Hà Nội đang là điểm nóng sốt xuất huyết của cả nước khi số mắc mới tăng nhanh chóng mặt. Tuần qua, ghi nhận thêm gần 2.800 trường hợp, nâng tổng số mắc từ đầu năm lên hơn 14.000 ca, đứng thứ 2 sau TP HCM (16.500 ca).
Trong 10 năm trở lại đây, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội cao nhất rơi vào năm 2009 (16.000 ca) và 2015 (hơn 15.000 ca). Những năm trước, cao điểm dịch thường rơi vào tháng 9-10, nhưng năm nay ngay từ tháng 5 đã bắt đầu tăng mạnh.
Ngày có 1.000 bệnh nhân đến khám
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có 800-1.000 bệnh nhân đến khám, tại Bệnh viện Đống Đa, con số này khoảng 250-400 bệnh nhân.
Quá tải bệnh nhân, các bệnh viện phải huy động toàn nhân lực, triệu tập hết bác sĩ đi học quay trở lại, làm việc 24/24. Phòng của BS cũng được trưng dụng thành phòng điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Đống Đa cho biết, để tránh quá tải cho khoa Truyền nhiễm, BV đã huy động gần 30 bác sĩ ở các khoa, phòng khác đến hỗ trợ, dù vậy nhân viên y tế vẫn phải làm việc tăng 200-300% so với ngày thường, 7-8h tối chưa được về.
Nhiều người vừa trực đêm sáng hôm sau vẫn làm nối ca luôn. Ngay tại khoa Cấp cứu, 2 BS và 3 điều dưỡng đang phải khám 150 bệnh nhân/ngày, trong khi ngày thường chỉ 20-40 người.
"Bữa trưa thường bắt đầu lúc 14h và bữa tối thường sau 22-23h30, có hôm không mệt không nuốt nổi", Bác sĩ Hiền chia sẻ.
Hình ảnh ghi nhận tại các bệnh viện:
Hội trường BV Bệnh Nhiệt đới được trưng dụng, kê thêm 20 giường điều trị ban ngày cho các bệnh nhân sốt xuất huyết
Bệnh nhân và người nhà thuê giường xếp để nằm vì quá tải
Giường bệnh kê kín phòng
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hành lang chật kín bệnh nhân
Chăm người thân bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đống Đa, em Nguyễn Di Quảng (16 tuổi, Vĩnh Phúc) mệt mỏi ngủ gục bên thành giường
Một bà bầu mắc sốt xuất huyết đang được kiểm tra sức khoẻ
2 chị em Nguyễn Quỳnh Anh, 11 tuổi và Nguyễn Việt Anh 8 tuổi bị sốt xuất huyết kế tiếp nhau, đã nhập viện điều trị từ 2/8 đến nay tại Bệnh viện Đống Đa
Theo Vietnamnet