Ngày 3/1, Công an tỉnh Hậu Giang thông tin, trong năm 2024, Công an tỉnh này đã khởi tố 3 vụ án, bắt tạm giam 4 đối tượng về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài".

Các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về các thủ đoạn này của các đối tượng, tuy nhiên nhiều người dân lại không quan tâm dẫn đến tiếp tục mắc bẫy của các đối tượng.

Thủ đoạn phổ biến hiện nay là tự nhận bản thân có khả năng đưa lao động đi Hàn Quốc để thu hồ sơ của lao động, sau đó, tìm mọi cách đưa ra thông tin giả về đối tác Hàn Quốc, hứa hẹn môi trường làm việc, mức lương lý tưởng, làm giả hình ảnh visa lao động để người lao động tin tưởng đóng tiền nhằm chiếm đoạt tài sản của người lao động.

Các đối tượng cò mồi, môi giới tuyển dụng tràn lan lao động có nhu cầu đi Hàn Quốc, yêu cầu lao động đóng tiền cọc từ 10 triệu đến 20 triệu đồng; sau đó, đối với các lao động không xuất cảnh được chi trả lại một phần, số còn lại các đối tượng chiếm đoạt mà không bị người lao động phản ứng.

Các đối tượng tìm cách tổ chức cho người lao động trốn đi nước ngoài bằng nhiều hình thức: Đưa người lao động đi Hàn Quốc bằng visa du lịch, du học rồi trốn ở lại làm việc bất hợp pháp; làm giả các loại giấy tờ nằm trong thủ tục, hồ sơ xin visa (bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ đào tạo nghề, giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc) để đánh lừa cơ quan thẩm định của Hàn Quốc.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động thời vụ-1

Bên cạnh đó, một số trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tư vấn du học trên địa bàn tỉnh hoạt động không đúng nội dung giấy phép đăng ký với các cơ quan chức năng, đặc biệt là tình trạng môi giới xuất khẩu lao động trá hình, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động ngoài tỉnh khi chưa có giấy phép hoạt động trên lĩnh vực này.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động nhưng vẫn ngang nhiên đăng bảng hiệu quảng cáo, tiến hành nhận hồ sơ, tổ chức tư vấn đào tạo và thu tiền của người lao động nhưng không tổ chức đưa người lao động của tỉnh đi xuất khẩu lao động như đã thoả thuận; đơn phương chấm dứt hoạt động và người đại diện theo pháp luật trốn khỏi địa bàn đăng ký hoạt động, chiếm đoạt số lượng tiền lớn của người lao động.

Điều kiện xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc với các dạng visa hiện nay, như sau: diện Visa E7, là loại visa yêu cầu người lao động phải có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành có liên quan đến công việc tuyển dụng, chứng chỉ nghề có liên quan, kinh nghiệm làm việc tại các ngành nghề tuyển dụng; diện Visa E8, là loại visa chỉ được thực hiện thông qua chương trình hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam ký kết với các địa phương của Hàn Quốc, các tổ chức, cá nhân khác không được phép thực hiện đối với diện visa này; diện Visa E9, là loại visa chỉ được thực hiện thông qua Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Người lao động trên địa bàn tỉnh khi có nhu cầu đăng ký tham gia các chương trình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đang được triển khai tại Hậu Giang với hình thức lao động hợp đồng dài hạn hoặc thời vụ đề nghị liên hệ trực tiếp với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố để được tư vấn, hướng dẫn các thông tin cụ thể liên quan đến công tác xuất khẩu lao động hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục theo đúng quy định.

Theo Người Đưa Tin