Thượng tọa Thích Tịnh Giác luôn cởi mở với Phật tử và người dân mỗi khi đến chùa. Ảnh: M.N
Sư trụ trì là “Táo ni lon”
Chúng tôi đến thăm chùa Phúc Sơn, cách trung tâm TP Hà Nội chừng 20km. Đang mùa chính Hội, nhưng trái ngược với cảnh chen lấn, xô đẩy ở các lễ hội lớn thì nơi đây vẫn giữ nguyên không khí yên bình, thanh tịnh. Thấy chúng tôi đến, Thượng tọa Thích Tịnh Giác - Trụ trì chùa Phúc Sơn ra đón tiếp rồi xin phép: “Quý vị cứ vãn cảnh chùa, thầy đang dở tay sửa khóa”. Vừa sửa, Thượng tọa Thích Tịnh Giác kể: “Chùa không có camera, lẽ ra cũng không được nuôi súc vật đâu nhưng trộm ghé ghê quá nên mới nuôi hai con chó canh chừng. Vậy mà mấy hôm thầy đi vắng, trộm vào bẫy mất một con rồi. Hòm công đức này cũng bị trộm cậy khóa, giờ thầy phải thay cái khác nhưng cũng không biết được bao lâu nữa”.
Hỏi thầy sao không thuê người hay nhờ thanh niên trong làng đến giúp, thầy nhỏ nhẹ: “Mấy việc này thầy quen rồi, mình biết làm thì cứ tự lực cánh sinh trước. Không chỉ việc này mà cả điện, nước, thầy cũng làm được hết. Hồi còn làm trụ trì ở một ngôi chùa nhỏ bên Úc, lúc đầu thầy cũng thuê người, nhưng cứ gọi đến chưa cần làm gì thì họ đã lấy 100 USD. Vậy là thầy tự làm lấy hết. Dần thành quen nên cái gì cũng biết làm”.
Thượng tọa Thích Tịnh Giác vốn là người Hà Nội gốc, nhà ở phố Hàng Bạc, sau di cư vào Nam. 16 tuổi thì ông xuất gia, tu học tại Đài Loan (Trung Quốc) và từng có thời gian làm trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở Úc. Thông thạo tiếng Anh, Trung Quốc và có kiến thức sâu rộng nhưng Thượng tọa Thích Tịnh Giác nổi tiếng là người gần gũi, chân tình.
Thượng tọa Thích Tịnh Giác có biệt danh “Táo nilon”, vì nhiều năm nay đều tình nguyện vớt rác ở Hồ Tây mỗi khi đến ngày lễ ông Công ông Táo. Năm 2009, mối duyên đưa nhà sư này đến với chùa Phúc Sơn, khi đó còn khá hoang sơ. Thượng tọa Thích Tịnh Giác nhớ lại: “Lúc tôi về, chùa chỉ có duy nhất một bộ bàn ghế. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là rõ ràng chùa thờ Phật nhưng lại đặt cả ban Tứ phủ trong chính điện. Thay đổi cơ sở vật chất từ đầu đã đành, điều khó nhất là thay đổi tư duy của người dân, vốn nặng tính tín ngưỡng thờ cúng”.
Đầu tiên, Thượng tọa Thích Tịnh Giác đề xuất với chính quyền xã Kim Sơn và người dân để chùa chỉ đơn thuần là nơi thờ Phật, không thờ tam phủ, tứ phủ chung nhau như các ngôi chùa khác. “Đó như là điều kiện để tôi nhận lời ở lại chùa. Đồng ý thì tôi ở, không thì chỉ giúp chùa vài tháng thôi. Nhưng rất may là tôi được chính quyền và bà con ở đây đồng thuận. Đến nay, chùa không còn cảnh đốt vàng mã, quan niệm lẫn lộn giữa triết lý Phật giáo với tín ngưỡng dân gian nữa. Tất nhiên, tín ngưỡng dân gian của người dân thì chúng ta vẫn tôn trọng, nhưng nếu thờ chung với Phật thì sẽ thành “vênh” nhau. Triết lý của Đức Phật là “nhân và quả”, trong khi tín ngưỡng dân gian là “cầu và ban”. Mỗi người có một đức tin nhưng dù theo tín ngưỡng nào thì cũng đều cần điểm chung là dựa trên chính bản thân mình, đừng dựa vào “thế lực” nào để trở thành u mê, mù quáng”, Trụ trì chùa Phúc Sơn nói.
Nhiều người không dám ăn đồ lễ vì sợ bệnh tật
So với những ngày đầu mới về chùa, Thượng tọa Thích Tịnh Giác cho biết, nhận thức của người dân đã thay đổi khá nhiều. Thượng tọa kể: “Tôi có đi thăm một số chùa, nhìn thấy cảnh người dân thoải mái đốt vàng mã, hình nhân thế mạng, dâng lễ ngập ngụa mà vô cùng ngạc nhiên vì không thấy ai đến nhắc nhở. Còn ở đây, nếu quý vị nào đến lễ chùa, dâng cả vàng mã là đợi họ lễ xong, tôi sẽ gọi họ tới trò chuyện, hỏi han, rồi trong câu chuyện sẽ giải thích cho họ vì sao không nên dâng vàng mã. Phải chăng các chùa khác họ sợ “mất lòng” Phật tử, sợ họ không tới nữa thì thế nọ thế kia... Nếu chỉ phê phán ý thức người dân thì tôi khẳng định là 5 năm hay 10 năm nữa, họ vẫn như thế thôi. Trụ trì chùa phải là nhân tố quan trọng trong việc thay đổi nhận thức này. Còn cho đốt thì họ cứ đốt thôi”.
Ngay cả việc dâng lễ vào lễ Phật, Thượng tọa Thích Tịnh Giác cũng cho rằng, người dân không nên quá lãng phí mâm cao cỗ đầy. Vì sao? Vì đồ lễ đều mua ngoài chợ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Mà thực ra, có cho người dân bây giờ họ cũng không dám ăn. Có người bảo với tôi, thầy cho thì con nhận nhưng nhận rồi về con vứt xuống ao cho cá ăn chứ không dám ăn. Thế nên, khuyến cáo quý vị Phật tử nên dâng lễ thiết thực hơn như gạo, đỗ, muối, đường, dầu đậu nành... là những thứ mà Đức Phật vẫn dùng và xong thì ai cũng dùng được. Bánh kẹo cũng không nên dâng nhiều vì giờ cuộc sống đầy đủ rồi, mấy thứ này cho người dân họ cũng không ăn được nhiều. Thỉnh thoảng tôi đi Đài Loan mang về ít bánh kẹo, cho tụi trẻ mới nhận vì thấy lạ lạ, chứ đồ lễ ở đây nhiều khi phải đem bỏ đi, rất lãng phí.
Thượng tọa Thích Tịnh Giác chia sẻ: “Tại sao Phật tử, người dân đến chùa chỉ cầu an mà không sám hối? Giáo lý của Đức Phật rất gần với đời sống, là nơi để tu tập, chuyển hóa nội tâm cho chúng sinh chứ không phải xa cách như “ngôi đền thiêng”. Nếu chùa chỉ cần người tốt đến thì người xấu ai giáo dục? Giáo dục đâu chỉ là trách nhiệm của nhà trường, gia đình mà là của toàn xã hội. Chính vì vậy mà ở đây, tôi đã giảng hòa được cho rất nhiều gia đình lục đục, thậm chí hàn gắn để họ không phải ra tòa ly hôn. Mong muốn của tôi là mở được những khóa tu để giảng pháp cho nhiều người hơn nữa. Tiếc là cơ sở vật chất ở chùa chưa đủ để thực hiện tâm nguyện này”.
Theo GĐ&XH