Thức đến 3h để đếm người like
Chị Bùi Thúy Vy trú tại Đỗ Xá, Phú Xuyên, Hà Nội đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 trong trạng thái mệt mỏi, hai mắt thâm quầng và có biểu hiện lo lắng, co rúm người lại.
Anh Bình chồng chị Vy kể, chị bị mất ngủ đã lâu và dùng thuốc ngủ nhưng không cải thiện được. Đến nay, chị Vy luôn trong trạng thái lo sợ, thấp thỏm mỗi khi bị mọi người chê bai hay trách móc khi chị đưa ra một bức ảnh hay một status lên mạng. Nhưng không có ai vào thích hay bình luận chị cũng buồn.
Có những hôm, anh Bình để ý thấy vợ mặt mũi nhăn nhó khó chịu, anh hỏi ra thì chị bảo không có ai vào like ảnh của chị vừa đưa lên mạng xã hội, chắc tại ảnh chưa đẹp. Rồi chị tìm đủ các từ than vãn lý giải vì sao ít người thích ảnh như thế.
Anh Bình gỡ cài đặt mạng xã hội trong điện thoại và ipad của vợ nhưng được một ngày chị lại năn nỉ chồng cài lại vì không có nó chị thấy nhạt nhẽo, vô vị. Chị Vy cho rằng một ngày không ăn, không uống có thể chịu được chứ không vào mạng xã hội xem là thấy thiếu hụt, chưa kiểm tra là chưa thể ngủ nổi.
Khoảng 2 tháng nay, đêm nào cũng thấy vợ mần mò điện thoại đến 2-3h sáng, anh bảo chị đi ngủ chị không chịu. Mỗi lần có ai like hay comment là chị Vy vui hẳn lên.
Ảnh minh họa.
Vì nghiện Facebook mà chị Vy cũng tham gia đăng ký hội này hội kia. Anh Bình nghĩ Facebook là khoảng trời riêng của mỗi người nên anh không bao giờ vào mạng xã hội của vợ. Một lần điện thoại của vợ hỏng, chị lấy điện thoại của chồng vào mạng xã hội rồi quên thoát ra.
Lúc ấy, anh Bình quá bất ngờ vì vợ mình có đến hơn 2000 bạn bè, trong khi đó có đến 90% anh Bình khẳng định là không hề quen biết, chỉ là bạn trên mạng. Chị còn là thành viên của hơn 100 hội này, nhóm nọ.
Anh thấy vợ hay đăng status rồi đưa ảnh lên nhưng không nghĩ rằng vợ mình lại nghiện mạng xã hội như thế. Nhìn vợ mất ngủ chỉ để đếm xem có bao nhiêu người thích bức ảnh mà cô vừa tạo dáng cách đây ít phút, anh Bình thở dài.
Qua tìm hiểu các biểu hiện của vợ, anh Bình đã gọi điện cho chuyên gia nhờ tư vấn tâm lý cho vợ, anh giật mình khi chuyên gia nói biểu hiện nghiện mạng xã hội có thể trở thành bệnh. Lúc này, anh Bình về nhà gỡ mạng, gỡ các cài đặt liên quan đến mạng xã hội.
Anh theo dõi hai ngày thấy vợ mệt mỏi, không ăn và hay thở dài. Anh động viên, mua thuốc ngủ về nhưng chị vẫn không ngủ nổi. Đêm nào chị cũng lục xục đến tận 2-3 h sáng. Anh phải chở chị đi khám.
Có thể hóa điên vì mạng xã hội
Tiến sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Trưởng khoa Cấp tính nữ cho biết, sử dụng mạng xã hội nhiều có thể gây nghiện và cũng có tác hại. Khi đó, con người chỉ thích cuộc sống trên mạng mà quên đi cuộc sống hàng ngày của mình.
Tiến sĩ Phương cho biết rất nhiều người mất ăn, mất ngủ vì mạng xã hội. Như thế ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian làm việc. Đó là còn chưa kể đến các bệnh rối loạn tâm thần có thể mắc phải. Vì mạng xã hội có “tuổi thọ” chưa nhiều nhưng TS Phương cho rằng nếu dùng lâu chắc chắn sẽ có các nạn nhân hóa điên vì ứng dụng này.
Hiện nay, theo tiến sĩ Phương để cai nghiện rất khó, nó phụ thuộc vào ý thức của mọi người. TS Phương cho biết, những người để quên ví không thấy có vấn đề gì, nhưng quên điện thoại là họ không làm ăn gì được, chưa vào họ chưa làm được gì... là thực sự đáng báo động.
Để quên đi mạng xã hội gỡ tài khoản không phải là cách hay. Người dùng nên biết cách cân bằng, hạn chế bạn bè quá rộng và các ứng dụng khác trên mạng. Hãy dùng mạng xã hội như một cách liên lạc, thông tin với bạn bè thay vì ăn, ngủ với nó như hiện nay.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Zing