Tinh dầu sả, tinh dầu bạch đàn xanh pha loãng với nước phun có tác dụng đuổi muỗi. Ảnh: T.L

Chống muỗi bằng cách tự nhiên

Cả nước đã có 15 trường hợp tử vong trong số hơn 45.000 ca mắc. Số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh và diễn biến bất thường, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, miền Trung, Hà Nội. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả vẫn là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để xua đuổi muỗi, diệt muỗi ngoài việc sử dụng hóa chất, theo Trung tâm Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, mọi gia đình có thể sử dụng biện pháp tự nhiên từ việc sử dụng các thảo mộc khô, cây cỏ trong đời sống hàng ngày. Một vài nghiên cứu đã cho thấy muỗi không thích mùi rau bạc hà, mùi vỏ quýt, mùi hoa đinh hương… dùng loại này để khô cho vào túi lưới để vào các góc trong nhà mình có tác dụng xua đuổi muỗi khá hiệu quả.

Các gia đình có thể dùng cách đốt tạo khói và hương đuổi muỗi, chống muỗi trong nhà bằng các loại cây, vỏ cây sau:

+ Bưởi, lá náng hoa trắng, bèo cái, cây ngải hoa vàng hoặc thanh cao phơi khô, đốt lấy khói hun cũng có tác dụng xua đuổi muỗi.

+ Bồ kết phơi khô, cây hương nhu, cây gỗ thơm, vỏ bưởi, bã mía... đốt tạo khói trong nhà. Có thể đốt vào thời điểm buổi chiều tối hoặc trước khi đi ngủ. Lưu ý đốt với số lượng vừa phải để tạo ra một làn khói thoang thoảng trong nhà, tránh bị ngạt. Cách này không chỉ làm nhà có mùi thơm tự nhiên mà còn làm các loài côn trùng khác trong nhà như ruồi, gián, kiến... không có chỗ ẩn náu buộc phải bay ra khỏi nhà.

+ Dùng tinh dầu sả, tinh dầu bạch đàn xanh pha loãng với nước để phun. Hoặc tự làm dung dịch đuổi muỗi bằng sử dụng các nguyên liệu: Bách bộ 50g, nghể 20g, vỏ cổ giải 16g, rễ cây thuốc cá 16g, rễ cóc kèn 16g, dành dành bóng 20g cùng với 2 lít nước sắc thành dung dịch phun vào những nơi nhiều ruồi, muỗi.

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết, muỗi là loài vật hướng quang, thích ánh sáng có thể sử dụng đèn bắt muỗi. Chúng thích sống trong môi trường nóng, tối và ẩm, ngày ẩn đêm ra nên buổi tối có thể áp dụng biện pháp tắt đèn trong nhà, mở cửa sổ để muỗi bay ra khỏi nhà, sau đó đóng kín cửa và cửa sổ để tránh muỗi bay vào. Mỗi gia đình nên mua chiếc bóng đèn compact để dẫn dụ muỗi. Ở nơi nhiều muỗi, bạn có thể đặt một hộp dầu con hổ hoặc chai dầu gió, muỗi ngửi thấy sẽ bay đi chỗ khác.

Cùng với đó, trong sinh hoạt hàng ngày mọi người nên chú ý mặc quần áo trắng hoặc nhạt màu. Loại quần áo này có tính phản quang mạnh, có tác dụng đuổi muỗi chống muỗi. Tắm rửa thường xuyên để người ít mồ hôi vì người có mồ hôi thì muỗi sẽ bay đến. Nếu có điều kiện nên sử dụng lưới chống muỗi. Việc dùng các loại thuốc chống muỗi dưới dạng kem bôi hay xịt cũng tốt nhưng cần tránh lạm dụng vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến da.

Các gia đình cũng nên trồng một số cây trong nhà có khả năng đuổi muỗi vì mùi hương mà chúng toát ra, khiến muỗi sợ và tránh xa. Chẳng hạn trồng cây sả , cây hương nhu trắng, cây húng quế… ở những chỗ ẩm ướt nơi muỗi hay trú ẩn sinh sản ở quanh vườn, cạnh bể nước. Hoặc bạn có thể đặt trong phòng nhà một bồn hoa dạ lan, bạc hà… Các loại cây này dễ trồng vừa làm đẹp không gian vừa có tác dụng đuổi muỗi.

Giữ vệ sinh môi trường sạch

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, muỗi bùng phát có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản là do môi trường. Vệ sinh môi trường sạch có thể diệt muỗi 70%.

Môi trường sinh trưởng của muỗi chủ yếu là những nơi ẩm ướt, có nguồn nước, các dụng cụ để chứa đồ… Theo đó, cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước là đã có thể giảm lượng lớn muỗi sinh sống. Các chum, vại để nước nếu không cọ rửa mà chỉ đổ nước không thôi thì trứng vẫn bám vào và khi gặp môi trường nước thì tiếp tục sinh sôi.

Chú ý loại bỏ các vật dụng có thể là nơi trú ngụ của muỗi như lọ hoa, cây phát lộc, bát nước, phi vại, các phế liệu bị vỡ... Các hố ga thì rắc vôi bột. Về mặt sinh học, người dân có thể áp dụng phương pháp thả cá vào bể nước để cá ăn bọ gậy, thay nước thường xuyên rồi cọ rửa để diệt nơi trứng muỗi sinh sôi; rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

Nếu có dịch bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra bùng phát, biện pháp diệt muỗi đuổi muỗi ở các khu vực này chỉ có cách phun thuốc muỗi ngay và phun thuốc muỗi định kỳ. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất diệt muỗi, các chuyên gia khuyến cáo các gia đình không nên tự ý mua hóa chất về phun hoặc thuê người đến nhà phun hóa chất diệt muỗi. Bởi nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình, thậm chí không rõ nguồn gốc hóa chất thì sẽ không có tác dụng mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khi phun cần phải che đậy đồ ăn, thức uống trong nhà, người nhà phải ra ngoài hết và không được ở trong nhà trong vòng 2 tiếng để đảm bảo không bị dị ứng, ngộ độc. Sau khi phun, đóng cửa để đạt hiệu quả phun cao hơn.

Môi trường sinh trưởng của muỗi chủ yếu là những nơi ẩm ướt, có nguồn nước, các dụng cụ để chứa đồ. Vì vậy cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước là chum, vại đã có thể giảm lượng lớn muỗi sinh sống. Cọ rửa thật sạch đồ đựng nước tránh trứng vẫn bám vào, khi gặp môi trường nước thì sinh sôi.
Chú ý trong nhà cần loại bỏ các vật dụng có thể là nơi trú ngụ của muỗi như lọ hoa, cây phát lộc, bát nước, phi vại, các phế liệu bị vỡ... Các hố ga thì rắc vôi bột. Về mặt sinh học, người dân có thể áp dụng phương pháp thả cá vào bể nước để cá ăn bọ gậy, thay nước thường xuyên rồi cọ rửa để diệt trứng muỗi sinh sôi.

Theo Giadinh.net