"Milu là em út của em, em thuơng nó lắm!"
Cậu bé bán vé số tên Bảo và người bạn nhỏ với đôi chân không lành lặn của mình.
Ngã tư Chợ Đình (Bình Dương) một ngày đầu tuần nắng oi ả, dòng người hối hả chạy lướt qua nhau. Trong đám đông người ấy, bỗng xuất hiện một cậu bé nhỏ nhắn, trong tay cậu ôm một chú chó nhỏ. Nhẹ nhàng đặt người bạn bốn chân xuống, thì thầm vào tai nó vài câu bâng quơ, rồi cậu bé nhanh chóng hòa vào dòng người tại ngã tư để mời chào vé số. Đó là bé Bảo và chú chó Milu.
Cậu nhóc Đặng Hoàng Linh (9 tuổi), tên thường gọi ở nhà là Bảo, là con trai đầu của một đôi vợ chồng trẻ ở thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương). Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, cậu bé đang theo học tại lớp học tình thương ở phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một).
Hàng ngày, cứ 7h sáng là Bảo lại được mẹ đưa ra ngã tư Chợ Đình để bán vé số, đến trưa thì em về nhà ăn cơm rồi trở lại vị trí cũ để tiếp tục bán. Khoảng 6h tối, em đi quá giang mọi người đến trường học, rồi sau khi tan học lại trở về ngã tư chợ Đình để bán số vé còn lại.
Do chú chó bị tật 1 chân, khó khăn khi di chuyển nên Bảo luôn ẵm người bạn của mình trên tay.
Đã ba tháng nay, hành trình mỗi ngày của bé Bảo có một chút thay đổi thú vị khiến cậu vô cùng thích thú. "Năm trước em bảo với mẹ là con thích có một chiếc xe đạp để đi học, đi bán, em cũng thích nuôi một con chó nữa. Nhưng mẹ bảo nhà không có tiền. Khoảng ba tháng trước mẹ dẫn về một con chó và nói là mua cho em. Em vui lắm! Thế là từ nay em có thêm một người bạn. Em đặt cho nó tên là Milu" - cậu bé hồn nhiên kể.
Từ ngày có Milu, bảo không còn cô đơn những ngày mưu sinh nữa.
Bất kể là đi đâu, đến trường học hay đi bán vé số, cậu bé nhỏ cũng dẫn theo người bạn nhỏ của mình đi cùng. "Em sợ để Milu ở nhà không ai chăm sóc, nên đi đâu cũng dẫn nó theo cùng, em có gì ăn thì nó cũng sẽ không bị bỏ đói. Với lại em đi bán một mình cũng buồn lắm, có con Milu chạy qua chạy lại, em giỡn với nó thấy vui hơn" - cậu bé tươi cười tâm sự.
Thông thường Bảo cột chú chó ở gần cậu, để tiện cho việc chăm sóc và chơi đùa. Tuy nhiên, ở lớp học tình thương không cho đem động vật vào nên Bảo đành ngậm ngùi để bạn mình ở nhà mỗi lần đến trường học. Cậu nhóc buồn thiu nói: "Em có thử dẫn Milu lên lớp học chữ một lần, nhưng mà thầy không cho phép, vì sợ làm ồn, ảnh hưởng đến giờ học của các bạn. Nhưng vào những tối thứ 2, 4, 6 em đi học võ ở nhà thiếu nhi thì em có thể dẫn Milu theo. Vì ở đó có sân rộng, em cột nó ở xa, sẽ không ảnh hưởng đến mọi người".
Ngay từ bé Bảo đã chịu nhiều thiệt thòi hơn các em trong nhà.
Cách đây vài ngày, chú chó của Bảo gặp tai nạn, bị gãy một chân, cậu nhóc ôm chú chó khóc như mưa. Kể từ đó, ba mẹ Bảo hạn chế, không cho bé dẫn cho đi theo nữa. "Mấy ngày nay, ba không cho em dẫn Milu đi theo nữa. Hôm qua năn nỉ, ba mới cho em đem theo, mà chân nó bị thương, không đi được nhiều, nên em bồng nó đi. Nó nặng lắm, em bồng đi mà thở quá chừng" - cậu bé nhe răng cười hè hè.
Đối với Bảo, Milu giống như em út trong nhà.
"Milu là em út của em đó, tính luôn Bảo Yến với Quỳnh Mai (hai em của Bảo) thì em có tới 3 đứa em. Mai mốt em sẽ để dành tiền mua thêm một con chó nữa về làm chị em với Milu cho nó đỡ buồn", nói đoạn cậu bé dúi đầu mình vào đầu chú chó rồi thỏ thẻ: "Nằm đây đợi anh một tí nhé! Anh vào ăn, rồi đem gà ra cho em nhé! Ngoan nhé!", rồi cậu nhảy chân sáo theo chúng tôi vào quán gà rán gần đó.
Có thức ăn ngon, bé Bảo cũng không quên san sẻ với người bạn nhỏ.
Cậu bé đáng thuơng từng bị ba mẹ bỏ ở chùa
9 tuổi, ở cái lứa tuổi còn đang tập viết từng con chữ, thì nụ cười của bé Bảo vẫn còn rất hồn nhiên, thế nhưng ít ai biết rằng, đằng sau nụ cười ấy là cả một số phận thiệt thòi.
Bảo phải lăn lộn kiếm sống đến tận đêm mới được về nhà.
Chị Đặng Thị Huyền (sinh năm 1987) và anh Phan Hoàng Vũ (sinh năm 1981) yêu nhau, nhưng không được hai bên gia đình chấp thuận nên quyết định rời bỏ quê hương vào Bình Dương sinh sống. Vợ chồng anh có ba người con là Hoàng Linh (Bảo), Bảo Yến và Quỳnh Mai. Cuộc sống vốn khó khăn lại đông con, vì thế đến khi sinh cháu thứ ba, anh Vũ đã đưa bé Bảo vào chùa ở để giảm bớt gánh nặng gia đình. Về sau mới đưa em trở lại nhà.
Anh Vũ làm thợ cửa sắt, mỗi ngày thu nhập được khoảng 250.000 đồng, chị Huyền trước đây khi con còn nhỏ thì thường bồng con đi bán vé số, nay con đều gửi vào trường học nên chuyển sang nhặt ve chai.
"Em còn nhớ từ rất nhỏ, em đã được mẹ bồng đi bán vé số rồi. Lên bốn tuổi, thì em tự đứng bán một mình. Nắng nóng em cũng bán, mưa em tắm mưa bán luôn, em lượm mấy bao nilon bọc vé số lại rồi đứng dầm mưa bán. Bán không hết, về nhà là ba mẹ đánh nên em sợ lắm, nhiều bữa bán đến 10h đêm là xong, nhưng có bữa ế phải bán đến hơn 11h" - cậu bé thành thật kể.
Em rất sợ không bán hết vé số, vì khi trở về nhà sẽ bị ba mẹ đánh đòn.
Bé Bảo kể rằng hễ đi trên đường gặp ai chạy xe một mình thì em lại chạy đến xin đi nhờ một đoạn, nhiều người thương thì cho đi, nhiều người thấy em bồng theo con chó, sợ bẩn nên không cho. Buổi trưa Bảo được về nhà ăn cơm, nhưng tối thì phải bán rồi đi học, nên em nhịn đói cho đến khuya về đến nhà mới ăn.
Cậu bé còn quá nhỏ để bước vào cuộc bươn chải kiếm sống.
"Ba em thường la em là đồ "khôn nhà, dại chợ". Anh hiểu câu đó nghĩa là như thế nào không? Nghĩa là em sinh ra ở trong nhà, nhưng được ngoài chợ dạy đó anh, nên giờ em lanh lắm!" - cậu bé hồn nhiên giải đáp.
Có một người bạn nhỏ ngồi cạnh, để em cảm thấy bản thân không cô đơn, chỉ cần như thế thôi, Bảo đã hạnh phúc lắm rồi.
"Bây giờ em ước gia đình có đủ tiền để em không phải đi học lớp tình thuơng mãi. Buổi tối em vẫn sẽ đi bán vé số. Em ước có tiền mua thêm một con chó nữa, ước được đi bơi hồ bơi...", giọng nói của thằng nhóc cứ thế nhòa đi và lẫn vào đi theo tiếng xe cộ ồn áo phía trước. Có lẽ giờ đây được ở cạnh Milu là điều hạnh phúc nhất của Bảo.
Theo Kênh 14/ trí thức trẻ