Tháng Ba là khoảng thời gian để lại nhiều ý nghĩa lịch sử và văn hóa giữa các cộng đồng người trên toàn thế giới. Các trường đại học Mỹ lại một lần nữa sục sôi vì chiếc cúp vô địch bóng rổ trong một Tháng Ba Điên Cuồng (March Madness). Người Ireland chúc mừng nhau trong ngày Thánh Patrick với sắc xanh ngập tràn. Đồng thời, đó còn là một tháng dành trọn để tôn vinh những đóng góp của phụ nữ đối với nhân loại.
Đó là những mẹ, người bà, là đầu bếp, học sinh, nghệ sĩ, kỹ sư, giáo viên, người dọn dẹp và còn là nhiều hơn thế đang hằng ngày làm nên một nửa thế giới. Như một chiếc gương soi phản chiếu hình ảnh của con người, điện ảnh đem tới cái nhìn đa chiều và sâu sắc về nhân diện của phụ nữ. Họ có thể là những bà mẹ nội trợ hiền dịu, một người tình đam mê, hoặc một chiến binh xông pha trận mạc.
Đã đến lúc khai tử những công thức kì quặc tạo nên một nữ anh hùng
Nếu như loạt Bond và Terminator được đặt tên theo nhân vật trung tâm, thì Hunger Games lại "không được đặt tên theo Katniss, mà là những gì xảy ra với cô ấy". Để ý kĩ chúng ta có thể nhận ra, dù số lượng về các nữ anh hùng trên màn ảnh có tăng, nhưng những người thực sự có được quyền quyết định cho số phận của mình trong phim vẫn chưa nhiều. Katniss Everdeen chỉ giương cung khi hoàn cảnh buộc cô phải làm thế, trong khi các đồng sự nam dường như biết mình phải làm gì và sẽ làm gì, kể cả khi nhiệm vụ của anh ta là hy sinh để bảo vệ người đẹp.
Đã đến lúc chúng ta nhìn lại những quan niệm sai lầm về thế nào mới là nhân vật nữ mạnh mẽ trên màn ảnh. Cứ phải là một cô gái có quá khứ bị lạm dụng, quấy rối, hoặc có vẻ ngoài tomboy thì mới đủ mạnh để "cân" lại những ác nhân cơ bắp. Thế rồi năng lực tiềm tàng của những nữ anh hùng chỉ thực sự bộc phát khi nam chính cần tới (Leeloo trong The Fifth Element, River của Firefly/Serenity, và Hermione trong Harry Potter…). Hoặc ngay cả khi bạn đủ thông minh can trường, phụ nữ cũng hiếm khi được nắm quyền lãnh đạo (Suicide Squad, Guardians of the Galaxy…).
Chỉ tới khi họ làm bẽ mặt cánh nam nhi, quật ngã họ, chiến thắng trong cuộc thi, bắn hạ họ, lúc đó "sức mạnh" của nhân vật mới được chứng tỏ. Đã đến lúc các nhà làm phim phải nhìn nhận lại lối mòn tư duy mà họ vô tình hoặc cố ý – vạch ra cho khán giả - về quan điểm như thế nào thì mới là một nữ nhân vật mạnh mẽ.
"Sai lầm của Hollywood là nếu bạn xây dựng một cốt truyện "nữ quyền", thì phụ nữ phải đánh lộn và chiến thắng"
Ngày nay điện ảnh đem đến những bà chúa cô nương biết giương cung cầm súng nhằm hướng kẻ thù mà lao tới. Người ta ngỡ ngàng khi thấy thanh gươm trong tay Bạch Tuyết. Cô công chúa trong Shrek thì biết kungfu, còn nàng tóc xù của Brave thì rõ là một thiện xạ. Thế rồi trước đó chúng ta có những Kill Bill, Ngọa Hổ Tàng Long…
Trong khi tung hô một thế hệ nữ chính anh hùng được sản sinh ra trên màn ảnh, người ta quên rằng khẩu súng mà nhiều đả nữ đang nắm trong tay lại do người khác trao cho. Mô típ xây dựng nữ chính nóng bỏng, mạnh mẽ nhưng thiếu đi động lực tâm lý và chiều sâu nhân vật đáng buồn thay lại đang trở thành trào lưu trong các phim hành động.
Theo nghiên cứu của đạo học Washington, có đến ¾ số đàn ông được hỏi cho rằng lí do họ đi xem đả nữ trên màn ảnh là do các cô đào nóng bỏng. Con số tương tự trả lời từ phía phụ nữ, nhưng họ lại trông chờ vào một hình tượng mạnh mẽ - thứ mà nhiều người trong chúng ta không có. Sự khác biệt về quan điểm này có thể bổ khuyết bằng cách xây dựng hình tượng nữ anh hùng độc lập và đa chiều hơn, là chỉ biết gào thét và nhảy xổ vào kẻ thù.
Bên cạnh đó, như một thứ hệ lụy đang lớn dần lên trong lòng khán giả, tâm niệm rằng cứ phải chiến đấu thì mới "xứng mặt chị em". Natalie Portman trong vai Jane Foster đã gần như tròn vai trong việc "né tránh" bạo lực, đồng thời cô cũng chỉ ra "Sai lầm của Hollywood là nếu bạn xây dựng một cốt truyện "nữ quyền", thì phụ nữ phải đánh lộn và chiến thắng. Đấy không phải nữ quyền, mà là nam tính lực điền."
Sự trỗi dậy của những "gái hư quyền lực"
Đã qua rồi cái thời mà phụ nữ trên màn ảnh được vẽ bằng một đôi nét đường cong của cơ thể và phó mặc số phận trong tay của đấng nam nhi. Năm 2017, điện ảnh chứng kiến sự ra mắt của một loạt chân dung những phụ nữ mà ở đó không dành chỗ cho khán giả được quyền phán xét về bản chất tốt xấu.
Trong Christine, Rebecca Hall đã có một màn trình diễn không sợ hãi khi hóa thân vào vai một phát thanh viên Florida tham vọng, người đã bước vào ngõ tối trong sự nghiệp khi từ chối tham gia vào cuộc chơi vận mệnh. Người ta sẽ còn nhớ về vai diễn tàn nhẫn và không khoan nhượng của Jessica Chastain trong Miss Sloane như kết quả từ hành trình sống sót của một phụ nữ giữa sóng gió chính trường. Còn đó một Isabelle Huppert trong Elle, người từ chối bị đóng khung trong những vai diễn phụ nữ bị cưỡng hiếp mà thay vào đó, khoác lên mình hình tượng đầy ám ảnh.
Không còn chỉ là hai thái cực đơn thuần yêu – ghét, khán giả hiện đại đứng trước thử thách làm sao để hoàn toàn nắm bắt được tinh thần của nhân vật bởi chân dung của họ hiện lên quá chân thực. Không còn là những mảng tối – sáng rạch ròi để người ta sẵn sàng thương cảm hay căm thù, giờ đây để lại trong lòng người xem là sự bối rối đan xen. Như ta tìm thấy mình trong cái thiếu sót của họ, khao khát được bổ khuyết những điều mà chính ta còn chưa tự hoàn thiện.
Theo trí thức trẻ