Chủ cây đòi bồi thường 150 triệu đồng
Theo thông tin từ Thanh Niên, vào khoảng 12h35 ngày 3/1, ông Ngô Hồng Mỹ (ngụ phường 9, TP Cà Mau) phát hiện cây sộp của ông đã bị đốt cháy.
Khi đến hiện trường, ông Mỹ xác định do lực lượng Ban Quản lý chợ (trực thuộc Phòng Kinh tế TP.Cà Mau) dọn dẹp vệ sinh môi trường và đốt rác, làm cháy lan qua gốc cây sộp của ông, khiến một phần của cây, một số nhánh cây bị cháy.
Ngay sau đó, lãnh đạo Phòng kinh tế TP.Cà Mau cũng đến hiện trường, khắc phục đám cháy kịp thời. Tuy nhiên, qua trao đổi làm việc, giữa Phòng Kinh tế TP.Cà Mau và ông Mỹ chưa đi đến thống nhất cách khắc phục hậu quả.
Ông Mỹ trình bày, gốc cây sộp khi ông mua có giá hơn 70 triệu đồng, nhưng với chi phí thuê người bứng, chuyên chở, chăm sóc đến giờ thì tổng giá trị ước hơn 100 triệu đồng.
Sau khi cây sộp bị đốt cháy, chính quyền địa phương mời ông Mỹ về trụ sở làm việc. Tại buổi làm việc, ông Mỹ yêu cầu trả lại nguyên hiện trạng của cây trước khi bị đốt hoặc khắc phục bằng tiền là 150 triệu đồng.
Về phía Phòng Kinh tế TP. Cà Mau, đơn vị này cho rằng, sau khi phát hiện cháy lan qua cây sộp, đơn vị đã khắc phục kịp thời.
Phòng Kinh tế TP. Cà Mau cũng cho rằng mức ảnh hưởng của đám cháy chưa làm chết cây sộp, cây có thể phục hồi.
Trước tiên, Phòng Kinh tế sẽ chịu chi phí mua thuốc, phân, công chăm sóc cây... Ngược lại, nếu cây không phục hồi được và ông Mỹ không thống nhất quan điểm với Phòng Kinh tế thì có quyền khởi kiện theo quy định.
Cơ quan chức năng có phải bồi thường?
Liên quan đến vụ việc, ngày 6/1, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TPHCM) trao đổi với Dân Trí cho biết, theo quy định tại Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015, quy định: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".
Hiện trạng của cây cảnh sau khi bị đốt
Trong trường hợp này, việc người đốt rác gây thiệt hại đến tài sản (cây cảnh) của người khác thì phải bồi thường.
"Theo nguyên tắc, khi đốt rác, người đốt phải đảm bảo các quy chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy, không để cháy lan. Còn để cháy lan qua tài sản của người khác thì trách nhiệm dân sự bắt buộc phải có, tức là phải bồi thường khi có thiệt hại xảy ra", luật sư Học nêu rõ.
Theo luật sư Trần Bá Học, ở đây, lực lượng quản lý chợ của Phòng Kinh tế TP Cà Mau khi đốt rác đã không kiểm soát được lửa, để cháy lan qua cây cảnh của ông Ngô Hồng Mỹ gây thiệt hại thì phải bồi thường cho ông Mỹ.
Về việc bồi thường, luật sư Học cho biết, nguyên tắc 2 bên phải thỏa thuận trước với nhau trên cơ sở xác định giá trị tài sản bị thiệt hại. Để xác định giá trị tài sản bao nhiêu tiền phải có hội đồng định giá rõ ràng.
"Còn 2 bên không thỏa thuận được việc bồi thường, người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường", luật sư Học nói.
Cũng theo luật sư Học, trong sự việc này, phía ông Ngô Hồng Mỹ để cây cảnh lấn chiếm lòng đường vỉa hè thì đây được xem là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội. Ông Mỹ có thể bị xử phạt hành chính.
Đ.K (t/h)
Theo Vietnamnet