Nhắc đến chị Xậm, những người biết đến chị sẽ không khỏi cảm phục trước nghị lực của một cô bé dị tật tứ chi, đôi tay co quắp, chân bước không vững trở thành một cô quản thư đầy vui tươi. Nói về ngày hôm nay, chị Xậm rưng rưng cảm ơn hết người này đến người khác, từ chính quyền địa phương ở quê nhà, đến các thầy cô mà hiện tại chị xem như những người cha, như người mẹ của mình.
Trở về những năm tháng khó khăn, chị Xậm chia sẻ: “Nhà tôi có sáu anh chị em, nhưng chỉ mình tôi từ lúc lọt lòng mẹ đã khiếm khuyết. Lúc đó cả nhà thương lắm, luôn bao bọc, không cho tôi làm bất kỳ việc gì từ vệ sinh cá nhân, ăn uống… Đến khi tôi 14 tuổi, cha tôi mất, tôi mới nhận ra mình phải tự lo cho cuộc sống của mình vì người thân sẽ không bên cạnh, giúp đỡ mình mãi được”.
Sinh ra với đôi tay co quắp, chỉ một chân vận động linh hoạt, chị Xậm trở thành một
quản thư đầy nhiệt huyết với nghề.
Để chứng minh sự quyết tâm đó, Xậm hỏi các em cùng xóm rằng đi học là như thế nào? Khi những đứa trẻ ấy trả lời, ban đầu thầy viết giúp, thầy dạy cho đọc, khi đọc được thì mới qua viết. Nghe vậy Xậm thuyết phục mẹ cho mình đi học, và hứa là nếu không viết chữ được thì chỉ cần đọc được rồi nghỉ.
15 tuổi, được mẹ đồng ý, Xậm đăng ký vào lớp học phổ cập dưới ánh mắt ái ngại của thầy, sự xa lánh, sợ sệt của những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn. Bằng sự ham học, với một chân có thể vận động linh hoạt 4 ngón, Xậm tập viết. Một tuần ròng rã “quẹt quẹt” những nét vô nghĩa, chân va xuống nền đất bật máu, nhưng Xậm quyết tâm không bỏ cuộc. Tập một tháng Xậm đã “quẹt” ra con chữ, hào hứng Xậm khoe hết người này đến người khác.
Công việc của chị là quản lý sách, báo trong thư viện tại Trung tâm, dọn dẹp sách khi
người đọc để lại trên bàn.
Có lúc chị đã nghĩ đến việc tự kết thúc đời mình, nhưng bằng chính sự tin tưởng của BGĐ Trung tâm dành cho chị, vượt qua tất cả chị tin rằng người thường làm được, chị cũng sẽ làm được.
Hiểu được nghị lực phi thường của Xậm, chính quyền địa phương đã đến nhà động viên, khuyên mẹ cho Xậm tiếp tục việc học, song song đó liên hệ với cô Nguyễn Thị Mẫn - Phó chủ tịch một hội bảo trợ người khuyết tật ở TP. HCM để nhờ cô giúp đỡ. Năm 27 tuổi, Xậm học xong lớp 12, chính cô Mẫn đã xuống tận nhà thuyết phục cho mẹ của Xậm đưa cô lên TP. HCM tiếp tục học nghề.
Được BGĐ giới thiệu cho học tin học, chị Xậm đã nghĩ ra cách kẹp thanh gỗ vào 4
ngón chân để gõ bàn phím thuận tiện hơn,
Năm 2006, cô Mẫn cũng là người làm cầu nối cho chị Xậm đến với Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP. HCM (gọi tắt là Trung tâm, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn). “Vừa nhìn thấy Xậm, chúng tôi rất e dè, nhưng khi biết Xậm đã học xong lớp 12, tôi nghĩ ngay sẽ cho em học tin học, vì chỉ có nghề này thích hợp với em. Ấy thế mà hiện tại, Xậm còn học vẽ, học thêu, và làm quản thư lành nghề tại trung tâm”, cô Đinh Thị Hỏi (Giám đốc Trung tâm) không khỏi tự hảo.
Nghe cô nói vậy, chị Xậm cười hiền cho biết: “Lúc học xong tin học ở đây, khi bạn bè được xe đưa rước đi học, là lúc tôi về phòng xếp đồ chuẩn bị… về quê, vì tôi nghĩ không có việc gì thích hợp với mình. Xếp đồ xong tôi đi chia tay bạn bè, thầy cô thì cô Hỏi gọi lại nói rằng con không đi đâu hết, con đi thì công việc quản lý thư viện ở đây để cho ai”. Chị Xậm chỉ nhìn cô giám đốc trung tâm cười buồn vì nghĩ, cả việc cá nhân mình còn làm không được, huống chi làm quản thư. Ấy thế mà cô Hỏi giao cho chị làm thật.
Dưới sự hướng dẫn của các cô, Chị Xậm không những làm được, mà còn làm quản thư gần 10 năm nay, quản lý cả việc nhập sổ sách, số lượng đọc, số sách được mượn hàng tháng, và được trung tâm trả lương để gửi về quê cho mẹ.
Bên cạnh đó chị Xậm còn được học thêu tranh, vẽ tranh và dạy chữ cho các em nhỏ hơn mình.
Từ công việc quản thư, chị đã lấy lại lòng tin rằng mình cũng sống có ích, cũng làm được việc, dần dần cô Hỏi giới thiệu cho chị học vẽ, học thêu, dạy học… Từ khái niệm không thể, dần trở thành có thể, chị Xậm tự tin hơn hẳn. Những giọt nước mắt bất lực ngày nào được thay thế bằng những nụ cười quả quyết: “Xậm có thể làm, chỉ là người ta làm vài ngày, mình làm một tháng, nhưng Xậm làm được. Có những việc khó quá mình dùng chân không nổi, thì mình dùng miệng, lúc tức quá bỏ ngang… một ngày rồi ngày mai tôi lại tiếp tục, cứ thế tôi làm bằng hết”.
Nhiều trường học trong nội thành biết đến chị Xậm, đã đưa học sinh đến giao lưu với
chị. Cảm phục trước nghị lực phi thường của chị, nhiều em còn muốn xin chữ chị về
làm kỷ niệm. Nên những lúc rảnh rỗi, chị Xậm ngồi viết những lời thân thương để
dành tặng cho các đoàn học sinh.
Ngoài công việc của nhân viên thư viện, 18h hằng ngày, chị Xậm còn tình nguyện dạy chữ cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm. Có khi 5 em, có khi 7 em, có lúc hơn 10 em trong lớp học chương trình từ lớp 1 đến lớp 4 của chị.
Mặc dù không có nghiệp vụ sư phạm nhưng chị luôn cố gắng dạy để các em biết đọc, biết viết. Các em khuyết tật chân tay còn đỡ, dạy các em bị câm điếc rất vất vả hơn. Chị phải học các ký hiệu nói chuyện với người câm, điếc; có khi dạy đi dạy lại cả tuần chỉ mỗi một chữ, nhưng chưa bao giờ chị bỏ cuộc.
Ước mơ lớn nhất của chị Xậm, đó là có thật nhiều sách để những em mồ côi, khuyết tật tại Trung tâm có thêm kiến thức.
Khi mọi công việc đã được làm xong, chị Xậm lấy tranh ra thêu, lấy cọ ra vẽ, hiện tại chị đang học ở lớp vẽ tranh sơn dầu. Số tranh chị vẽ nên, được trung tâm gửi đi bán, có tiền chị lại được mua sơn, mua dụng cụ tiếp tục học.
Cứ thế, cô gái bé nhỏ ngày nào giờ đã mang một hoài bão lớn, đó là sẽ cố gắng làm việc để có thể dành dụm, cùng các cô tại đây xây dựng Trung tâm ngày càng tiện nghi hơn, nuôi dạy các em tốt hơn. Đó cũng là cách chị muốn trả ơn cho những người đã từng giúp đỡ chị.
Có được ngày hôm nay, chị Xậm luôn biết ơn những người đã giúp đỡ mình, nhất là các cô trong Trung tâm, người luôn tin tưởng, trao cho chị niềm tin vào cuộc sống.
Nói về ước mơ của mình, chị Xậm chỉ ước có được sức khỏe, làm hết sức mình để trả ơn cho trung tâm, ước cho mẹ ở quê, cũng như những người cha, người mẹ đã từng giúp đỡ Xậm có được thật nhiều niềm vui và sức khỏe để Xậm được trả hiếu.
Chị cười hiền: “Nếu cho Xậm tham lam một chút, Xậm ước được tặng nhiều sách dạy nghề như sách tin học, sách dạy vẽ, dạy thêu,… và những cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn như sách dạy làm người, hạt giống tâm hồn,… để nguồn sách tại thư viện được đa dạng. Đọc được nhiều sách như vậy, các em ở đây sẽ bớt mặc cảm hơn, tự tin hơn trong cuộc sống”.
Theo kênh 14/ Trí thức trẻ