Phà Sewol: Nỗi đau 3 năm của người Hàn Quốc Thảm họa chìm phà Sewol khiến hơn 300 người thiệt mạng, trong đó đa phần là các em học sinh của một trường trung học, để lại nỗi đau in hằn trong tâm tưởng người Hàn Quốc.
Ngày 25/3, chính phủ Hàn Quốc đã đưa thành công chiếc phà Sewol từ đáy biển sâu 40 m lên một con tàu nửa chìm để bắt đầu di chuyển về cảng.
Các kỹ sư đã xử lý trở ngại cuối cùng trong việc trục vớt bằng cách cắt bỏ phần thang phà, từ đó đưa chiếc phà lên cao 13 m so với mực nước biển, đủ để chuyển nó sang con tàu nửa chìm.
Sau nhiều lần trì hoãn vì thời tiết và không chọn được phương án tối ưu, cuối cùng phà Sewol đã được trục vớt nguyên vẹn thay vì phải cưa thành nhiều phần nhỏ.
Trong số 304 nạn nhân của vụ chìm phà, 295 thi thể đã được tìm thấy, 9 thi thể vẫn mất tích. Lee Geum Hee, mẹ của một nữ sinh mất tích, nói rằng khi bà nhìn thấy chiếc phà trồi lên khỏi mặt nước, bà vui mừng vì nghĩ sắp tìm được thi thể con mình. Nhưng đến khi nhìn thấy toàn bộ chiếc phà rỉ sét, bà như sụp đổ. "Trong chừng ấy thời gian, đứa con tội nghiệp của tôi đã nằm ở nơi lạnh lẽo, bẩn thỉu đó. Tim tôi đau đớn", bà nói.
Sau khi được chuyển lên tàu vận chuyển, phà Sewol sẽ mất khoảng 2 tuần để cập bến cảng tại thành phố Mokpo, cách nơi trục vớt 90 km.
Vụ chìm phà Sewol được xem là tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại. Hầu hết trong 304 nạn nhân là học sinh trường trung học Danwon (tỉnh Gyeonggi).
Vụ tai nạn đã dẫn đến làn sóng phản đối chính phủ gay gắt tại Hàn Quốc vì Tổng thống Park Geun Hye được cho là "biến mất" nhiều giờ khi vụ việc xảy ra. Bà Park vừa bị phế truất theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc với cáo buộc lạm dụng quyền lực.
Theo Zing