Năm 2022, ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới ra thông báo chính thức cho phép thí sinh đã kết hôn, sinh con được dự thi. Ban tổ chức lý giải: "Chúng tôi tin rằng phụ nữ cần có quyền tự định đoạt cuộc sống và các quyết định cá nhân - đây không phải là rào cản đối với sự thành công của họ".

Bên cạnh đó, năm 2018 cuộc thi này cũng chào đón thí sinh chuyển giới đầu tiên tham dự là người đẹp Angela Ponce đến từ Tây Ban Nha. Năm nay, Hoa hậu Hoàn vũ 2023 tiếp tục có thí sinh chuyển giới thứ 2 tham dự đó là người đẹp Hà Lan - Rikkie Valerie Kollé.

Tuy nhiên, nhiều cuộc thi sắc đẹp vẫn ra quy định "cấm cửa" đối với người chuyển giới. Bên cạnh đó, việc người chuyển giới tham dự các cuộc thi sắc đẹp của phụ nữ đang tiếp tục gây tranh cãi.

Các cuộc thi sắc đẹp chấp nhận người chuyển giới chỉ là chiêu trò-1
Angela Ponce là người đẹp chuyển giới đầu tiên tham dự Miss Universe.

Chiêu trò gây chú ý

Ngày 24/7, ban tổ chức Hoa hậu Italia ra thông báo về quy chế của cuộc thi năm nay. Theo đó, ban tổ chức khẳng định cuộc thi sẽ không chào đón những thí sinh là người chuyển giới.

Bà Patrizia Mirigliani - người phát ngôn của cuộc thi cho biết chỉ những thí sinh "là phụ nữ từ khi mới sinh ra" mới được phép tham dự Hoa hậu Italia.

Bà Patrizia khẳng định các cuộc thi sắc đẹp chấp nhận thí sinh là người chuyển giới thực tế chỉ là chiêu trò đánh bóng tên tuổi để thu hút sự chú ý của truyền thông.

Các cuộc thi sắc đẹp chấp nhận người chuyển giới chỉ là chiêu trò-2Các cuộc thi sắc đẹp chấp nhận người chuyển giới chỉ là chiêu trò-3
Việc người chuyển giới tham gia các cuộc thi sắc đẹp của phụ nữ vẫn tiếp tục gây tranh cãi.

"Gần đây các cuộc thi sắc đẹp đang thu hút sự chú ý của truyền thông bằng cách sử dụng những chiến lược mà tôi cho rằng rất lố bịch. Cuộc thi Hoa hậu Italia sẽ không gây chú ý bằng cách đó", bà nói.

"Chừng nào tôi vẫn còn điều hành cuộc thi Hoa hậu Italia, chỉ những phụ nữ đúng nghĩa về mặt sinh học mới được tham gia, chứ không phải những người tự nhận mình là phụ nữ", bà Patrizia khẳng định.

Bà Patrizia tiết lộ kể từ khi ra đời, cuộc thi Hoa hậu Italia đã lường trước được quy chế về việc chỉ cho phép phụ nữ đúng nghĩa về mặt sinh học được tham dự.

“Có lẽ bởi vì khi đó người ta đã thấy trước rằng quy chuẩn về vẻ đẹp có thể trải qua những thay đổi, đàn ông cũng có thể chuyển giới thành phụ nữ", bà nói.

Bà cũng chỉ ra rằng trong những năm gần đây, Hoa hậu Italia đã nới lỏng các tiêu chuẩn của cuộc thi, cho phép phụ nữ có hình xăm, đeo khuyên tham gia cuộc thi.

“Những cô gái xăm mình, đeo khuyên được phép tham gia cuộc thi của chúng tôi. Điều đó thể hiện một phần cách nói chuyện cởi mở hơn về phụ nữ, nhưng chúng tôi không tạo điều kiện cho những thứ vượt quá quy chuẩn, quá nhiều là không tốt”, bà nói.

Tiếp tục tranh cãi

Việc cho phép người chuyển giới được tham gia các cuộc thi sắc đẹp của phụ nữ vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi trên các diễn đàn sắc đẹp.

Hôm 8/7, người đẹp Rikkie Valerie Kollé đăng quang ngôi vị Hoa hậu Hà Lan 2023. Cô là người chuyển giới, sẽ đại diện Hà Lan tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2023 tổ chức vào cuối năm nay. Cô cũng trở thành người chuyển giới thứ 2 trong lịch sử dự thi Hoa hậu Hoàn vũ, sau người đẹp Angela Ponce của Tây Ban Nha vào năm 2018.

Việc Rikkie Valerie Kollé đăng quang gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn sắc đẹp. Hà Lan là quốc gia cởi mở với người chuyển giới nên họ được tạo điều kiện để tham gia các cuộc thi nhan sắc.

Các cuộc thi sắc đẹp chấp nhận người chuyển giới chỉ là chiêu trò-4Các cuộc thi sắc đẹp chấp nhận người chuyển giới chỉ là chiêu trò-5
Hoa hậu Hoàn vũ Hà Lan 2023 Rikkie Valerie Kollé đối mặt nhiều chỉ trích vì là người chuyển giới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng. Họ cho rằng việc để một người chuyển giới tham dự cuộc thi sắc đẹp của phụ nữ là sai trái, khó chấp nhận.

Hôm 12/7, ông Nawat - chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế trả lời báo chí Philippines về việc có cho phép người chuyển giới tham gia cuộc thi của ông không. Ông Nawat thẳng thắn trả lời: "Tuyệt đối không”.

"Không một cuộc phẫu thuật nào có thể thay đổi DNA của một người. Người chuyển giới thành phụ nữ vẫn là đàn ông, và người chuyển giới thành đàn ông vẫn là phụ nữ", Ông Nawat chia sẻ.

Trước đó, Lupita Jones - người được xem là phụ nữ quyền lực đứng đằng sau thành công của giới hoa hậu ở Mexico và hiện là giám đốc quốc gia của tổ chức Mexicana Universal cũng từng thẳng thắn từ chối thí sinh chuyển giới.

"Dù tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính, thay đổi một số bộ phận giống phụ nữ, họ vẫn là người chuyển giới. Trong cuộc sống, ai cũng có không gian, chỗ đứng riêng. Tất nhiên là người chuyển giới không nên bị phân biệt đối xử. Họ xứng đáng được công nhận. Nhưng Mexicana Universal không phải là sân chơi của họ", Lupita Jones nói.

Phát ngôn của bà Lupita Jones gây tranh cãi trên mạng xã hội. Angela Ponce - Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha 2018, được biết đến là người chuyển giới đầu tiên trong lịch sử dự thi Miss Universe, đã thẳng thắn chỉ trích Lupita Jones.

Đáp lại, bà Lupita Jones vẫn cứng rắn: “Chúng tôi đã nhiều lần giải thích chuyện này và sẽ không thay đổi quan điểm".

Theo Tiền Phong