Có thể gặp rất nhiều bệnh từ nguồn nước bể bơi
Vừa qua, tại Công viên nước Hồ Tây, chúng ta đã chứng kiến hàng chục nghìn người chen nhau vào tắm, đi bơi miễn phí. Do lượng người đến quá đông đã làm cho công viêc rơi vào tình trạng hỗn loạn, quá tải trầm trọng. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác, các chuyên gia y tế lại cho rằng, việc bể bơi quá tải sẽ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát tán, làm lây lan các bệnh ngoài da, mắt, hô hấp, bệnh phụ khoa, hay tai mũi họng…
Bể bơi công cộng là nơi tập trung nhiều người, mọi thành phần, mọi đối tượng nên việc xây dựng ý thức tắm chung là rất khó. Nhiều người xuống tắm lại không tuân thủ các biện pháp làm sạch như tắm gội trước khi xuống bể, nhất là những người đang bị mắc các bệnh ngoài da hoặc nhiễm khuẩn sinh dục tiết niệu, bệnh về mắt… nên sẽ càng làm tăng vi khuẩn gây bệnh vào nước. Một số người khác còn có thói quen khạc nhổ, tiểu tiện ra luôn ra bể bơi khiến cho nguồn nước không còn đảm bảo vệ sinh…
Tiến sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho biết, tình trạng quá tải do lượng người quá đông sẽ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Lúc này, nồng độ vi khuẩn trong nước sẽ cao vượt mức cho phép, dễ gây ra các phản ứng viêm da, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông với những biểu hiện có thể gặp tức thì như như ngứa, sần sùi nốt đỏ.
Nguy hiểm hơn, trong số rất nhiều người có thể có những người bị bệnh ngoài da, đây sẽ là nguồn phát tán mầm bệnh nguy hiểm ra môi trường nước thông qua làn da tiếp xúc trực tiếp với nước, qua nước bọt, thậm chí nước tiểu vào trong nước bể bơi. Đặc biệt, nếu có người bị nấm da thì sẽ rất dễ lây truyền, phát tán bệnh bởi loại nấm có thể bám vào quần áo, vào kính bơi của những người khác tắm chung bể bơi.
Ngoài các bệnh về da, bệnh đau mắt đỏ là bệnh thường gặp tại bể bơi do bệnh rất dễ lây lan. Để phòng bệnh, người bơi cần đeo kính bảo vệ, sau khi bơi cần nhỏ nước muối Nacl 0,9%. Triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh là hai mắt sương mọng, niêm mạc và củng mạc mắt đỏ ngầu như tiết, rất nhiều dử mắt dính đặc như mủ, hé mắt ra là chói, mắt cộm như có bụi trong mắt, đau nhức… Những người khi gặp triệu chứng này không nên đến các bể bơi vì rất dễ lây bệnh cho người khác. Ngoài ra, tại một số bể bơi có sử dụng các hóa chất khiến bệnh nặng hơn và lâu khỏi.
Đằng sau sự mát mẻ, sảng khoái khi đi bơi ở bể bơi công cộng lại là những mầm bệnh ẩn chứa, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Ảnh minh họa
Bệnh đường sinh dục cũng rất dễ mắc nếu chúng ta đi tắm ở những bể bơi không sạch. Nấm phụ khoa và các bệnh lây qua đường sinh dục khác có thể phát sinh do nước quá bẩn hoặc do lây từ người này qua người khác. Nó không chỉ gây ra sự khó chịu, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Chúng ta cũng có thể mắc những bệnh như hen, tai, mũi, họng trong thời gian đi bơi ở bể bơi công cộng. Khi tắm trong bể bơi mất vệ sinh, các vi khuẩn, nấm mốc trong hồ bơi có thể đọng lại ở tai gây ra các cơn đau nhức, ngứa ngáy khó chịu. Tai có thể chảy nước vàng, mủ, viêm tai ngoài và nguy hiểm là giảm thính lực nếu không được xử lý đúng cách.
Lưu ý khi đi tắm các bể bơi công cộng
Bác sĩ Vũ Mạnh Hùng cảnh báo, các bệnh lây truyền qua da vốn rất dễ lây do làn da khá mỏng, nhất là trẻ em nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Hơn nữa, các loại vi khuẩn phát tán, lan truyền trong môi trường nước còn có thể xâm nhập vào người khác thông qua nhiều con đường khác nhau, như uống phải nước bể bơi khi bơi, nên ngoài các bệnh da liễu thì việc tắm chung ở các bể bơi có môi trường nước không đảm bảo, bị ô nhiễm còn có thể mắc phải nhiều bệnh lý khác như bệnh về mắt, hô hấp, tiêu chảy…
Để phòng bệnh cho mình và cộng đồng, những người mắc bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, quai bị, bệnh phụ khoa… không nên tắm bể bơi công cộng. Trước khi bơi nên tắm qua và không phóng uế, khạc nhổ trong lúc bơi, trang bị kính bơi để bảo vệ mắt và tắm lại bằng nước máy sạch sẽ.
Nên súc miệng bằng nước sạch ngay khi lên bờ vì hóa chất trong nước bể bơi lỡ uống phải dễ hủy hoại men răng. Đi bơi về dễ mắc các bệnh đau mắt đỏ, khô mắt, đỏ mắt, viêm tai mũi họng... Nếu thấy mắt, tai có triệu chứng bất thường cần đi khám ngay.
Lúc bơi lội, thân thể dễ bị va chạm, xây xước nhẹ, virus, nấm, bệnh ngoài da dễ xâm nhập... nên cần vệ sinh da sạch bằng xà phòng, sữa tắm có độ kiềm cao để tránh bệnh da liễu.
Khi bị mắc các bệnh phụ khoa không nên đi tắm tại các bể bơi công cộng.
Không nên tắm bể bơi quá đông người và tránh nên đi vào các ngày lễ.
Theo Tri Thức Trẻ