Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ nhiễm hóa chất, bạn có thể quan sát bằng mắt thường.
Giá đỗ ngâm hóa chất thường mập, to tròn, bóng bẩy, thân đều đặn, đẹp mắt nhưng rất giòn và dễ gãy. Trong khi đó, giá đỗ sạch thường gầy hơn, không bóng, thân cứng và khó đứt gãy.
Giá đỗ sạch được ủ truyền thống từ 3-5 ngày, cọng nhỏ, dài khoảng 3-7 cm, có nhiều rễ do hút nước, trong khi giá đỗ ngậm thuốc kích thích chỉ cần 1-2 ngày rễ ngắn hoặc ít rễ hơn.
Về màu sắc, giá đỗ sạch có màu vàng nhạt tự nhiên, trong khi giá đỗ ngâm hóa chất thường có màu trắng sứ, trông bóng bẩy hơn. Khi ăn, giá đỗ sạch có vị ngọt thanh, giòn, đặc và nhiều nước, còn giá đỗ ngâm hóa chất thường xốp, khô, ăn không thơm và ít ngọt.
Giá đỗ là thực phẩm giàu protein. (Ảnh minh họa)
Giá đỗ là thực phẩm giàu protein, chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Việc sử dụng giá đỗ hoặc mầm ngũ cốc còn giúp tăng giá trị dinh dưỡng và khả năng hấp thụ dưỡng chất từ các loại đậu, ngũ cốc.
Giá đỗ thường được làm ở nhiệt độ 30-35 độ C, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Với thói quen ăn giá sống mà không rửa sạch kỹ lưỡng, người dân dễ bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn hoặc hóa chất tồn dư.
Để an toàn, chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn giá đỗ đã chế biến hoặc chần qua nước sôi. Trước khi ăn giá đỗ nên rửa và ngâm nước sạch kèm theo một chút muối trước khi sử dụng. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ từ vi sinh vật và hóa chất còn sót lại.
Theo VTC