoàn Kiếm.
Riêng tại hồ Đồng Mô, các nhà bảo tồn rùa vẫn kỳ vọng còn một cá thể rùa Hoàn Kiếm sinh sống tại đây vì từ lâu, người dân đánh bắt cá khẳng định có 1 cá thể nhỏ hơn cá thể vừa chết, đang sống trong hồ.
Xét nghiệm ADN để xác định chủng loại
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, hiện chưa thể khẳng định cá thể rùa bị chết ở hồ Đồng Mô thuộc chủng loại nào, có phải là loài rùa Hoàn Kiếm (tên gọi khác là loài giải Sin-hoe) hay không.
Theo ông Đại, cơ quan chức năng đã mang mẫu ADN của cá thể rùa bị chết đi xét nghiệm. Dựa trên kết quả ADN, cơ quan chức năng sẽ công bố cá thể rùa này thuộc chủng loại nào, có nguồn gốc từ đâu.
“Nếu cá thể rùa này chỉ là loài thông thường thì việc xử lý sẽ đơn giản hơn, còn nếu là loài rùa Hoàn Kiếm, thuộc diện quý hiếm thì phải xử lý theo quy trình. Hiện xác cá thể rùa bị chết đang được bảo quản tạm thời ở nhiệt độ -18 độ C. Dự kiến vài ngày tới sẽ có kết quả ADN”, ông Đại nói.
Rùa hồ Hoàn Kiếm khi còn sống (Ảnh: Hà Đình Đức).
Rùa Hoàn Kiếm là loài rùa quý hiếm nhất trên thế giới. Năm 2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm). Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh.
Giai đoạn 2021- 2025, các nhà khoa học nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản, nếu được.
Đến 2026, các nhà khoa học sẽ thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm, tiến tới phục hồi quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới và là biểu tượng tâm linh của người Hà Nội.
Với việc cá thể ở hồ Đồng Mô bị chết, hy vọng khôi phục rùa Hoàn Kiếm - loài rùa quý hiếm nhất thế giới sẽ hẹp dần hy vọng.
Theo Vietnamnet