Jo Jang Mi (hay BJ Jammi, 27 tuổi), streamer thuộc công ty quản lý Dia TV, được phát hiện chết tại nhà riêng vào đầu tháng 2, theo The Korea Times.

Hôm 6/2, một thành viên trong gia đình của Jo cho biết nữ streamer đã phải vật lộn với những chấn thương tâm lý sau thời gian bị bắt nạt trên mạng.

"Jang Mi đã bị trầm cảm nghiêm trọng vì những lời bình luận và tin đồn ác ý, khiến cô ấy tự tử. Gia đình sẽ thực hiện hành động pháp lý chống lại những người vu khống. Họ phải chịu trách nhiệm về việc lan truyền tin đồn và thông tin sai lệch về Jo", người này cho hay.

Cái chết của nữ streamer lột trần nạn bắt nạt ở Hàn Quốc-1
Jo Jang Mi qua đời ở tuổi 27. Ảnh: SBS.

Vụ việc trên một lần nữa nêu bật tính nghiêm trọng của vấn nạn bắt nạt trên không gian mạng xã hội tại Hàn Quốc. Trước cái chết của streamer 27 tuổi, nhiều người nổi tiếng, trong đó có ca sĩ, thần tượng, vận động viên, đã tự kết liễu đời mình sau khi trở thành nạn nhân của lạm dụng, chế giễu trực tuyến.

"Tôi không thể chịu đựng thêm nữa"

Jo Jang Mi tham gia nền tảng truyền thông với tư cách người sáng tạo nội dung, phát trực tuyến trò chơi điện tử vào năm 2019. Cô có hơn 290.000 người đăng ký trên Twitch và YouTube.

Jo đã bị người dùng Internet trên các cộng đồng trực tuyến dành cho nam giới như DC Inside và FM Korea cáo buộc là "nhà hoạt động nữ quyền" và liên tục bị bắt nạt trực tuyến sau đó.

Tháng 5/2020, Jo cho biết mẹ cô, người giúp cô quản lý phần bình luận trên trang cá nhân, đã tự sát do quá đau khổ khi thấy con gái bị tấn công bởi bình luận ác ý. Nữ streamer kêu gọi mọi người ngừng lăng mạ, chà đạp cô và gia đình.

Tuy nhiên, sự tấn công từ những kẻ ẩn danh trên mạng vẫn tiếp tục nhắm vào Jo, cho đến khi cô lựa chọn tự kết thúc đời mình.

Vài ngày trước cái chết của Jo, người hâm mộ thể thao Hàn Quốc bàng hoàng trước thông tin vận động viên bóng chuyền Kim In Hyeok qua đời hôm 4/2 tại nhà riêng ở Suwon, tỉnh Gyeonggi.

Cảnh sát kết luận cái chết của Kim là do tự tử.

Trong suốt một năm qua, vận động viên 28 tuổi đã nhiều lần bộc bạch về những tổn thương tâm lý mình phải chịu đựng.

Cái chết của nữ streamer lột trần nạn bắt nạt ở Hàn Quốc-2
Kim In Hyeok bị bắt nạt trực tuyến trong nhiều năm. Ảnh: @inhyeok0714.

"Tôi nghĩ tốt hơn là mình nên bỏ qua những hiểu lầm kéo dài hàng thập kỷ xoay quanh bản thân, nhưng tôi đã quá mệt mỏi với nó. Xin hãy dừng lại. Những bình luận ác ý đã quấy rối tôi trong nhiều năm. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa", anh viết trên trang cá nhân.

Dòng trạng thái của Kim đề cập đến những lời chỉ trích về ngoại hình cũng như tin đồn về giới tính của vận động viên. Anh cũng thường xuyên bị quấy rối vì nội dung khiêu dâm không hề liên quan đến mình tràn lan trên Internet.

Chỉ 0,06% kẻ bắt nạt bị giam giữ

Theo luật mạng thông tin của Hàn Quốc, những người bình luận ác ý có thể phải ngồi tù 3 năm hoặc bị phạt tới 30 triệu won vì tội phỉ báng.

Ngoài ra, quy định pháp luật cho phép phạt tù lên đến 7 năm và phạt tiền 50 triệu won đối với hành vi xúc phạm, nói xấu người khác.

Theo báo cáo của cảnh sát do nhà lập pháp Han Byung Do của Đảng Dân chủ Hàn Quốc dẫn chứng vào tháng 10/2021, hơn 75.000 trường hợp phỉ báng trên mạng đã được báo cáo trong vòng 5 năm qua.

Tuy nhiên, chỉ 69.3% các trường hợp được báo cáo bị bắt giữ, trong đó chỉ 0.06%, tương đương 43 người, bị giam giữ.

Cái chết của nữ streamer lột trần nạn bắt nạt ở Hàn Quốc-3
Tại Hàn Quốc, nhiều vụ việc bắt nạt trên mạng đã gây nên hậu quả chết người. Ảnh: iStock.

Năm 2019, vụ tự tử của các ngôi sao Kpop Sulli và Goo Hara liên quan đến những bình luận ác ý khiến công chúng đau buồn và trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông cũng như các nhà lập pháp.

Sau những vụ việc kể trên, ứng dụng Kakao đã xóa phần bình luận dưới các bài báo giải trí trên cổng thông tin Daum. Tương tự, Naver cũng xóa các bình luận có ngôn từ lăng mạ.

Nghiên cứu của Đại học Brigham Young (Mỹ) được công bố hồi tháng 6 năm ngoái cho thấy "những người hội tụ những tính cách đen tối (lòng tự ái cao, tính cách Machiavellianism, bệnh thái nhân cách) kết hợp với schadenfreude - một từ tiếng Đức có nghĩa là vui sướng trên nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác - có nhiều khả năng thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến hơn".

Theo Zing