Mới đây, một bài viết cảm động được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của hàng chục nghìn người. Đó là câu chuyện kể về người cha dù không có nhiều tiền nhưng vẫn muốn đưa con gái út bé bỏng của mình đi chơi biển.
Nội dung câu chuyện như sau:
“Sáng đang đứng ngoài nhà nghỉ chơi thấy một chú trung tuổi tay dắt đứa bé gái tầm lớp 3 tay kia xách túi đựng mấy gói mì tôm với bó rau cải lại hỏi.
- Ở đây có phòng nghỉ nào tầm 300 - 400 ngàn đồng không chú ơi. Tôi tranh thủ đưa con út cho nó đi chơi biển cho biết mà giá phòng đắt quá, toàn 800 ngàn đồng đến 1 triệu một đêm thôi. Phòng nằm quạt thôi cũng được .
- Ngày lễ mà chú, thế hai bố con định ở mấy hôm vậy ?
- Nếu có phòng 300 ngàn thì tôi đủ ở với cháu 2 hôm, còn 400 ngàn thì chắc sáng mai về thôi chú ạ.
- Thế chú có báo cơm ăn không ?
- Tôi mua mì tôm với rau tí xin nước sôi ăn bữa trưa rồi đây, để xem tối có gì ngon cho cháu nó ăn một hai bữa cho biết, chứ tôi thì ăn gì chả được.
Cổ họng mình nghẹn đắng….
- Chú cứ vào ở hai hôm đi, giá cả cứ để cháu lo chú yên tâm. Cơm cứ báo bếp họ làm món bình dân. Nhưng nhớ đi đâu ăn gì phải hỏi giá thật kĩ chú nhé !
Mình quay sang thấy con bé cười tít mắt …”
Bức ảnh chia sẻ kèm bài viết.
Chỉ vì muốn con gái được đi biển, người cha dù không có nhiều tiền nhưng vẫn cố gắng làm mọi thứ. Thậm chí, để có thể tiết kiệm tiền cho con gái được ăn ngon hơn, người cha đã mua sẵn mì tôm và rau để ăn qua bữa.
Giá nhà nghỉ trong những ngày lễ tăng cao khiến hai cha con phải lang thang khắp nơi tìm phòng nghỉ giá rẻ. Nhưng thật may mắn, được sự giúp đỡ của một người lạ mà hai cha con đã có một chuyến du lịch no đủ hơn.
Sau khi đăng tải lên mạng xã hội, mặc dù có nhiều người hoài nghi về bức ảnh sự chân thực của câu chuyện nhưng dù có thật hay không, nhưng câu chuyện “vô thưởng vô phạt” này cũng mang lại nhiều giá trị về lòng tin của con người vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Bạn N.T.T bình luận: “Câu chuyện thật hay không, đâu có quan trọng. Điều cần biết là nếu ở một hoàn cảnh tương tự thì bạn xử lý thế nào thôi. Còn tôi nghĩ cách xử lý đó vẫn còn đâu đó trong xã hội.
Tuy con người mất khá nhiều niềm tin về nhau tuy nhiên cái khi gặp phải thì sự đồng cảm mới trỗi dậy và khiến mình hành động được. Cái hay của việc viết văn là khiến cho người đọc tin rằng còn điều tốt giữa trăm ngàn điều xấu, và ngược lại.”
“Không biết thực hư thế nào nhưng tự nhiên đọc xong câu chuyện cảm thấy ấm lòng hơn rất nhiều” , chia sẻ của bạn B.H.Y.
Theo Saostar