Điều 8, dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ (Bộ Công an chủ trì soạn thảo) quy định: Cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Dự luật trên vừa được Chính phủ trình Quốc hội, thảo luận tại kỳ họp thứ 6.
Tại phiên thảo luận tại tổ, bên cạnh quan điểm đồng tình, có không ít ý kiến đề nghị cân nhắc về nội dung trên vì cho rằng quá nghiêm khắc, chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Cần tham khảo các nước
Số đông bạn đọc cho rằng, cần nâng ngưỡng lớn hơn 0 tương tự như hầu hết các nước trên thế giới đang áp dụng. Khảo sát 177 nước trên thế giới quy định phòng chống tác hại rượu bia chỉ có 25 nước quy định bằng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0.
Đồng tình với việc CSGT tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với người uống rượu bia khi tham gia giao thông nhưng bạn đọc Hùng Trần cho rằng cứ có nồng độ cồn xử phạt là “quá cứng nhắc, không phù hợp với văn hoá của người Việt”.
Một số bạn đọc đề xuất, cơ quan soạn thảo có thể tham khảo các nước như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở những nước này, hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông của họ không tuyệt đối bằng 0.
Lực lượng CSGT thổi nồng độ cồn với người tham gia giao thông. Ảnh: Đình Hiếu
“Việc luật ra đời là để bảo vệ người dân nhưng cũng phải hợp với văn hóa tập tục của người Việt, nên có độ dung sai cho phép người dân uống 1 chút rượu bia khi tham gia giao thông. Vì một chút rượu không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, giống như cho phép chạy quá tốc độ trên 5km mới xử phạt hành chính”, bạn đọc Hùng Trần viết.
Tương tự, bạn đọc T. Tùng cũng cho rằng nên nâng ngưỡng và xử lý thật nghiêm nếu vi phạm. “Cụ thể ở ngưỡng nào thì chúng ta nên tham khảo các nước phát triển, họ đã nghiên cứu kỹ rồi mới cho giới hạn nồng độ cồn. Đối với Việt Nam tôi nghĩ cũng nên áp dụng tương tự nhưng cần tăng tính xử phạt. Ví dụ, người sử dụng rượu bia vượt ngưỡng kiểm tra phát hiện sẽ bị xử lý hình sự ngay, cho dù chưa gây tai nạn”, bạn đọc T.Tùng bày tỏ.
Bạn đọc Hai Do cũng kiến nghị nên có ngưỡng lớn hơn 0 sẽ phù hợp hơn. Bởi vì chúng ta vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa phải phát triển kinh tế xã hội và văn hóa. Do đó, ngưỡng 0.25mg/L hơi thở chưa phù hợp thì cần tham khảo các quốc gia trên thế giới.
“Mức 0.15 mg/L chẳng hạn. Người uống rượu bia vượt ngưỡng thì tăng nặng, rất nặng các hình thức xử phạt, đa dạng hóa hình thức xử phạt từ phạt hành chính đến công bố thông tin đến thu bằng lái, và truy tố nếu nồng độ cồn cao trong máu”, bạn đọc Hai Do đề xuất.
Xử phạt khi vượt ngưỡng 30mg/100ml máu
Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, khi đưa ra quy định cần áp dụng khoa học về tính hợp lý, tính thực tiễn.
Theo TS Xuân Thuỷ rượu bia chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây ra TNGT. Vì vậy không nên cấm một cách triệt để gây khó khăn cho người dân, cho cơ quan chức năng.
Bởi theo ông, nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Content - BAC) hay nồng độ cồn trong hơi thở (Breath Alcohol Content - BrAC) là những tiêu chuẩn chung trên toàn cầu để xác định mức độ vi phạm của các lái xe.
Theo thống kê về giới hạn nồng độ cồn với tài xế của 194 quốc gia, vùng lãnh thổ của WHO, có khoảng 20 quốc gia áp dụng cấm tuyệt đối tài xế có cồn, trong khi đó, hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ giới hạn lớn hơn 0, không phải cứ có cồn là bị phạt.
TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, không phải các quốc gia trên không thấy được tầm quan trọng của việc cấm rượu bia, nhưng họ thấy được, nếu cấm đại trà sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ.
“Nếu cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn như một số ý kiến, tôi cho rằng thiếu tính thực tiễn, thiếu tính khoa học. Nhất là khi rượu là nét văn hoá, là phát minh của con người cách đây trăm năm.
Việt Nam là đất nước có nhiều tôn giáo, có nhiều tập tục, nhiều lễ hội. Riêng tại Hà Nội mỗi ngày có tới 12- 15 triệu người đi ra đường, tỷ lệ uống rượu không phải là ít. Do đó, không thể cấm uống rượu, bia được.
Quan điểm của tôi là không nên cấm tuyệt đối mà nên có ngưỡng ở mức 30mg/100ml máu. Mức này cũng tương đối thấp, hạn chế được nhiều nguy cơ gây ra TNGT”, TS Thuỷ phân tích.
Ông Thuỷ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét thấu đáo quy định này, nếu không tiếp tục cấm người dân sẽ vẫn tiếp tục uống rượu dù cơ quan chức năng tiếp tục phạt.
“Thực tế lâu nay, Nghị định 100 khi có hiệu lực, phạt đến 40 triệu nhưng vẫn có người vi phạm. Do đó, nên chăng chúng ta không nên cấm tuyệt đối mà theo các nước, có một mức độ, một ngưỡng theo chứng minh của khoa học, nếu vượt quá ngưỡng đó mới xử phạt nặng”, ông Thủy nêu ý kiến.
Theo Vietnamnet