Tết Nguyên Đán - Xuân Mậu Tuất 2018

Cách sơ chế và nấu món canh măng khô vừa ngon vừa giúp loại bỏ độc tố bạn cần nên biết

Chế biến măng khô như thế nào để vừa ngon vừa giúp loại bỏ hết độc tố (nếu có) trong măng để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà?

Đối với các quốc gia phương Đông, măng là một trong những món ăn khá thông dụng. Ở nước ta, măng tươi hoặc khô cũng là một trong những nguyên liệu được dùng khá phổ biến để chế biến món ăn và được rất nhiều người ưa thích. Đặc biệt là trong dịp Tết nguyên đán, thật thiếu sót nếu như trên mâm cỗ những ngày đầu năm mới lại thiếu món canh măng. Vậy chế biến măng khô như thế nào để vừa ngon vừa giúp loại bỏ hết độc tố (nếu có) trong măng để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà?

Cách sơ chế và nấu món canh măng khô vừa ngon vừa giúp loại bỏ độc tố bạn cần nên biết-1

Cách chọn măng khô ngon

Để có đươc món măng ngon thì khâu chọn măng khô cũng vô cùng quan trọng. Có 2 loại măng khô, măng lá và măng lưỡi lợn. Tùy vào khẩu vị, sở thích mà bạn có thể lựa chọn loại măng thích hợp để chế biến món ăn cho gia gia đình. Tuy nhiên, dù mua loại nào thì bạn cũng cần lưu ý nên chọn măng còn giữ được mùi đặc trưng vốn có của chúng, có màu vàng nâu nhạt hay màu hổ phách và có độ bóng láng. Chọn nhiều phần ngọn, măng búp có màu đều nhau, đốt ngắn, không có xơ. Khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay và có thể bẻ gãy được.

Cách ngâm và luộc măng khô nhằm giúp loại bỏ độc tố

Măng khô trước khi ngâm nước nên được rửa sạch. Trong quá trình ngâm, măng sẽ tiết ra nước màu vàng, thế nên chúng ta cần phải thường xuyên thay nước và rửa lại măng để loại bỏ những hợp chất gây đắng. Thời gian ngâm măng thường kéo dài khoảng 1 tuần. Một mẹo nhỏ giúp rút ngắn thời gia là bạn có thể ngâm măng khô bằng nước vo gạo, cách này vừa giúp măng nhanh nở vừa sạch và mềm hơn.

Cách sơ chế và nấu món canh măng khô vừa ngon vừa giúp loại bỏ độc tố bạn cần nên biết-2

Măng khô sau khi ngâm mềm cần phải được rửa sạch và cho vào nồi nước đun sôi. Khi nước sôi, tiếp tục nấu nhỏ lửa trong khoảng 1 giờ. Trong quá trình nấu, nếu nước trong nồi cạn thì cần cho thêm nước để măng luôn ngập trong nước. Sau khi nấu xong cần đổ măng ra rổ và tiếp tục rửa cho hết nước màu vàng đậm. Rồi lại tiếp tục cho măng vào nấu thêm vài lần cho đến khi chín mềm.

Sau khi măng đã mềm, đổ ra rổ, rửa sạch lại với nước rồi để ráo. Sau đó cắt bỏ phần măng già và tước nhỏ hoặc thái miếng (tùy sở thích) để chế biến các món ăn.

Cách nấu món canh măng khô truyền thống miền Bắc “đúng chuẩn”

Canh măng khô là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết ở miền Bắc của nhiều gia đình. Vị đậm đà, nóng hổi nên rất thích hợp cho bữa cơm trong những ngày se lạnh ở miền Bắc. Hãy tham khảo ngay cách nấu món canh truyền thống này để cả gia đình cùng thưởng thức nhé.

Cách sơ chế và nấu món canh măng khô vừa ngon vừa giúp loại bỏ độc tố bạn cần nên biết-3

Nguyên liệu:

- Măng khô: 500gr.

- Móng giò: 1 cái.

- Xương: 300gr.

- Gia vị: muối, nước mắm, bột ngọt, hạt nêm, tiêu và hành củ.

Cách thực hiện:

- Cho hành củ vào phi thơm với dầu sau đó cho măng khô đã ngâm, luộc và thái miếng vừa ăn vào xào nhỏ lửa, nêm thêm chút muối, nước mắm và một ít hạt nêm cho măng ngấm gia vị.

- Móng giò và xương rửa sạch sau đó trần qua nước nóng có pha ít muối để khử mùi hôi và khi hầm xương nước dùng sẽ trong hơn.

- Cho móng giò và xương vào nồi nấu nhỏ lửa trong khoảng 30 phút. Khi ninh xương và móng giò bạn nên lưu ý phải vớt hết bọt để nước canh được trong và nước dùng có mùi thơm.

- Sau khi nấu móng giò và xương khoảng 30 phút thì cho măng khô đã xào trước đó vào nồi, tiếp tục nấu đến khi măng, móng giò và xương mềm nhừ nêm nếm gia vị lại cho thật vừa miệng là được.

Cách sơ chế và nấu món canh măng khô vừa ngon vừa giúp loại bỏ độc tố bạn cần nên biết-4

Với những gợi ý ngâm và luộc rồi chế biến măng khô như trên, hy vọng bạn sẽ nấu được những món ăn ngon và đảm bảo sức khỏe cho mọi người thưởng thức trong những ngày Tết sum vầy bên gia đình.

Theo Thethaovanhoa


Món canh ngon món ngon mỗi ngày Tết Nguyên Đán

Tin tức mới nhất

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Tết Nguyên Đán - Xuân Mậu Tuất 2018