Nghệ sĩ biết điểm dừng thì sẽ tốt hơn ngàn vạn quy định
Thời gian vừa qua, việc nghệ sĩ nhận lời quảng cáo cho các nhãn hàng, dẫn đến việc quảng cáo lố, sai sự thật khiến nhiều người… giật mình. Bởi có những nghệ sĩ, sáng lên Tiktok nói mình đau chân, chiều vào Facebook kể mình bị dạ dày đến mức dân cư mạng còn chế thơ về việc này.
Có thể kể đến như NSƯT Cát Tường, liên tục quảng cáo về công dụng của một loại sữa. Trong video clip quảng cáo được đăng tải rất nhiều trên YouTube, TikTok…, Cát Tường kêu gọi uống loại sữa này để hết đau xương khớp, tê bì chân tay,…
Nghệ sĩ Quyền Linh từng bị khán giả phản ứng khi nhận quảng cáo chưa đúng với chất lượng (Ảnh: Chụp màn hình).
Ngoài NSƯT Cát Tường, các nghệ sĩ như Quyền Linh, Thanh Thảo cũng xuất hiện trong các video clip quảng cáo loại sữa này. Hay NSND Hồng Vân từng quay quảng cáo viên sủi chữa u xơ u nang đăng tải trên mạng xã hội. Song nhiều khán giả phản ứng chất lượng sản phẩm thực sự không tốt như những lời nghệ sĩ chia sẻ trong đoạn quảng cáo.
NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo) cũng bị khán giả réo tên khi anh quảng cáo thuốc nhưng đã "nói quá" công dụng của sản phẩm khiến anh phải đăng đàn đính chính.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. Vì thế lại một lần nữa, những ồn ào của nghệ sĩ vướng scandal, quảng cáo sai sự thật bị khán giả nhắc lại một lần nữa.
Chia sẻ với chúng tôi, NSND Thanh Trầm (nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội) đồng tình với quy định mới của Bộ TT&TT. Tuy nhiên bà Trầm cũng cho rằng, quan trọng nhất là từ ý thức của nghệ sĩ, chứ những quy định, quy tắc chỉ như cái "vòng kim cô" phía ngoài thôi.
"Nếu Bộ TT&TT làm rốt ráo được việc nghệ sĩ vô tư quảng cáo 'lập lờ', quảng cáo sai sự thật và dính ồn ào thì tốt quá. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là ý thức của nghệ sĩ. Tự thân họ phải biết điểm dừng thì sẽ tốt hơn ngàn vạn những quy định, chế tài. Bởi nếu họ có một quy tắc làm nghề nghiêm túc, họ sẽ tránh được những ồn ào, tránh được việc quảng cáo mà 'há miệng mắc quai', lỡ cầm cát-xê rồi nên không thể không nói quá về sản phẩm quảng cáo".
NSND Thanh Trầm chia sẻ thêm, bà lên án việc quảng cáo sai sự thật. Nghệ sĩ hay mắc bệnh "ngôi sao", có chút danh tiếng nên có những phát ngôn, hành động "coi trời bằng vung" và nghĩ, mình nói gì, quảng cáo gì cũng được. Nhưng họ không biết rằng, khán giả giờ rất quyết liệt. Nếu nghệ sĩ làm sai, khán giả sẵn sàng phản biện.
Càng có danh hiệu phải càng có ý thức nghề nghiệp
NSND Quốc Anh cay đắng nhớ lại 10 năm trước, có nhãn hàng về thuốc sử dụng hình ảnh của ông quảng cáo mà không xin phép, đến khi ông biết thông tin, làm gay gắt thì họ mới bỏ hình ảnh đi. Nhưng ông cũng đã "mang tiếng" là nghệ sĩ quảng cáo thuốc không có kiểm chứng.
Ông đồng tình với đề xuất cấm sóng, cấm biểu diễn với nghệ sĩ vi phạm để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh ở Việt Nam. Ông đề xuất: "Khi bị những nhãn hàng dùng hình ảnh của nghệ sĩ không xin phép, nghệ sĩ nên mạnh dạn lên tiếng để không bị lợi dụng".
NSND Quốc Anh cho biết thêm, việc cấm sóng nghệ sĩ vi phạm đáng ra phải được làm từ lâu rồi. Ông thể hiện sự băn khoăn: "Nếu người nổi tiếng quảng cáo thuốc rồi khán giả tin tưởng, mua dùng và gây hậu quả nghiêm trọng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?"
"Kể cả xử lý nghệ sĩ vi phạm, quảng cáo sai sự thật ở mức hình sự nếu để lại hậu quả lớn thì tôi thấy cũng đáng. Bản thân Quốc Anh không bao giờ nhận quảng cáo lung tung, trước nay, tôi chỉ nhận lời một quảng cáo về phân bón do nhà nước sản xuất chứ không làm vô tội vạ.
Nhiều nơi mời quảng cáo và trả cát-xê hậu hĩnh, đến mấy trăm triệu nhưng tôi cũng không làm. Thứ nhất, mình không biết nguồn gốc những sản phẩm đó, thứ hai là tôi già rồi, không ham hố nhiều về vật chất. Đủ ăn đủ tiêu là được…", NSND Quốc Anh tâm sự.
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thì chia sẻ, ông thường xuyên nhắc nhở nghệ sĩ của Nhà hát về những ứng xử trên mạng, ngoài xã hội. Ông ủng hộ việc cấm sóng với nghệ sĩ vi phạm để họ nghiêm túc với nghề hơn.
"Càng có danh hiệu, càng là nghệ sĩ lớn thì càng phải ý thức được nghề nghiệp của mình để các em trẻ nhìn vào. Tôi chưa bao giờ vỗ ngực mình là NSND. Mỗi khi ra biểu diễn, tôi vẫn hồi hộp như những ngày đầu. Vì thế, chúng tôi đều tự bảo nhau để không bị nhắc nhở, không phát ngôn lung tung trên mạng xã hội, không nhận quảng cáo tràn lan", NSND Trung Hiếu cho hay.
NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên thứ trưởng Bộ VH,TT&DL (Ảnh: BVH).
Đồng tình với quy định của Bộ TT&TT nhưng NSND Lê Tiến Thọ - nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) băn khoăn, phải có những quy định cụ thể về việc cấm sóng. Theo ông Thọ, Bộ TT&TT và Bộ VH,TT&DL phải đồng bộ trong việc cấm sóng này nếu không sẽ là kiểu "tiền trảm hậu tấu".
"Việc cấm sóng ở phía Bộ TT&TT nhưng việc biểu diễn lại do phía Bộ VH,TT&DL phụ trách, trước khi cấm diễn, cần thông báo rộng rãi. Nếu không, người cấm thì cứ cấm, địa phương họ vẫn cấp phép cho nghệ sĩ vi phạm thì sao?
Có khi nghệ sĩ biểu diễn xong rồi, Bộ TT&TT mới biết, mới đọc được thông tin nghệ sĩ vi phạm thì khác gì việc 'mất bò mới lo làm chuồng'. Họ diễn xong mới xử phạt thì hớ lắm…", ông Thọ thẳng thắn.
Cũng theo ông Thọ, cần có thêm quy định nếu BTC, nhà Đài vẫn cố tình cho nghệ sĩ lên biểu diễn, lên sóng thì có phải chịu trách nhiệm gì không? Đây chính là quy định liên đới thuộc trách nhiệm giữa hai Bộ TT&TT và Bộ VH,TT&DL.
Theo Dân Trí