Thay vì chọn mua bánh ở các hiệu bánh gia truyền hoặc các hãng tên tuổi, một vài năm trở lại đây, nhiều bà nội trợ lại chuyển hướng sang ưa chuộng bánh trung thu handmade "nhà làm". Họ không tiếc thời gian, công sức, theo đuổi nhiều khóa học làm bánh với hy vọng có thể tự tay làm ra những chiếc bánh dẻo, bánh nướng thơm ngon, vừa để phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa để làm quà biếu, tặng mọi người.

Chị em tranh thủ đi học làm bánh trung thu

Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm hiện tại còn cách Trung thu khá xa (khoảng gần 2 tháng) nhưng dịch vụ dạy làm bánh Trung thu tại Hà Nội khá nhộn nhịp. 

ABC_7053-25548
Cơn sốt chuộng bánh "handmade" lên cao khiến nhiều chị em, ngay trong giờ hành chính cũng trốn việc để đi học làm bánh.

Chị Nguyễn Thị Thảo (Đống Đa - Hà Nội) tâm sự: "Tôi tranh thủ một lúc buổi trưa để đi học làm bánh. Thấy lịch học chỉ kéo dài có 2 buổi nên cũng muốn tranh thủ học nhanh, biết cách làm rồi mày mò thêm, hy vọng Trung thu này sẽ có được mẻ bánh handmade như ý".

Tương tự, chị Huệ, 30 tuổi ở Tây Hồ cho biết mình từng theo học một số lớp dạy làm bánh nhưng vẫn muốn học thêm để tìm hiểu các bí kíp của những cửa hàng đông khách. "Tôi hay chọn các hiệu bánh đông khách và được nhiều người khen để theo học. Đi học mới thấy, mỗi nơi đều có một cái hay riêng nhờ những bí kíp gia truyền", chị Huệ nói.

ABC_7005-c2696
Mỗi buổi học kéo dài 2 giờ với mức giá dao động từ 100.000 đến 250.000 đồng/học viên.

"Tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa cũng đi học được 2 buổi rồi, bây giờ cũng khá vững tay làm bánh nướng rồi đấy. 2 buổi tới tôi sẽ học kỹ hơn cách làm bánh dẻo”, chị Minh Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hào hứng nói.

Chia sẻ về lý do thích mày mò học cách tự làm bánh, đa phần các chị em đều tâm sự rằng mấy năm nay, trong nước và trên thế giới đã xảy ra quá nhiều vụ làm bánh Trung thu bẩn bị phanh phui, vì thế, tâm lý người tiêu dùng cũng có phần dè dặt hơn. "Tôi có cảm giác là miếng bánh do mình làm ra bao giờ cũng yên tâm hơn và ăn được thoải mái, đã cơn thèm cả năm mới làm được một lần", chị Huệ tâm sự.

Chủ tiệm kiếm bộn tiền
 
Nắm bắt thị hiếu của khách hàng, vào những dịp cận Tết Trung thu, nhiều tiệm bánh tại Hà Nội ồ ạt mở thêm dịch vụ khác dạy làm bánh. Các gói dịch vụ này cũng khá phong phú với nhiều mức giá khác nhau. Thông thường, một khóa học sẽ kéo dài 2 buổi (một buổi học làm bánh nướng, một buổi học làm bánh dẻo). Đây là các lớp học dạng căn bản. Một lớp chỉ có từ 5-6 người theo học. Chương trình học chủ yếu xoáy vào cách làm bánh với những loại nhân truyền thống như thập cẩm, đậu xanh, trà xanh, khoai môn...

Riêng các khóa học được một số hiệu làm bánh giới thiệu là "khóa học VIP" thường có thời gian đào tạo lâu hơn, trung bình là từ 4 đến 6 buổi. Các khóa học "dài hơi" này thường đánh vào thị hiếu muốn học làm bánh ngoại của khách hàng, phổ biến nhất là bánh ngàn lớp của Nhật. 

ABC_7066-8f095
Đối với các lớp học làm bánh cơ bản, học viên sẽ được trải nghiệm quy trình làm bánh nướng, dẻo với các loại nhân truyền thống như thập cẩm, đậu xanh...

ABC_6989-90574
Theo nhiều người, thông thường, mỗi quán sẽ có một bí quyết riêng và đó chính là điều thu hút họ hơn là các công thức trong sách hoặc được đăng trên mạng internet.

Tùy theo thời gian đào tạo mà giá cả các khóa học có sự chênh lệch tương đối rõ rệt. Các lớp học dành thời gian cho ứng viên được trải nghiệm toàn bộ công đoạn làm bánh thường có mức giá khá cao, từ 300.000 đến 500.000 đồng/khóa (2 buổi). Đối với các lớp học đã chuẩn bị sẵn đầy đủ nguyên liệu và học viên chỉ tham gia một số công đoạn làm bánh, giá cả thường rẻ hơn khá nhiều, khoảng 100.000 - 300.000 đồng/khóa (2 buổi).

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu học cấp tốc của một số chị em, nhiều tiệm bánh cũng mở ra các lớp học riêng lẻ dạng 1 buổi chừng 80.000 đồng/buổi với số lượng người học tối thiểu từ 15-20 người. Sau mỗi buổi, người học có thể có ngay những chiếc bánh Trung Thu thành phẩm mang về nhà. Đồng thời, học viên có thể trực tiếp mua nguyên liệu, khuôn bánh, dụng cụ, hộp đựng… ngay tại một số nơi dạy nếu muốn làm bánh tại nhà.

ABC_7017-86968

ABC_7011-bbf17

ABC_7020-86968

ABC_7023-86968
Đối với các khóa học chất lượng cao, khách hàng có cơ hội được thực hành toàn bộ thao tác làm ra một chiếc bánh hoàn chỉnh.

ABC_7033-0d224
Theo anh Thịnh, trong tất cả các khâu làm bánh nướng, việc nướng bánh là quan trọng nhất. "Khi nướng phải cân nhiệt độ sao cho chuẩn với khối lượng và độ ẩm của bánh. Không nướng quá kỹ hoặc quá nhanh khiến bánh bị nứt, cháy hoặc bị sống". Ngoài ra, anh Thịnh cũng chia sẻ một số bí kíp khác ví dụ như khi nấu nước đường làm bánh thì nên vắt một chút nước cốt chanh để nước đường có độ mềm và cân bằng độ ngọt. 

ABC_7039-25548
Thời gian học mỗi buổi không nhiều, thông thường chỉ từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Giá cao và thời gian học hạn chế nhưng nhiều chị em vẫn tỏ ra khá thích thú với dịch vụ học cách làm bánh này.

Anh Chát A Thịnh, chủ một hiệu bánh Trung thu trên phố Nguyễn Huy Tự (Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết, bắt đầu từ năm 2010, cửa hàng của anh luôn có đông khách đến học làm bánh. Năm nay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh bắt đầu mở lớp dạy từ tháng 7, dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 9 và chỉ dừng lại vào tuần cận Tết Trung thu.

"Mỗi buổi học mình thường kèm được 5 học viên. Một tuần sẽ mở ra từ 3 đến 4 buổi dạy như vậy nhưng vẫn không đủ đáp ứng được nhu cầu của khách vì số lượng đăng ký qua email luôn ở trong tình trạng quá tải", anh Thịnh nói.

Giá mỗi buổi học tại tiệm bánh của anh Thịnh là 200.000 đồng/học viên. Thời gian học chỉ kéo dài 2 tiếng nên một ngày, chỉ mất 4 tiếng đứng lớp, anh Thịnh đã cầm chắc trong tay thu nhập khoảng 2 triệu đồng.

ABC_6986-2c60f
Tất cả các nguyên liệu phải được cân đo, đong đếm cẩn thận. Chỉ cần sai lệch một chút, sản phẩm làm ra sẽ thua kém hẳn về mẫu mã và chất lượng so với những chiếc bánh làm theo đúng tỷ lệ. Theo nhiều đầu bếp, làm bánh Trung thu là cả một nghệ thuật phức tạp mà trong đó, mỗi công đoạn đều có bí kíp riêng. "Ví dụ như trong bánh nhân thập cẩm thường có mỡ phần, loại mỡ này phải luộc chín, ướp đường và đem phơi vào lúc nắng nóng nhất thì sẽ ngon hơn. Hoặc khi chọn mứt bí, hạt sen, dạt dưa cũng cần tinh ý để chọn loại ngon nhất. Lúc làm nhân thì phải ủ khoảng 30 phút rồi đem xào cho săn lại...", anh Hoàng Văn Minh nói.

Không riêng gì anh Thịnh, rất nhiều hiệu bánh khác tại Hà Nội cũng đang bước vào "mùa hốt bạc" nhất trong năm nhờ dòng người đổ xô đi học cách làm bánh. Với những lời quảng cáo "truyền thụ bí kíp độc đáo", họ thu tới 500.000 đồng/1 buổi/học viên, trong khi đó, tất cả đều là các khóa học cơ bản, chỉ kéo dài 2 buổi, mỗi buổi 2 tiếng.

Anh Hoàng Văn Minh (chủ hiệu bánh trên đường Nguyên Hồng - Ba Đình - Hà Nội) chia sẻ: "Mấy năm trước giá dịch vụ dạy làm bánh cũng đã khá cao rồi, chưa kể hiện nay do các loại nguyên liệu dùng dạy học đều tăng, vì thế, việc nâng giá là hết sức bình thường".

ABC_7088-3be0e
Việc nướng bánh được các đầu bếp đánh giá là quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của toàn mẻ bánh. Tuy nhiên, nếu muốn đạt kết quả hoàn mỹ, người đầu bếp phải tuân thủ đúng theo các tỷ lệ về khối lượng, thời gian, chọn lựa kỹ nguyên liệu và cắt thái chúng đều tay.

ABC_7002-c2696
Những học viên cẩn thận ghi chép các công thức và "bí kíp" học được từ đầu bếp.

Theo anh Minh, mỗi buổi dạy làm bánh của tiệm anh có giá 250.000 đồng/người. Nhờ đông khách, mỗi tuần, anh Minh thu lời cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, chủ bánh này vẫn than thở: "Dịch vụ này cũng chỉ mang tính nhất thời nhưng vì dạy học kiếm cơm mà mình cũng bị mai một đi rất nhiều bí kíp gia truyền. Nhiều khi không biết nên vui hay nên buồn".

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chủ tiệm, sau khi hoàn thành các khóa học này, nhiều người sẽ không thể nắm vững cách làm bánh handmade vì thời gian học quá ngắn. "Các chủ quán rất thông minh nên ít khi họ tiết lộ bí quyết thật sự của mình, nhất là đối với những khóa học ngắn ngày, giá rẻ. Theo tôi, nếu đã mất công đi học, các chị em nên có thời gian và tiền bạc để đầu tư một cách bài bản hơn nhờ những khóa học chất lượng cao", anh Thịnh nói.

Theo trí thức trẻ