Lộc đỉnh ký (2020): Tác phẩm do Trương Nhất Sơn, Đường Nghệ Hân đóng chính hứng chịu vô số lời chê bai từ khán giả sau khi lên sóng, từ diễn xuất tệ hại của diễn viên đến tình tiết cải biên quá đà, dàn dựng lỏng lẻo, nhiều "sạn" và đặc biệt là hình tượng nhân vật bị biến tướng khác xa nguyên tác. Hiện tại, phiên bản 2020 chỉ nhận được 2,5/10 điểm trên Douban với 83% khán giả chấm 1 sao. Truyền thông Trung Quốc nhận xét đây là phiên bản Lộc đỉnh ký tệ nhất trong số 9 lần chuyển thể suốt 36 năm qua.
Lộc đỉnh ký (2008): Trước khi có bản phim của Trương Nhất Sơn, Huỳnh Hiểu Minh bị đánh giá là Vi Tiểu Bảo tệ nhất, trong loạt tác phẩm chỉ đạt 5,6/10 điểm. Phim gây tranh cãi vì cảnh nóng và có nhiều trường đoạn bạo lực bị đánh giá phản cảm, không cần thiết. Diễn xuất của tài tử Tân Bến Thượng Hải cũng bị chê là màu mè, khoa trương.
Tiểu Bảo và Khang Hy (2000): Bộ phim do Trương Vệ Kiện đóng chính đến nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi về chất lượng. Với những khán giả trung lập hoặc yêu mến tài tử Hong Kong, bản chuyển thể được đánh giá khá cao. Song, với fan ruột của nguyên tác, đây lại là tác phẩm thảm họa vì "xào nấu" quá mức, tự ý thêm thắt nhiều nhân vật khiến mạch phim lê thê, rối rắm. Trong đó, nhà sản xuất đã “anh hùng hóa” hình tượng Vi Tiểu Bảo, biến anh thành kẻ trượng nghĩa, vui tính, lương thiện hơn là xảo trá. Bên cạnh đó, Vương Tinh cũng đưa ra nhiều cải biên khi thay đổi quá khứ của một trong bảy người vợ, hoặc cho Kiến Ninh công chúa (Lâm Tâm Như) chết ở cuối phim.
Tân Tiếu ngạo giang hồ (2018): Đứa con tinh thần của đạo diễn Kim Sân bị chỉ trích là "thảm họa cải biên" vì "trẻ hóa" một tác phẩm võ hiệp thành phiên bản thanh xuân để nhắm đến giới trẻ. Diễn xuất dở tệ của Đinh Quán Sâm (Lệnh Hồ Xung) hay Tiết Hạo Tinh (Nhậm Doanh Doanh), cùng những thay đổi tình tiết quá lố xoay quanh Đông Phương Bất Bại, kỹ xảo hời hợt, tất cả khiến Tân Tiếu ngạo giang hồ bị gọi là bản làm lại "tệ nhất lịch sử phim truyền hình Trung Quốc".
Tân Tiếu ngạo giang hồ (2013): Dưới khả năng "phóng tác bất chấp đổi trắng thay đen" của Vu Chính, Tân Tiếu ngạo giang hồ hứng chịu sự công kích nặng nề từ người xem cho đến các chuyên gia phê bình ngay khi lên sóng. Bộ phim khiến cộng đồng fan Kim Dung phẫn nộ khi đưa Đông Phương Bất Bại (Trần Kiều Ân) thành nữ chính thay cho Nhậm Doanh Doanh (Viên San San). Kết phim còn bị nhận xét nhái lại Họa bì 2 khi Đông Phương Bất Bại trả lại trái tim để cứu Nhậm Doanh Doanh.
Tân Thần điêu đại hiệp (2014): Trong lần thứ hai chuyển thể tiểu thuyết Kim Dung, Vu Chính tiếp tục áp dụng công thức “hứng chịu gạch đá” để gây chú ý. Đọng lại sau cùng từ tác phẩm là tạo hình “xấu đến hài hước” của nữ chính Trần Nghiên Hy. Bên cạnh đó, “biên kịch vàng” còn cải biên tới mức khó chấp nhận khi cho Dương Quá (Trần Hiểu) tán tỉnh Lý Mạc Sầu (Trương Hinh Dư), hay Hoàng Dược Sư (Lý Minh Thuận) ngoại tình với Mai Siêu Phong (Dương Dung).
Thần điêu đại hiệp (1998): Tác phẩm do Đài Loan và Trung Quốc hợp tác sản xuất, với sự tham gia diễn xuất của Nhậm Hiền Tề và Ngô Thanh Liên. Trong tám lần chuyển thể trên màn ảnh của Thần điêu đại hiệp, đây là phiên bản kém tiếng, ít được công chúng quan tâm. Ở thời điểm ra mắt, phim mất điểm trầm trọng do để nàng Tiểu Long Nữ - Ngô Thanh Liên mặc trang phục đen tuyền. Tạo hình bị nhận xét làm mất đi nét khí chất thần tiên của vị chưởng môn phái Cổ Mộ.
Tân Thiên long bát bộ (2013): "Sau khi xem Tân Thiên long bát bộ được 10 phút, tôi phải chạy vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo", đạo diễn nổi tiếng Cao Quần Thư gay gắt nhận xét. Phiên bản hứng chịu không ít lời chê bai từ phía khán giả vì bị cải biên quá mức thành ngôn tình sến sẩm, kỹ xảo giả tạo.
Ngay từ giai đoạn khởi quay, Tân Thiên long bát bộ đã bị khán giả phản đối khi chọn diễn viên kém sức nặng như Chung Hán Lương, Kim Kibum, Trương Mông, cũng như tạo hình màu mè, lòe loẹt và hở hang của các nhân vật. Trước làn sóng chê bai quá đỗi nặng nề, Kim Dung về sau phải đích thân chấp bút, cứu vớt đứa con tinh thần và chỉ nhận thù lao tượng trưng 1 NDT. Tuy nhiên, tình hình cũng không khá lên là bao. Tác phẩm trở thành bản chuyển thể dở nhất trong lịch sử thương hiệu Thiên long bát bộ.
Tuyết sơn phi hồ (2007): Với “thành tích” cải biên truyện Kim Dung, Vương Tinh tiếp tục gây tranh cãi khi biến tác phẩm kiếm hiệp thành cuộc chiến tình yêu tay tư giữa Hồ Phỉ (Nhiếp Viễn) và ba cô gái Viên Tử Y (Chu Ân), Miêu Nhược Lan (An Dĩ Hiên), Trình Linh Tố (Chung Hân Đồng). Theo Sina, ông thực tế đã kết hợp nội dung của hai cuốn Tuyết sơn phi hồ và Phi hồ ngoại truyện vào cùng một phim, rồi thêm thắt, thay đổi số phận và tính cách của nhiều nhân vật. Chẳng hạn, từ một nhân vật phụ với ngoại hình xấu xí trong nguyên tác, Trình Linh Tố bỗng trở nên xinh đẹp và cướp luôn đất diễn của nữ chính Miêu Nhược Lan.
Theo Zing