Các cô gái Trung Quốc dao kéo bất chấp hậu quả để kiếm việc, lấy chồng

Theo CNN, các ứng dụng phẫu thuật thẩm mỹ ảo đã đẩy số người quyết định dao kéo tại Trung Quốc từ 7 triệu lên 25 triệu chỉ trong 5 năm (2014-2019).

Wu Xiaochen (sinh ra tại Thẩm Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc) hiện là người mẫu kiêm doanh nhân 30 tuổi ở Bắc Kinh. Để có được ngoại hình như hiện tại, Wu trải qua hơn 100 ca phẫu thuật khác nhau kể từ năm 14 tuổi. Mặc dù đã bỏ ra 4 triệu nhân dân tệ (khoảng 574.000 USD) cho dao kéo, cô vẫn không hối hận mà ngược lại cảm thấy tự tin hơn rất nhiều.

Tại Trung Quốc, các cô gái cảm thấy ám ảnh với việc "mình chưa đủ đẹp" ngày càng nhiều. Theo họ, phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ giúp bản thân nổi bật, mà còn đồng nghĩa với việc có nghề nghiệp tốt hoặc người chồng tử tế. Thực tế đó phổ biến đến mức quốc gia này tổ chức không ít cuộc thi sắc đẹp cho hội phụ nữ dao kéo.

Các cô gái Trung Quốc dao kéo bất chấp hậu quả để kiếm việc, lấy chồng-1
Wu Xiaochen đã trải qua hơn 100 cuộc phẫu thuật từ năm 14 tuổi để có ngoại hình như hiện tại. Ảnh: CNN.

Theo Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc, vào năm 2014, hơn 7 triệu người Hoa đã tìm đến dịch vụ này. Con số đó tiếp tục lên tới gần 16,3 triệu chỉ sau 3 năm. Tổng doanh thu từ ngành công nghiệp này dự kiến vượt 360 tỷ nhân dân tệ (52 triệu USD) vào năm 2023.

Internet cũng khiến người trẻ ngày càng mong muốn hoàn thiện nhan sắc hơn, theo Stephanie Lam - bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Hong Kong. Những ứng dụng chỉnh sửa ảnh hay livestream góp phần thúc đẩy mọi người muốn loại bỏ khiếm khuyết cơ thể để "được giống như hình selfie" hơn. Nhu cầu lớn như vậy nhưng tìm kiếm thông tin tin cậy về phẫu thuật thẩm mỹ lại rất khó tại đất nước đông dân nhất thế giới.

Nở rộ ứng dụng phẫu thuật thẩm mỹ ảo

Tony DeGennaro - đồng sáng lập Công ty nghiên cứu thị trường Dragon Social, Trung Quốc - cho biết mọi người không còn tin tưởng vào các kết quả tìm kiếm trên mạng sau nhiều bê bối y khoa liên quan. Từ đó, các ứng dụng (app) trở thành nơi kết nối bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ không chính thức.

Các cô gái Trung Quốc dao kéo bất chấp hậu quả để kiếm việc, lấy chồng-2
Những ứng dụng phẫu thuật thẩm mỹ rất phổ biến tại Trung Quốc. Ảnh: Alltechasia.

Hiện nay, ngày càng có nhiều ứng dụng phẫu thuật thẩm mỹ xuất hiện tại Trung Quốc. GengMei là ứng dụng phổ biến nhất về lĩnh vực này với 36 triệu người dùng và thông tin của gần 20.000 bác sĩ phẫu thuật. Ứng dụng So-Young cũng được nhiều người tin tưởng khi sở hữu 2,47 triệu người dùng hàng tháng và gần 6.000 bác sĩ.

Không chỉ công bố phản hồi của những người đã làm phẫu thuật, GengMei và So-Young còn có cả hình ảnh trước - sau khi dao kéo, cũng như đánh giá từ bác sĩ. Ứng dụng GengMei còn có thể phân tích khuôn mặt để đưa ra gợi ý dao kéo, thậm chí giúp người dùng tiếp cận với khoản vay ưu đãi nếu còn băn khoăn về tài chính.

Theo thống kê của ứng dụng So-Young, phụ nữ trẻ là đối tượng chủ yếu tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó hơn một nửa là các cô gái dưới 26 tuổi đến từ thành phố hạng 2, 3 tại Trung Quốc. Họ mong muốn có ngoại hình nổi bật để hẹn hò, có công việc tốt và sẵn sàng chịu đau đớn nhằm sở hữu diện mạo mới.

Các cô gái Trung Quốc dao kéo bất chấp hậu quả để kiếm việc, lấy chồng-3
Phần lớn cô gái dưới 26 tuổi tại các thành phố hạng 2 hoặc 3 tại Trung Quốc là đối tượng tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: AFP.

Không chỉ nhằm vào người lớn, ứng dụng thẩm mỹ còn núp bóng dưới dạng các trò chơi cho trẻ em một cách tinh vi. Princess Plastic Surgery - ứng dụng trên nền tảng Android được thiết kế bởi Bravo Kids Media - là một trong hàng tá app về thẩm mỹ dành cho trẻ em. Hầu hết chúng đều yêu cầu người dùng thực hiện thay đổi nhan sắc bằng phẫu thuật thẩm mỹ cho nhân vật hoạt hình nào đó.

Theo Theverge, một ứng dụng có tên Phẫu thuật thẩm mỹ, Bác sĩ thẩm mỹ & Bệnh viện thẩm mỹ cho Barbie từng bị xóa khỏi iTunes Store sau khi nhận phản ứng dữ dội trên mạng. Nó đề cập đến cô gái có cân nặng quá lớn và yêu cầu người dùng giúp cô phẫu thuật thẩm mỹ để trở nên thon thả, xinh đẹp. Ứng dụng này được đề xuất cho trẻ từ 9 tuổi trở lên.

Dù vấp phải nhiều làn sóng phản đối mạnh mẽ vì liên quan đến trẻ em, các ứng dụng vẫn tiếp tục xuất hiện trên App Store và Google Play Store.

Các cô gái Trung Quốc dao kéo bất chấp hậu quả để kiếm việc, lấy chồng-4
Một số ứng dụng phẫu thuật thẩm mỹ dưới dạng trò chơi cho trẻ em bị phản đối dữ dội. Ảnh: Standard.

Rủi ro luôn rình rập

Theo nghiên cứu năm 2017 do Hiệp hội Tâm lý Mỹ công bố, sinh viên đại học ngày nay phải chịu mức độ lo lắng cao hơn so với các thế hệ trước. Một phần là do áp lực cần phải đạt được cuộc sống hoàn hảo như những người nổi tiếng trên phương tiện truyền thông.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tiếp xúc với hình ảnh hoàn hảo ở phương tiện truyền thông xã hội có thể làm gia tăng mối quan tâm về cơ thể và cảm giác xa lánh xã hội.

Các cô gái Trung Quốc dao kéo bất chấp hậu quả để kiếm việc, lấy chồng-5
Người trẻ ngày nay luôn bị ám ảnh bởi việc phải có cuộc sống hoàn hảo như trên mạng. Ảnh: UPI.

"Một trong những mối quan tâm của chúng tôi là việc các ứng dụng dễ dàng tạo ra hình ảnh đẹp mắt nhưng không thể đạt được. Điều đó dẫn đến kỳ vọng không thực tế về những gì phẫu thuật thẩm mỹ có thể làm được", Kate Harvey - cán bộ nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Sinh học Nuffield Anh - nói với The Verge.

Để có được vẻ ngoài mong muốn, nhiều phụ nữ quyết định lên bàn phẫu thuật, trong khi số khác lại chuyển sang dùng chất làm đầy axit hyaluronic. Tuy nhiên, không phải tất cả ca phẫu thuật đều thành công và họ nhận thức rõ về những câu chuyện kinh dị đằng sau cuộc phẫu thuật bất thành.

Các cô gái Trung Quốc dao kéo bất chấp hậu quả để kiếm việc, lấy chồng-6
Mạo hiểm với phòng khám không đạt tiêu chuẩn sẽ khiến nhiều người gặp rủi ro. Ảnh: AFP.

Một số phòng khám liên kết với các ứng dụng có thể sử dụng chất làm đầy không đạt tiêu chuẩn và thuốc tiêm chống lão hóa có chất gây kích ứng. Truyền thông Trung Quốc cũng thường đăng thông tin về các sự cố liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí là tử vong trong khi làm thủ thuật hay xảy ra ở những cơ sở làm đẹp nhỏ, hoạt động không giấy phép.

Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, 2.772 trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ bất hợp pháp đã diễn ra trong một năm từ tháng 5/2017. Điều này dẫn đến hơn 1.200 vụ truy tố hình sự.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/cac-co-gai-trung-quoc-dao-keo-bat-chap-hau-qua-de-kiem-viec-lay-chong-post1062373.html

Phẫu thuật thẩm mỹ

Tin tức mới nhất