Hé lộ tội ác

Khi đó, Thượng tá Tống Như Sơn vẫn còn là một trinh sát hình sự, anh nhớ như in đợt mưa to đầu tháng 5/2013 khiến nước ở các kênh, mương nước thải tại TP Ninh Bình ăm ắp.

Buổi sáng ngày 08/5/2013, từ trong cống thuộc kênh Đô Thiên, phường Nam Thành trôi ra 1 bao tải. Tình cờ có người dân vớt rác kéo chiếc bao lại thì phát hiện bên trong là xác 1 phụ nữ đang phân hủy, trong tình trạng 2 tay, 2 chân bị buộc dây, mồm bị buộc dây sắt, vòng phía sau đầu đeo 4 viên gạch.

Nhận tin cấp báo, Phòng CSHS đã huy động lực lượng xuống hiện trường để tổ chức hoạt động khám nghiệm và nắm tình hình vụ án. Qua khám nghiệm, xác định nạn nhân bị vật cứng đánh vào đầu, tạo nên 1 vết thương nứt sọ vùng đỉnh chẩm phải kích thước 4x1cm, tụ máu đỉnh chẩm phải 5x7cm, gây tử vong.

Cái chết thương tâm dưới dòng kênh của người đàn bà cho vay lãi-1
Thượng tá Tống Như Sơn - Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh Ninh Bình.

Đánh giá sơ bộ, lực lượng điều tra nhận định có khả năng nạn nhân bị giết hại do mâu thuẫn thù tức, tranh chấp kinh tế hoặc ghen tuông tình ái. Hung thủ đã giết hại nạn nhân tại địa điểm khác rồi đưa xác tới vất xuống dưới lòng cống để phi tang. Vì trận mưa to dưới lòng kênh nước chảy xiết đã đẩy xác nạn nhân ra bên ngoài làm phát lộ tội ác.

 Việc cần kíp lúc này là phải truy tìm được tung tích nạn nhân. Có biết được nạn nhân là ai mới dựng lên được các quan hệ xã hội, lịch trình sử dụng thời gian để lần ra manh mối thủ phạm. Chuyên án truy xét được xác lập sau đó một ngày.

Lực lượng điều tra hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, cùng Công an TP Ninh Bình đã huy động tối đa quân số tham gia phá án.

Nhờ làm tốt công tác nắm tình hình về các trường hợp công dân mất tích trên địa bàn, nên không lâu sau Ban chuyên án đã xác định được nạn nhân là bà Nguyễn Thị Mai – (SN 1952, trú tại phố 2, phường Vân Giang, TP Ninh Bình).

Bà Mai mất tích từ chiều ngày 26/1/2013, gia đình đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng và tổ chức tìm kiếm nhiều nơi nhưng vô vọng.

Tìm được nạn nhân, đã có những thông tin đầu tiên giúp cho việc làm rõ sự thật vụ án. Tuy nhiên do thời điểm án mạng xảy ra cho đến khi phát hiện đã qua nhiều ngày tháng, nơi phát hiện tử thi không phải hiện trường chính, quá trình khám nghiệm không thu giữ được dấu vết, vật chứng gì để truy nguyên thủ phạm…

Đó là những khó khăn khách quan mà lực lượng phá án phải đối diện trong hành trình giải mã tội ác này.

Nhận định chính xác

Những ngày sau, Ban chuyên án đã thành lập nhiều tổ công tác triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ.

Hoạt động nắm tình hình, lên danh sách rà soát tất cả các đối tượng trong diện nghi vấn, tập trung vào số có tiền án về tội giết người, cố ý gây thương tích, những trường hợp có bất minh về thời gian, kinh tế. Bên cạnh đó, việc xác minh về nạn nhân nhằm phát hiện thông tin liên quan được đẩy mạnh.

Tài liệu điều tra xác định bà Mai là cán bộ hưu trí, có 3 người con trai đều đã xây dựng gia đình, sống hòa thuận với nhau. Trong cuộc sống, bà Mai tính tình vui vẻ, sống hòa đồng với mọi người xung quanh, chưa phát hiện có mâu thuẫn với ai.

Các con nạn nhân cho biết trước khi mất tích, bà Mai hay soi gương và sử dụng son phấn, xăm mi mắt, nghi bà có quan hệ tình cảm với ai đó. Trinh sát tập trung xác minh vấn đề này nhưng không phát hiện được gì khả nghi.

Rà soát xác minh tại khu phố bà Mai sinh sống, có một nhân chứng cho biết vào khoảng 18h ngày 26/1/2013 bà Mai đi bộ qua nhà bà Hương, vì trời mưa nên bà Mai đã ghé vào mượn của bà Hương 1 chiếc ô màu xanh để đi có việc.

Gia đình cung cấp trước đó một lúc khi bà Mai đang ăn cơm ở nhà thì nhận được 1 cuộc điện thoại, sau đó bà Mai đi bộ khỏi nhà nhưng không nói cụ thể là đi đâu.

Để có căn cứ nhận định về diện hung thủ, Ban chuyên án đã yêu cầu những người thân của bà Mai cung cấp những thông tin, tài liệu liên quan đến công việc làm ăn, nợ nần của bà.

Được biết, bà Mai được thừa kế số tiền khoảng 1 tỷ đồng từ người chồng quá cố, bà đã dùng số tiền đó cho người khác vay để hưởng lãi.

Sau khi bà Mai mất tích, các con đã kiểm tra két sắt của bà, tìm thấy 1 quyển sổ tay màu xanh theo dõi các khoản tiền cho vay của bà. Trong đó có món vay của một người tên là “Hoàng Thị Lư” với số tiền tổng cộng 660 triệu đồng.

Người con trai út của bà Mai đã gọi điện thoại cho những người có tên trong sổ theo dõi công nợ của bà Mai, những người khác đều xác nhận khoản vay như trong sổ ghi nợ, riêng Hoàng Thị Lư chỉ nhận có vay của bà Mai số tiền 50 triệu đồng nhưng đã trả hết từ trước.

Gia đình cho biết Lư có chồng tên là Hiệp,  nhà ở thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, trước đây từng nhiều lần đến nhà chơi với bà Mai.

Từ những thông tin thu được, Ban chuyên án đã loại trừ khả năng bà Mai bị giết do mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn xã hội hoặc do tình ái, chỉ còn một giả thiết là bà Mai bị giết do mâu thuẫn về kinh tế.

Với nhận định này, lực lượng phá án đã hình thành 7 tổ trinh sát, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu để xác minh về 7 người có tên trong sổ ghi nợ của bà Mai.

Trong đó, “ưu tiên 1” là Hoàng Thị Lư (SN 1984, trú tại thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) bởi có những mâu thuẫn giữa thông tin trong sổ ghi nợ và sự phủ nhận của người này.

Trong hoạt động điều tra trọng án, việc đưa ra các đánh giá, nhận định về tính chất vụ án, diện hung thủ, động cơ gây án… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Có nhận định đúng thì hướng điều tra mới sát hợp và thu được kết quả, làm rõ tội phạm. Nhận định sai có thể đẩy cuộc điều tra vào “câu dầm, bế tắc”.

Cái chết thương tâm dưới dòng kênh của người đàn bà cho vay lãi-2
Các đối tượng Nguyễn Quang Hiệp và Hoàng Thị Lư - thủ phạm của vụ án.

Manh mối xuất hiện

Triển khai những biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu đối với Hoàng Thị Lư và chồng là Nguyễn Quang Hiệp – (SN 1979, là giáo viên thể dục tại một trường trên địa bàn huyện Hoa Lư), Ban chuyên án phát hiện ra những bất minh về kinh tế của họ.

Với đồng lương giáo viên và làm công nhân của vợ chồng Lư không đến 10 triệu đồng/tháng, nhưng cặp đôi này lại đứng tên trên 2 thửa đất và đang chuẩn bị vật liệu để làm nhà, trong khi bố mẹ và anh chị em nội ngoại điều kiện kinh tế đều bình thường, không có khả năng hỗ trợ về kinh tế cho họ.

Bên cạnh đó, vợ chồng Lư còn cho ông K. (trú tại thôn Cổ Loan Hạ, xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình) vay số tiền 250 triệu đồng với lãi suất 3 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày. Sau vài tháng, số nợ gốc và lãi mà ông K. phải trả Lư đã lên tới 5 trăm triệu đồng.

Vì ông K vẫn chưa trả được nợ nên Lư đã yêu cầu ông viết giấy nhận nợ của bà Mai (nạn nhân trong vụ án) số tiền này, Lư với vai trò là người bảo lãnh khoản vay và thế chấp cho bà Mai 1 sổ đỏ của lô đất đứng tên mình.

Tính đến ngày 9/1/2012, Lư đã yêu cầu ông K ký thêm 2 hợp đồng vay tiền với số tiền vay thêm là 50 triệu đồng và 110 triệu đồng. Số tiền trên trùng khớp với số tiền Lư vay của bà Mai như trong sổ ghi nợ của bà Mai.

Do ông K không trả được nợ và bỏ lên Sơn La làm ăn, nên số nợ gốc và lãi đã lên tới 850 triệu đồng. Tiến hành xác minh về các giao dịch trong ngày mất tích của bà Mai, bằng các biện pháp chuyên sâu, đã xác định chính Lư là người đã gọi cuộc điện thoại cuối cùng đến máy bà Mai.

Đánh giá toàn bộ tài liệu thu được, Ban chuyên án nhận định rất có thể vì Lư vay tiền của bà Mai để cho ông K vay lại, hưởng chênh lệch lãi suất. Nhưng vì ông K bùng nợ, dẫn đến việc Lư không có tiền trả cho bà Mai để lấy sổ đỏ thế chấp cho khoản vay 650 triệu về, nên đã giết bà Mai để trốn nợ và lấy lại tài sản thế chấp.

Từ phán đoán này, Ban chuyên án chỉ đạo tập trung lực lượng tiến hành rà soát xác định hiện trường chính của vụ án, đồng thời bố trí nhiều mũi trinh sát triển khai giám sát chặt chẽ mọi di biến động của Hiệp và Lư.

Thông qua nhiều hoạt động nghiệp vụ, Ban chuyên án nhận định hiện trường chính nơi bà Mai bị giết là ngôi nhà ở phố Tân Văn, phường Tân Thành, TP Ninh Bình, nơi mà vợ chồng Lư, Hiệp thuê trọ trước đây nhưng đã chuyển đi.

Tại gian bếp phía trong của ngôi nhà này, phát hiện có 1 chiếc chày bằng kim loại hình trụ dài 28cm, đầu to có đường kính 6cm, đầu nhỏ có đường kính 4cm. Vật này phù hợp với cơ chế hình thành thương tích trên cơ thể nạn nhân, nghi vấn chính là hung khí gây án.

Thêm một số “thao tác” nữa, lực lượng điều tra được biết diễn biến tư tưởng của vợ chồng Hiệp, Lư, sau ngày tìm thấy xác bà Mai rất đáng ngờ. Cả hai đều tỏ ra lo lắng, hoang mang, hay hỏi dò những người xung quanh về hoạt động điều tra của Công an.

Tin trinh sát còn cho biết ngày phát hiện ra xác bà Mai trên dòng kênh, Hiệp đi xe máy xuống hiện trường để nghe ngóng tình hình. Khi về cách nhà 50m, Hiệp tắt máy đi bộ dắt xe vào nhà.

Đến ngày hôm sau (9/5), Hiệp xuống TP Ninh Bình vay tiền một số bạn bè rồi đem gửi vào thẻ ATM của mình.

Phá án

Nhận định vợ chồng Hiệp, Lư đang có biểu hiện bỏ trốn khỏi địa phương, ngày 10/5/2013, kế hoạch phá án được thông qua. Các tổ công tác lên đường triệu tập cặp vợ chồng này về cơ quan điều tra để tổ chức đấu tranh khai thác.

Ban đầu, các đối tượng kiên quyết phủ nhận mọi sự liên quan đến cái chết của bà Mai. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, các điều tra viên đã sử dụng các phương pháp, chiến thuật xét hỏi hợp lý, sắc bén và kiên trì đấu tranh.

Khoét sâu vào những mâu thuẫn trong lời khai đối tượng, sử dụng chứng cứ kết hợp với cảm hoá, giáo dục… tổ xét hỏi từng bước bẻ gãy ý chí chống đối của Lư và Hiệp.

Cuối cùng chúng đã phải khai nhận toàn bộ hành vi giết bà Mai để trốn nợ và chiếm đoạt lại sổ đỏ của lô đất đã thế chấp cho nạn nhân, đúng như những phán đoán, nhận định của Ban chuyên án.

"Bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc điều tra này, đó là cần khai thác tối đa giá trị thông tin thu được từ những đồ vật, tài liệu của nạn nhân. Khi đánh giá chứng cứ, chúng tôi mở rộng biên độ tư duy về diện đối tượng gây án, không loại trừ những người chưa từng có tiền án, tiền sự.

Thực tế chứng minh là vụ này nếu chỉ tập trung rà soát, xác minh các đối tượng có tiền án về tội giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản… thì công tác đấu tranh chuyên án sẽ lâm vào bế tắc, ngõ cụt vì kẻ thủ ác không nằm trong diện quản lý nghiệp vụ của ngành. Tội ác nhiều khi đến từ những người không ngờ nhất" – Thượng tá Sơn kết luận.

Theo An Ninh Thế giới