Sau khi về hưu, cụ Lưu 70 tuổi ở Trung Quốc liền tham gia các câu lạc bộ hẹn hò dành cho người cao tuổi. Rất nhanh sau khi trở thành thành viên câu lạc bộ, ông Lưu đã vui vẻ kết hôn với một người phụ nữ có ngoại hình bắt mắt.
Tuy nhiên, kết hôn chưa được bao lâu, ông Lưu đã ly hôn vì những mâu thuẫn không thể hoà giải. Sau đó, ông liên tục kết hôn rồi ly hôn. Tổng cộng, từ lúc nghỉ hưu đến hiện tại, ông có 3 cuộc hôn nhân với 3 người vợ.
Ở tuổi xế chiều, cụ ông vẫn vui khi liên tục cưới vợ rồi mất hết tài sản. Ảnh minh hoạ
Một điều đáng chú ý là dù đã già nhưng ông Lưu vẫn rất ga lăng, yêu và lấy người vợ nào, ông cũng chia một căn nhà cho người vợ ấy.
Sau khi ly hôn lần thứ 3, ông Lưu cũng mất tất cả bất động sản, hiện tại ông Lưu một thân một mình sống ở vùng ngoại thành, đi ở thuê vì đã không còn căn nhà nào nữa.
Khi biết việc này, rất nhiều người cho rằng ông Lưu là kẻ dại dột, si tình. Tuy nhiên, ông Lưu lại không cho là thế.
"Tôi thấy bình thường, thoải mái mà. Tôi không con không cháu, mỗi tháng có 7000 nhân dân tệ tiền lương (khoảng gần 24 triệu đồng) để tiêu, nói chung tiền lương hưu tôi chưa bao giờ tích lũy, tháng nào tiêu hết tháng đó, hưởng thụ từng ngày" - ông thản nhiên cho biết.
Câu chuyện về ông Lưu được lan truyền, rất nhiều cư dân mạng đã chia sẻ quan điểm trái chiều:
- "Ông thấy thoải mái thì tốt nhưng việc ông bị lừa tình, lừa tiền là sự thật",
- "Cưới lần nào bị lừa lần ấy, đường tình duyên thực sự cay đắng",
- "Đến già vẫn còn dại dột vì tình",
- "Không con không cái, không lo lắng gì, đây cũng là một loại hưởng thụ cuộc sống",
- "Ông đã nghĩ đến lúc bệnh tật chưa? Không ai chăm sóc lúc đó chỉ còn tiền để dựa vào thôi, nên sớm tỉnh táo lại mà tích lũy"...
Người già Trung Quốc cô đơn tuổi xế chiều
Một cụ ông 67 tuổi không người thân thích tại Bảo Sơn, Thượng Hải, qua đời tại nhà mà không ai biết, cho tới khi thi thể ông phân hủy.
Chỉ đến cuối tháng 7, hàng xóm của người đàn ông không vợ con này mới phát hiện mùi lạ và báo cảnh sát, dù cửa nhà ông không bao giờ khóa.
Trước đó một tháng, một cụ bà ngoài 70 sống một mình tại Nam Kinh được phát hiện chết bên cạnh bồn tắm khi một nhân viên công tác xã hội tới thăm theo lịch.
Hai trường hợp này đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc, nơi những người cao tuổi theo truyền thống thường sống cùng và được con cháu chăm sóc.
"Truyền thống văn hóa của chúng ta là người cao tuổi sống cùng con cháu và qua đời trong một đại gia đình. Chúng ta đang ở trong thời kỳ tỷ lệ sinh giảm và quy mô gia đình bị thu hẹp, vai trò của gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi bị xem nhẹ, trong khi mạng lưới an sinh xã hội cho lứa tuổi này chưa hoàn thiện", Zhu Qin, chuyên gia tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho hay.
Nhiều người già Trung Quốc cô đơn tuổi xế chiều. Ảnh minh hoạ: AFP
Khoảng 36,6% người cao tuổi ở Trung Quốc cho biết họ cảm thấy cô đơn. Đây là kết quả của một báo cáo công bố mới đây của Trung tâm nghiên cứu giả hóa Trung Quốc dựa trên dữ liệu thu thập từ các cuộc khảo sát tiến hành năm 2015 và 2017.
Theo báo cáo, trên 40% người cao tuổi tại các khu vực nông thôn cho biết họ cảm thấy cô đơn, trong khi gần 30% người cao tuổi tại các khu vực đô thị gặp vấn đề tương tự.
Nhìn chung, khoảng 52,6% người từ 80 tuổi trở lên cảm thấy cô đơn, trong khi tỉ lệ này ở người tuổi từ 60 đến 69 là 30,2%.
Cũng theo báo cáo, người cao tuổi không có bạn đời và người cao tuổi sống một mình dễ cảm thấy cô đơn hơn.
Dang Junwu, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu già hóa Trung Quốc cho biết người cao tuổi sống một mình có xu hướng cảm thấy cô đơn do thiếu liên lạc với các thành viên gia đình.
Luật pháp Trung Quốc quy định người trong gia đình không được bỏ mặc các thành viên cao tuổi và những người sống tách biệt với người thân cao tuổi phải thường xuyên thăm họ. Các chủ sử dụng lao động phải cho nhân viên nghỉ phép về thăm cha mẹ họ.
Các chuyên gia cũng khuyên người cao tuổi nên làm phong phú đời sống sống xã hội của họ bằng cách tham gia các hoạt động tình nguyện, các hoạt động văn hóa và giải trí.
Theo Sức Khỏe Đời Sống