Hội Thánh Đức Chúa Trời

Cách truyền đạo theo phương thức đa cấp của 'Hội Thánh Đức Chúa Trời'

Cơ sở thờ tự là những căn phòng rộng được thuê với bàn ghế và tivi, máy chiếu. Người thuyết giảng ăn mặc sang trọng, vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp cho tín đồ nhẹ dạ tin theo.

Không chỉ các bà nội trợ và học sinh, sinh viên mới dễ tin theo hội thánh, nhiều nam giới có học thức và công việc ổn định cũng sẵn sàng bỏ bê công việc để gia nhập "Hội Thánh của Đức Chúa Trời".

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước xuất hiện một số nhóm người đi rao giảng về "Hội Thánh Đức Chúa Trời" với những giáo lý kỳ quặc, phi khoa học. Không ít người tin theo và lôi kéo, dụ dỗ bạn bè, người thân cùng tham gia hội này.

Dâng "Đức Chúa Trời" 1/10 thu nhập

Theo Công an Nhân dân, những người tham gia "Hội Thánh Đức Chúa Trời" hàng tuần phải đóng tiền cho nhóm trưởng theo tỷ lệ 1/10 thu nhập. Họ gọi đây là “dâng” cho Đức Chúa trời Mẹ giữ hộ, nhưng mục đích sử dụng vào việc gì thì không ai được phép hỏi.


Nhiều sinh viên tin vào luận điệu vô lý của "Hội Thánh Đức Chúa Trời" đến mức bỏ bê việc học, đi lang thang để truyền đạo khắp các cổng trường, công viên, trạm xe. Ảnh chụp màn hình.

Chỉ cần ngồi ở ghế đá công viên hay đi lang thang trong khuôn viên trường đại học, người dân có thể trở thành mục tiêu của những người truyền đạo.

"Người truyền đạo thường mang theo một cuốn sách gọi là Kinh Thánh. Sau khi đọc vài đoạn trích trong cuốn sách này, họ bắt đầu diễn giải ý nghĩa của cuốn sách với những thuật ngữ cao siêu như thiên đàng, chúa, ngày tận thế", Thùy Linh, nữ sinh viên từng bị dụ dỗ theo hội thánh kể lại.

Liệt kê ra những mặt trái của xã hội như tai nạn giao thông, giết người cướp của... những người truyền đạo nhấn mạnh cuộc sống hiện tại đầy rủi ro, bất trắc, từ đó khiến người nghe hoang mang, chọn cách theo đạo như một cứu cánh.

Chia sẻ với VTC, chị T. (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết chồng mình từ một người chăm chỉ, hiền lành bỗng trở nên vô cảm với người thân, luôn ảo tưởng về cuộc sống sau khi chết.

"Anh ấy luôn tâm niệm phải truyền tin cho càng nhiều người càng tốt, đây là việc lớn lao, cao cả. Lôi kéo người ngoài vào đạo được gọi là 'kết trái', mời được một người thì được một trái và được cộng điểm", chị T. chia sẻ.


Nguyễn Hoàng Trung và lọ đựng nước thánh được công an Hải Phòng thu giữ. Ảnh: CAND.

Ngày 21/4, Công an huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng phát hiện Nguyễn Hoàng Trung, 26 tuổi, trú ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, đang giảng giáo lý của hội Đức chúa trời Mẹ cho một nhóm hơn 10 người. Tại đây cơ quan chức năng thu giữ gần 1 triệu đồng được các tín đồ đóng vào phong bì để dâng lên "Đức Chúa Trời".

Cơ sở sinh hoạt của hội thánh gọi là Sion, thực chất là những căn phòng rộng được thuê với bàn ghế và tivi, máy chiếu. Người thuyết giảng ăn mặc sang trọng, vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp cho những người nhẹ dạ tin theo. Nạn nhân đôi khi là sinh viên vừa bỏ học, trải nghiệm sống còn non kém nhưng mở miệng ra là nói đạo lý cao siêu.

Số lượng tín đồ lan rộng khắp cả nước

Ngày 20/3, công an đã lập biên bản đối với Nguyễn Văn Đông (SN 1993)  và Trần Thị Huyền Trang (SN 1995) vì tổ chức rao giảng về "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ" trái pháp luật tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa.

Theo Người lao động, Trần Thị Huyền Trang vốn là sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội nhưng đã bỏ học, bị dụ dỗ tham gia và lang thang đi rao giảng "Hội Thánh Đức Chúa Trời".

Các nạn nhân bị dụ dỗ vào "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ" lập tức được trao cho xứ mệnh truyền đạo, tiếp tục dụ dỗ những nạn nhân tiếp theo.


Một buổi truyền đạo trái phép của "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ" tại Hải Phòng.  Ảnh: Công an Hải Phòng.

Theo An Ninh Thái Nguyên, "Hội Thánh Đức Chúa Trời" xâm nhập vào tỉnh này khoảng tháng 6/2015 do một thanh niên tên Lương Văn Tường, sinh năm 1986 điều hành. Tường không hề có giấy chứng nhận là chức sắc tôn giáo và không được phép truyền đạo của bất kỳ tôn giáo nào.

Tường dụ dỗ tín đồ trích ra 1/10 thu nhập của mình để nộp cho Tường như một dạng lễ vật gửi tới thánh thần. Khi bị lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra,  Tường bỏ đi khỏi địa phương và chỉ đạo cho cấp dưới tiếp tục hoạt động bí mật.

Tại Hải Phòng, Hội Thánh Đức Chúa Trời phát triển rầm rộ từ khoảng nửa năm trở lại đây và đang lan nhanh sang các tỉnh, thành, địa phương khác.

Còn tại TP HCM, mấy tháng gần đây, nhiều sinh viên sống tại khu vực làng đại học Thủ Đức cho biết họ bắt gặp nhiều người rao giảng về "Hội Thánh Đức Chúa Trời".

"Mình đang ngồi dưới sân ký túc xá ĐH Quốc gia TP HCM, hai bạn nữ lại hỏi có biết 'Đức Thánh Chúa Trời' không. Mình bảo không, bạn nữ cứ nói mãi về chuyện này và khuyên mình nên đi lễ. Các bạn còn cho mình trang web của hội”, Lâm Vân Nghiêm, sinh viên năm 2, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay.

Hiểm họa từ "đạo lạ"

Hội Thánh Đức Chúa Trời không phải là trường hợp đầu tiên pha tạp giáo lý, mượn uy tín của các tôn giáo lớn để chiêu mộ tín đồ.

Từ năm 1999 tại tỉnh Kon Tum, tà đạo Hà Mòn do bà Y Gyin, một tín đồ Công giáo làm nghề thầy cúng sáng lập, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tham gia. Dựa vào Kinh thánh và các tín điều của đạo Công giáo, những người đứng đầu đã tự biên soạn ra các tài liệu giáo lý như: “Thông điệp Đức mẹ hiện hình” hay “Sứ điệp Đức mẹ Maria”.

Luận điệu của đạo Hà Mòn là ai theo Đức mẹ thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, ốm đau không chữa cũng khỏi, người đã theo thì không được bỏ, nếu bỏ đạo gia đình sẽ ly tán.


Bà Y Gyin - người “đẻ” ra "tà đạo Hà Mòn". Ảnh: Quang Hồi.

Các lực lượng chức năng ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk đã phối hợp đấu tranh nhằm xóa bỏ tà đạo Hà Mòn. Từ cuối năm 2012, lần lượt những người cầm đầu đã bị bắt, riêng bà Y Gyin, kẻ bịa đặt ra câu chuyện "Đức Mẹ hiện hình", phải lĩnh án 3 năm tù.

Phần lớn đạo "lạ" ở nước ta có cách thức hành đạo trái với văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhằm mục đích gây thanh thế cá nhân, thu lợi bất chính về kinh tế.

Năm 2001, xuất hiện tà đạo mượn danh Bác Hồ có tên Hoàng Thiên Long do Nguyễn Thị Điền, sinh năm 1960 ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) thành lập. Bà Điền xúi giục người tham gia dỡ bỏ bát hương, bàn thờ tổ tiên...

Tài liệu của Công an huyện Ứng Hòa cho biết, bà Nguyễn Thị Điền từng làm nghề buôn bán nhỏ, sau đó làm ăn thua lỗ, bị bệnh đi khỏi địa phương. Hai năm sau, bà trở lại lập đạo và tuyên truyền khả năng chữa bách bệnh bằng cách uống... nước lã.

Mỗi tín đồ phải nộp số tiền 500.000 đồng. Sau đó phải “tùy lòng thành” góp tiền để xây dựng điện “Hoàng Thiên Long”. Mỗi lần đến làm lễ tại điện “Hoàng Thiên Long” phải đặt tiền lễ từ 20.000 đồng trở lên.

Một hội nhóm khác là Hội Tiên rồng do Võ Trọng Thái, sinh năm 1958 ở Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội) thành lập. Nội dung tuyên truyền Thái là con trời, phật Di lặc sống và là con Vua Hùng thứ 19 có nhiều quyền năng hô gió, gọi mưa.

Thái tuyên truyền những ai theo “Hội Tiên Rồng”, đeo thẻ bài, thờ biểu tượng “Cha rồng, mẹ tiên” thì sẽ làm ăn phát đạt, tránh được mọi bệnh tật, rủi ro.

Những tà đạo nói trên đều đi ngược với truyền thống văn hóa dân tộc, lừa gạt người dân bằng những lý lẽ hoang đường. Mục đích chính là để trục lợi, gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, khiến gia đình ly tán, xã hội bất ổn. Một số “tà đạo” bị các thế lực lợi dụng kích động hoạt động chống chính quyền.

Theo Zing


Hội Thánh Đức Chúa Trời mê tín dị đoan

Tin tức mới nhất

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Hội Thánh Đức Chúa Trời